| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Hải Dương cấp phép cho doanh nghiệp không đủ điều kiện

Thứ Năm 26/12/2019 , 15:10 (GMT+7)

Dù Cục Đường thủy nội địa Việt Nam không đồng thuận nhưng tỉnh Hải Dương vẫn phê duyệt Dự án kinh doanh cầu cảng cho Công ty Thế Anh. Doanh nghiệp đã không thực hiện mà chuyển nhượng dự án.

Phương tiện máy móc tại dự án cầu cảng Phú Thái.

Theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 thì mọi tổ chức, cá nhân khi lập dự án xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã bỏ qua điều luật này khi cấp Giấy Chứng nhận đầu tư dự án: “Cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng” cho Cty TNHH SXKD TM Thế Anh (Cty Thế Anh).

Cụ thể, tháng 4/2008, Cty Thế Anh lập dự án Cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng tại thị trấn Phú Thái và xã Kim Lương, huyện Kim Thành.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 83 tỉ đồng, trên diện tích đất 20.907m2 với mục tiêu mỗi năm sẽ đóng mới khoảng 2 chiếc tàu trọng tải trên 5.000 tấn và sửa chữa tàu thủy các loại khoảng 7 chiếc/năm. Ngoài ra, Cty Thế Anh còn muốn đầu tư thiết bị để kinh doanh cầu cảng xếp dỡ hàng hóa với quy mô 74.000 tấn/tháng.

Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ dự án do Cty lập thì sẽ thấy đây là một cơ hội thu hút đầu tư lớn, có tiềm năng phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đương nhiên tỉnh Hải Dương cũng thêm nguồn thu ngân sách.

Nhưng xét trên thực tế, dự án của Cty Thế Anh lại hoàn toàn bất khả thi, bởi đơn giản rằng tại vị trí này đang tồn tại cảng Phú Thái đã hoạt động. Đặc thù của vùng nước ở đây không đủ rộng để thực hiện cùng một lúc hai dự án kinh doanh cầu cảng.

Chính vì vậy, nơi đây Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đưa vào quy hoạch và công bố tồn tại duy nhất một cảng thủy nội địa là Cảng Phú Thái.

Cảng Phú Thái đã được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2004.

Theo Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương năm 2004 thì Cảng Phú Thái là cơ sở trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu thuyền tại bãi ngoài bờ phải sông Kinh Môn thuộc huyện Kim Thành.

Kết cấu cảng gồm 2 cầu cảng và 3 bến cập tàu. Để hoạt động, Cảng Phú Thái được giao quản lý 2 vùng nước: Vùng nước trước cảng có chiều dài 300m chạy dọc theo bờ, chiều rộng 25m tính từ mép bờ trở ra phía sông; vùng nước neo chờ là vùng nước tiếp giáp hạ lưu cảng có chiều dài 300m chạy dọc theo bờ, chiều rộng 25 m từ bờ ra sông.

Sở dĩ phải Cảng Phú Thái được giao quản lý 2 vùng nước vì đây là cảng hàng hóa cấp II nên buộc phải có “vùng nước neo đậu và vùng nước quay trở”, đây là quy định Tiêu chuẩn Việt Nam về Cảng thủy nội địa.

Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 cũng quy định đầy đủ: “Vùng nước cảng được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở, vùng neo đậu, khu chuyển tải, khu hạ tải, khu tránh bão”.

Như vậy, nếu tỉnh Hải Dương cấp phép cho Cty Thế Anh hoạt động kinh doanh cầu cảng tại đây thì sẽ phải điều chỉnh vùng nước và Cảng Phú Thái sẽ mất đi vùng nước quay trở, gây khó khăn thậm chí mất an toàn cho hoạt động giao thông đường thủy khi các phương tiện thủy cỡ lớn ra vào cảng.

Mặc dù biết rõ, dự án Cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Cty Thế Anh là không phù hợp với quy hoạch, sẽ không có được sự chấp thuận của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhưng ngày 20/6/2008, lãnh đạo tỉnh Hải Dương vẫn “cố đấm ăn xôi” kí giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Thế Anh.

Hành động bất chấp pháp luật này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Cảng Phú Thái và làm xấu đi môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Có thể khẳng định, chính quyết định kí bừa của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, đã mở màn cho một cuộc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài hàng chục năm liên miên với nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành cấp tỉnh, rồi cấp huyện.

Thậm chí, còn có dấu hiệu trù dập, kỉ luật Đảng cán bộ dám tỏ ý không đồng thuận với dự án sai phạm này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.