| Hotline: 0983.970.780

Tiếp bài 'Tỉnh Hải Dương cấp phép cho doanh nghiệp không đủ điều kiện'

Lấy đất của doanh nghiệp này giao cho doanh nghiệp khác

Thứ Sáu 27/12/2019 , 17:14 (GMT+7)

Các Sở ngành và chính quyền địa phương đều “quên” thẩm định Dự án tạo điều kiện để Cty Thế Anh tự ý khoanh đất Cảng Phú Thái vào Dự án của mình…

Phê duyệt dự án chồng lấn lên dự án, UBND tỉnh Hải Dương đang cố tình làm trái luật.

Như NNVN đã thông tin, hành động nhắm mắt kí bừa Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Thế Anh của lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã mở màn cho một vụ tranh chấp khiếu kiện kéo dài. Không chỉ tranh chấp bởi vùng nước dành cho tàu thuyền quay trở khi ra vào cảng mà còn tranh chấp diện tích đất được cấp chồng lấn giữa Dự án của Cty Thế Anh với Cảng Phú Thái.

Tháng 1/2004, tỉnh Hải Dương ra Quyết định 162 cho phép ông Đặng Văn Chúc lập mặt bằng để trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu thuyền tại bãi ngoài sông hữu Kinh Môn. Theo đó, ông Chúc được giao quản lý diện tích 44.000m2 đất bãi từ Km16 + 150 đến Km16 + 450. Vị trí đất của dự án được chấp thuận: Phía đông giáp đất khai thác vật liệu xây dựng (tức đất của HTX Hồng Hà), phía tây giáp hành lang cầu An Thái, phía nam giáp hành lang đê, phía bắc giáp sông Kinh Môn.

Trên diện tích đất được giao ông Chúc đã xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và Cảng thủy nội địa Phú Thái, hiện đang quản lý kinh doanh đúng mục đích. Bỗng nhiên, đến tháng 12/2008, UBND tỉnh Hải Dương lại kí Quyết định 4778 thu hồi đất và cho Cty Thế Anh thuê đất xây dựng Cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng chồng lấn lên diện tích đã cấp cho Cảng Phú Thái 12.404m2.

Theo ông Đặng Đức Chúc, việc tỉnh Hải Dương thu hồi đất đã giao cho Cảng Phú Thái để giao lại cho Cty Thế Anh là trái luật. Bởi lẽ cơ quan có thẩm quyền đã giao đất cho Cảng Phú Thái thì chỉ có thể thu hồi khi cần phục vụ cho lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng. Không thể tùy tiện ra quyết định thu hồi của doanh nghiệp này để giao cho doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, suy cho cùng thì dự án của Cty Thế Anh mới chỉ nằm trên giấy và chưa được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp nhận nên dường như không có tính khả thi.

Ngược lại, sau 5 năm được giao đất, Cảng Phú Thái đã hình thành và đang tiếp tục thực hiện đầu tư theo dự án, có lộ trình, có kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hiện diện tích 12.404m2 đất bị giao chồng lấn dự án vẫn đang được ông Đặng Đức Chúc và Xí nghiệp Thắng Lợi do con trai ông Chúc là Đặng Hùng Thắng trực tiếp sử dụng vào việc chứa vật liệu và kinh doanh Cảng Phú Thái.

Nếu bị thu hồi tới 1/3 diện tích sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư của cảng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể phá vỡ toàn bộ Dự án. Vậy tại sao tỉnh Hải Dương lại “hy sinh” quyền lợi của một dự án đang hoạt động có hiệu quả để đổi lấy một dự án không có tính khả thi?

Không chấp nhận bất công đó, ông Chúc đã nhiều lần làm đơn khiếu nại về quyết định thu hồi đất và cho thuê đất cũng như Giấy Chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương đối với Cty Thế Anh. Tuy nhiên, UBND tỉnh không thu hồi quyết định, giải quyết triệt để vấn đề mà vòng vo đổ lỗi cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh.

Cụ thể, Cơ quan Thanh tra tỉnh xác định nguyên nhân dẫn đến giao đất chồng lấn do năm 2003 UBND thị trấn Phú Thái xác nhận hồ sơ xin công bố Cảng nội địa Phú Thái của ông Chúc chưa đúng. Đến năm 2008, UBND thị trấn Phú Thái tiếp tục xác nhận vị trí diện tích đất cho Cty Thế Anh xin mở bến tập kết và kinh doanh vật liệu tạm thời trùng với vị trí UBND tỉnh đã cấp phép cho ông Chúc.

Sở Tài nguyên - Môi trường có thiếu sót trong quá trình thẩm định; chưa tham mưu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; chưa hướng dẫn Cty Thế Anh lập bản kê khai về tất cả diện tích đất, tình trạng sử dụng đất đã được Nhà nước giao, cho thuê.

Phương tiện máy móc hoạt động ở Cảng Phú Thái.

Trong quá trình thẩm định dự án, Sở Kế hoạch - Đầu tư không cùng với chính quyền địa phương thực hiện khảo sát thực địa khu vực đất thực hiện dự án của Cty Thế Anh và không nắm đầy đủ thông tin về diện tích đất 12.404 m2 tương ứng với Km16+345 đến Km16+450 đê hữu sông Kinh Môn đang được ông Chúc sử dụng lập bến, bãi tập kết và kinh doanh vật liệu theo QĐ số 162 ngày 13/1/2004 của UBND tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh trình Chủ tịch UBND kí QĐ 4778 thu hồi đất và cho Công ty Thế Anh thuê đất chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 và Điều 44 Luật Đất đai 2003.

Như vậy tỉnh Hải Dương thừa nhận sai sót thuộc về các cấp, ngành chức năng. Và thật ngẫu nhiên là cả UBND huyện Kim thành, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, Văn Phòng UBND tỉnh đều “bỏ quên” khâu quan trọng nhất là thẩm định vị trí đất thực hiện dự án!? Nhưng sự ngẫu nhiên này chỉ để che đậy một thực tế đã được dàn dựng, tính toán từ trước của Công ty Thế Anh trong nước cờ thôn tính đất.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.