| Hotline: 0983.970.780

Lấy đất của dân cho thuê trái luật?

Thứ Sáu 03/05/2019 , 10:01 (GMT+7)

Năm 1981, HTX nông nghiệp Yên Sơn (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP Hà Nội) giao các khu đất Thiều Trên 3, Dài 4, Bến 4 cho một số hộ xã viên để trồng cây nộp cho HTX làm phân xanh.

Giấy của HTX nông nghiệp giao đất cho họ đều không ghi thời hạn, nghĩa là giao lâu dài. Đó là những vùng đất thùng vũng, ao đầm, hoàn toàn không canh tác được.

13-14-32_c_3_khu_dt_thieu_tren_3_di_4_ben_4_khong_con_mot_mu_dt_trong_chu_khong_phi_dt_bo_hong
Cả 3 khu đất đều không còn 1 mẩu đất trống chứ hoàn toàn không bỏ hoang

Mấy năm sau, khi HTX không thu cây làm phân xanh nữa, các hộ dân đã bỏ rất nhiều công sức san lấp, cải tạo, biến những khu đất trên thành ruộng canh tác, cấy lúa và nộp thuế nông nghiệp cho nhà nước.

Đến năm 2001, khi nhà nước có chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân cả nước, thì các hộ xã viên ở 3 khu đất trên mới ngừng đóng thuế. Theo ông Phạm Văn Thành, một trong những hộ dân có đất ở 3 khu Thiều Trên 3, Bến 4, Dài 4, thì từ năm 2012 trở đi, các hộ dân đều chuyển sang trồng các loại cây như ổi, bưởi... và trồng các loại rau cung cấp cho thị trường. Suốt 38 năm nay, kể từ năm 1981, các hộ dân đều canh tác ổn định và không bị ai tranh chấp.

Năm 2018, UBND xã bỗng ra thông báo yêu cầu các hộ dân ở 3 khu đất trên ngừng canh tác để UBND xã lấy đất cho ông Hoàng Văn Mai thuê, vì 3 khu đất đó là “đất công ích” của xã. Điều này khiến các hộ dân có đất ở 3 khu đất đó rất hoang mang, bức xúc, vì cây cối của họ đang thu hoạch, nhiều hộ mỗi ngày thu hàng tạ ổi... nhưng họ không được nghe UBND xã thông báo bất cứ sự bồi thường nào về công sức san lấp, cải tạo đất cũng như cây cối và các tài sản khác đang gắn liền với đất của họ.

Nhận được đơn của một số hộ dân đang có đất ở 3 khu vực đó, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn:

- Những hộ dân đang canh tác trên 3 khu đất đã bỏ rất nhiều công sức để san lấp, bồi đắp cải tạo, nên đất đai mới được như ngày nay. Nay UBND xã lấy đất đó cho thuê, thì có bồi thường công san lấp, cải tạo đất và giá trị cây cối, tài sản khác trên đất cho dân không?

- Các hộ dân ở 3 khu đất đó hiện đều bỏ đất hoang, nên không biết bồi thường cho ai.

Ông chủ tịch xã đã nói dối. Bởi trước khi đặt câu hỏi này, chúng tôi đã đến cả 3 khu đất nói trên. Cả 3 khu không còn một mẩu đất trống. Các vườn cây và vườn rau đều đang cho thu hoạch. Đây có thể nói là những khu đất, màu mỡ, trù phú thuộc loại nhất của xã Yên Sơn. Bằng cách lập luận “không biết bồi thường cho ai”, UBND xã Yên Sơn thực chất muốn nuốt không không biết bao nhiêu mồ hôi của các hộ dân đã đổ ra để san lấp, cải tạo đất cũng như toàn bộ giá trị cây cối và những tài sản khác của họ hiện đang gắn liền với đất. Chúng tôi hỏi tiếp:

- 3 khu đất Thiều Trên 3, Dài 4, Bến 4, hiện nay ai đang quản lí?

- Đó là đất công ích của xã, do UBND xã quản lí.

- Đất công ích là đất dùng để xây dựng các công trình công cộng, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của xã. Theo quy định tại Nghị định 64/CP của Chính phủ, thì diện tích đó là 5% đất nông nghiệp trong xã. Nhưng đất công ích phải được quy hoạch. Quy hoạch đó phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và ra quyết định giao cho xã, chứ không thể tùy tiện lấy bất cứ chỗ nào trong xã làm đất công ích. Đề nghị quý xã cho chúng tôi xem quyết định của cấp có thẩm quyền giao 3 khu đất Thiều Trên 3, Dài 4, Bến 4 cho UBND xã làm đất công ích.

Nhưng UBND xã Yên Sơn đã không đưa ra được.

Thực ra, 3 khu đất Thiều Trên 3, Dài 4, Bến 4 hoàn toàn không phải là đất công ích của xã. Các hộ dân đã canh tác tại 3 khu đất đó suốt từ năm 1981 đến nay. Tuy không có giấy tờ do cấp có thẩm quyền giao (chỉ có danh sách các hộ được giao đất, hiện còn lưu trong sổ của HTX), nhưng họ đều có hộ khẩu trong xã, đều canh tác ổn định và không có tranh chấp.

Đối chiếu với khoản 1 điều 101 Luật Đất đai năm 2013, thì quyền sử dụng đất đó đã là của họ. Còn nếu năm 1981, HTX nông nghiệp là cơ quan có quyền giao đất, thì căn cứ điểm a, khoản 1, điều 100 Luật Đất đai năm 2013, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về họ. Và UBND xã Yên Sơn phải có trách nhiệm làm các thủ tục tại địa phương, trình cấp có thẩm quyền (cấp huyện) để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.

Trường hợp muốn lấy đất của họ, thì chỉ UBND huyện mới có thẩm quyền thu hồi. Việc thu hồi phải có lí do chính đáng, và chỉ được thu hồi sau khi đã bồi thường cho họ theo đúng chính sách của nhà nước. Đã không phải là đất công ích của xã, do UBND xã quản lí, thì UBND xã không có quyền cho thuê.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.