Một dây chuyền chế biến trái cây trong nhà máy Tanifood của Lavifood |
Có thể nói đây là một dịp quảng bá sản phẩm rất quan trọng mà Lavifood đã tận dụng thành công với mục tiêu đưa nước ép trái cây Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới.
Nhắc tới Lavifood, trước hết phải nhắc tới sự liên kết giữa tập đoàn với các địa phương và nông dân để hình thành nên những vùng nguyên liệu lớn. Cụ thể, Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh về việc xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 27.000 ha. Trong đó, tập đoàn đã liên kết với nông dân tiến hành trồng được 120 ha chanh dây, 20 ha khóm tại Tân Biên và Trảng Bàng.
Yêu cầu đầu tiên về chất lượng mà Lavifood đặt ra cho nông dân là phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tại vùng nguyên liệu, Lavifood cung ứng cho nông dân về giống, liên kết với các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón có uy tín để cung cấp phân bón đạt tiêu chuẩn cho nông dân, đồng thời kết hợp với công nghệ i-Farm trong nhà máy. Đây là công nghệ quản lý từ nhà máy, vùng trồng tới khách hàng. Theo đó, mỗi khi có 1 đơn hàng, i-Farm sẽ tính toán và chia đơn hàng cho từng nhà máy (số lượng, loại sản phẩm...), sau đó sẽ chia cho các nông trại (trồng cây gì, sản lượng bao nhiêu...).
Bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, Lavifood đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến rau củ quả ở Long An và Tây Ninh. Trong đó, nhà máy Tanifood ở Gò Dầu (Tây Ninh) được coi là đây là nhà máy chế biến rau củ quả lớn nhất Việt Nam và là một trong 5 nhà máy hiện đại nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tanifood cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.
Với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm và nhiều dây chuyền sản xuất cùng lúc trên cơ sở công nghệ, kỹ thuật hiện đại, cùng quy trình phân loại rau củ quả, Tanifood sẽ chế biến tất cả các loại trái cây, rau củ với nhiều hình thức, sản phẩm khác nhau.
Trong đó, rau củ quả loại 1 sẽ làm XK tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai. Với quy trình phân loại, chế biến như vậy, Tanifood sẽ giảm thiểu tình trạng lãng phí sau thu hoạch, giúp nông dân tăng thu nhập vì nâng lượng rau củ quả được tiêu thụ từ 50% lên 80%. Ước tính nhà máy Tanifood sẽ giúp cải thiện thu nhập cho người nông dân tỉnh Tây Ninh từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Để đẩy mạnh XK nước ép trái cây ra thị trường thế giới, Lavifood đã tích cực thực hiện các công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Đến nay, Lavifood đã có các nhãn hiệu nước ép trái cây được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận như We Love, We Real...
Nhằm làm cho những nhãn hiệu này nhanh chóng được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới, trong thời gian qua, Lavifood đã tích cực tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước như Hội chợ quốc tế Thực phẩm và Đồ uống lần thứ 43 (Foodex 2018) tại Nhật Bản...
Mới đây, Lavifood đã tiếp cận với trang thương mại điện tử Amazon để quảng bá và bán các sản phẩm của mình. Ông Lê Thành, đại diện Lavifood cho hay, Cty đã có quá trình đàm phán với Amazon và các nhà bán lẻ hàng đầu khác trên thế giới. Khoảng vài tháng nữa, các sản phẩm của Lavifood sẽ xuất hiện trên trang Web của Amazon.
Nhờ đẩy mạnh liên kết với nông dân hình thành vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn ATTP, áp dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất thế giới, Lavifood đã sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước ép trái cây, nước trái cây cô đặc... đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, các sản phẩm của Lavifood đã XK tới nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. |