Các nhà khoa học khảo sát hiện trường và lấy mẫu phân tích nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung
Tin từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày 25/4 cho biết Chủ tịch Viện đã cử đoàn công tác để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở các tỉnh miền Trung từ ngày 18/4.
Tổ công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Cơ học, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Công nghệ Môi trường.
Tổ công tác đã tiến hành khảo sát tại hiện trường từ ngày 19 đến ngày 24/4 tại các điểm từ Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) đến Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tổ công tác đã tiến hành đo đạc các thông số tại hiện trường và tiến hành lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển; 200 mẫu cá chết tại các điểm Vũng Áng, Đèo Ngang, Cửa Nhật Lệ, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Chân Mây và Lăng Cô.
Tổ công tác đã tiến hành thu ảnh khu vực nghiên cứu thông qua vệ tinh VNRED Sat-1 và ghi nhận lại các hoạt động địa chấn tại khu vực nghiên cứu và các khu vực liên quan. Tìm hiểu các đặc trưng khí tượng, thủy- hải văn, động lực biển tại khu vực nghiên cứu.
Phân tích các độc chất trong gan, ruột và mang cá
Kết quả phân tích ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tích khác cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến ngày 24/4 chưa phát hiện các vụ tràn dầu lớn tại khu vực nghiên cứu nên nguyên nhân cá chết do tràn dầu có thể được loại bỏ.
Các trạm địa chấn đặt tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế thuộc mạng lưới đài trạm địa chấn Quốc gia do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quản lý không ghi nhận được trận động đất nào có độ lớn trên 5 độ Richte, xảy ra tại khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Do vậy hiện tượng sốc nhiệt do phá hủy bề mặt, bên trong vỏ hoặc những biến đổi địa tầng trong vỏ đại dương có thể được loại trừ. Ảnh hưởng của 2 trận động đất tại Nhật Bản vào ngày 14 và ngày 16/4 đã được ghi nhận. Tuy nhiên, 2 trận động đất này không gây ra ảnh hưởng đối với khu vực nghiên cứu.
Viện Địa chất và Địa vật lý Biển đánh giá ảnh hưởng của dòng chảy ven bờ khu vực biển miền Trung. Các thông số môi trường và các độc tố trong nước, trầm tích tại mặt cắt ngang 25 km từ cửa Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ cũng được tổ công tác lấy mẫu và phân tích.
Để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến nguyên nhân cá chết hàng loạt, tổ công tác đang khẩn trương xác định tảo độc và phân tích các độc chất trong nước, trầm tích và các mẫu cá đã thu thập tại hiện trường.
Ảnh vệ tinh VNREDSat-1 chụp khu vực lân cận Vũng Áng
Trước đó, như đã thông tin, 20 ngày qua, trên phạm vi 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt, có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống và sinh kế của người dân. Đã có trường hợp bé gái 8 tuổi, ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu do ăn phải cá chết.
Ngày 22/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân hải sản chết bất thường hàng loạt ở miền Trung; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các thông tin nêu “Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng” liên quan đến hiện tượng này.
Ngày 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung, báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.