Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương triển khai tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh.
“Người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính với biểu hiện ho, sốt phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cấp cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời”, ông Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, ngành y tế Bình Định đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền. Rà soát lại các phương tiện máy thở, Monitor theo dõi người bệnh, vật tư y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã thành lập ban chỉ đạo cùng 2 đội cấp cứu hỗ trợ, tiếp nhận và điều trị người bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới |
Ngành y tế Bình Định còn yêu cầu tất cả đơn vị trực thuộc thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới; thiết lập “đường dây nóng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona” để tiếp nhận thông tin và sẵn sàng tiếp nhận ứng cứu.
Theo BS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, đơn vị này đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh và các sự kiện y tế công cộng trên địa bàn tỉnh.
“Chúng tôi kích hoạt hệ thống giám sát bệnh nhân viêm phổi nặng tại cộng đồng, các bệnh viện, sân bay, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế đến Bình Định. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng hỗ trợ, triển khai chống dịch kịp thời”, ông Lân nhấn mạnh.
Trong khi đó, với vai trò của bệnh viện tuyến cuối, Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã thành lập ban chỉ đạo cùng 2 đội cấp cứu hỗ trợ, tiếp nhận và điều trị người bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới. Các thành viên của Ban chỉ đạo được chia thành 3 tiểu ban trực, gồm: Tiểu ban điều trị, tiểu ban phòng chống lây nhiễm và tiểu ban hậu cần; thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
“Mỗi Đội cấp cứu hỗ trợ, tiếp nhận có 4 thành viên, do bác sĩ trưởng khoa truyền nhiễm và bác sĩ trưởng khoa nhi phụ trách. Khi nhận được lệnh điều động, 2 đội khẩn trương làm nhiệm vụ với đầy đủ phương tiện, dụng cụ y tế, thuốc cấp cứu; tập trung sơ cứu, cấp cứu xử trí kịp thời bệnh nhân”, BS. Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Định, cho hay.