Chuyển đổi số là lĩnh vực trọng tâm trong mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, trong đó tập trung vào các hoạt động như: Kết nối sàn thương mại điện tử để tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp nông sản – vật tư; hợp đồng điện tử; nhật ký sản xuất; định danh chủ thể và vùng sản xuất; phát triển dữ liệu, nền tảng số; hỗ trợ các thông tin cần thiết về thị trường, vật tư, nông sản, thời tiết, dịch bệnh…
Thời gian qua, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghệ số. Tuy nhiên, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thành phố nhìn nhận, việc ứng dụng dữ liệu, nền tảng công nghệ ở cơ sở còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, kỹ năng công nghệ thông tin của bà con nông dân còn hạn chế, tập quán sản xuất hay thói quen ghi chép nhật ký, giới thiệu bán hàng nông sản trên nền tảng công nghệ vẫn còn những rào cản.
Đặc biệt, các nền tảng công nghệ dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp hiện đang rời rạc, thiếu dữ liệu. Điều này khiến bà con nông dân gặp khó để lựa chọn được một nền tảng tin cậy. Do đó, ngành nông nghiệp rất cần những nền tảng chính thống để cập nhật thông tin, làm “chiếc áo phao” để định hướng sản xuất cho nông dân.
Sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu tính hữu ích của các nền tảng số, ngày 4/11, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã mời các doanh nghiệp công nghệ số tiên phong đưa ra các nền tảng như chonongsancantho.vn, MobiAgri, Mạng nhà nông… để hỗ trợ tập huấn cho lực lượng cán bộ kỹ thuật, HTX trên địa bàn. Chương trình tập huấn nhằm lan tỏa những nền tảng hữu ích tới người dùng, đồng thời phát triển các dữ liệu để hoàn thiện các nền tảng.
Trong đó, điển hình là ứng dụng MobiAgri do Tổng Công ty viễn thông MobiFone phát triển. Ngoài những tính năng cơ bản như nhận diện và chẩn đoán bệnh cây trồng; dữ liệu kỹ thuật canh tác và sâu bệnh hại; thông tin dự báo thời tiết…, đơn vị này cũng đang phối hợp cùng Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phát triển tính năng thực hiện hợp đồng điện tử trong thu mua nông sản của nông dân Thành phố.
Hợp đồng điện tử này được ký kết và lưu trữ trên không gian số, có tính pháp lý và được chứng thực, giám sát của Sở NN-PTNT TP Cần Thơ.
Mới đây, nền tảng Mạng nhà nông do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Công ty Cổ phần Thế giới Công nghệ phần mềm (Worldsoft) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng phát triển cũng đã tạo được hiệu ứng tốt, nhận được sự quan tâm lớn của nông dân, HTX trên địa bàn TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Ái Hữu, Tổng Giám đốc Worldsoft bày tỏ, nền tảng Mạng nhà nông đã giải quyết được một số vấn đề căn cơ cho bà con nông dân về thiết lập kế hoạch sản xuất; cung cấp nhiều lựa chọn về nguyên liệu đầu vào, giúp tối ưu hóa giá thành, tiến đến giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Song song đó, nền tảng cũng tạo ra hệ sinh thái để người sử dụng tiêu thụ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại; tạo ra kênh trao đổi thông tin thị trường, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ giải đáp thắc mắc trực tuyến, cập nhật tin tức chính sách... Đặc biệt là kết nối các tổ chức tín dụng, giúp nông dân giải quyết được vấn đề nguồn vốn phục vụ sản xuất một cách tiện lợi nhất.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, những cán bộ kỹ thuật là người trực tiếp “chinh chiến” tại cơ sở. Mục tiêu cao nhất mà ngành nông nghiệp TP Cần Thơ hướng đến là đội ngũ này nắm vững kỹ năng vận hành các tính năng của các nền tảng số, cách thức cài đặt, quy chế sử dụng, nhận diện vấn đề cần giải quyết, phát triển cơ sở dữ liệu người dùng. Đây là những giảng viên trực tiếp đồng hành cùng các HTX, bà con nông dân để phát triển các nền tảng số trong thời gian tới.
Từ đó, giúp nông dân tích lũy thêm nhiều kỹ năng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, có chiến lược phát triển nông sản gắn kết với du lịch. Minh bạch hóa sản phẩm và định danh người sản xuất trên các nền tảng số phù hợp với những yêu cầu của thị trường quốc tế hiện nay.
Trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong năm 2023, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đồng loạt thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng. Ít nhất một xã, phường có 1 tổ được tập hợp từ các cán bộ khuyến nông, cộng tác viên trồng trọt, bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi; đại diện UBND cấp xã, phường; hội đoàn thể…