Cắt giảm nhiều thủ tục, lấy người dân làm trung tâm
Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Trên nền tảng đó, các cơ quan, đơn vị của Bộ NN-PTNT đã xây chương trình, kế hoạch hàng năm về cải cách hành chính và cụ thể hóa bằng các hành động cải cách hành chính theo từng lĩnh vực.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vương Đức Hinh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Cải cách hành chính, Bộ NN-PTNT cho biết: 6 nhiệm vụ chính gồm, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số bám sát chỉ đạo của Chính phủ.
Hàng năm, Bộ NN-PTNT bố trí nguồn lực triển khai các hoạt động cải cách hành chính của Bộ nói chung và các đơn vị nói riêng, đồng thời có sự phối hợp tích cực với Bộ Nội vụ, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.
Trên cơ sở kế hoạch cải cách hành chính năm 2022, ngay từ cuối tháng 12/2021, với 7 nội dung nhiệm vụ chi tiết, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch gửi về Bộ. Năm 2022, ngành Nông nghiệp cũng thực hiện chấm điểm, đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các đơn vị. Cùng với đó, Bộ NN-PTNT cũng thực hiện đánh giá điểm chỉ số cải cách hành chính Park Index theo kế hoạch của Bộ Nội vụ.
Ông Hinh đánh giá, Bộ NN-PTNT với đặc thù là một Bộ chuyên ngành, đa lĩnh vực. Một số các cục chuyên ngành hiện đang thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành trên Hệ thống Một cửa quốc gia, một cửa ASEAN gồm: Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục BVTV, Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
“Sau khi tiến hành cấp phép trên Hệ thống Một cửa quốc gia, Bộ NN-PTNT đã lược bỏ nhiều thủ tục rườm rà trong thủ tục hành chính, đặc biệt là về giấy tờ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, đi lại. Tính đến nay, Hệ thống đã tiếp nhận hơn 1,6 triệu hồ sơ. Các cơ quan chuyên ngành cũng có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt là thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Trước kia, làm giấy tờ, hồ sơ bằng giấy, truyền thống, hiện nay thực hiện nhận kết quả, trả kết quả trên hệ thống phần mềm. Cho đến nay, các doanh nghiệp đều hưởng ứng tích cực, với trên 15.000 doanh nghiệp đã thực hiện. Đó là một trong những nội dung cải cách hành chính mang lại hiệu quả nhất”, ông Hinh cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hinh việc thực hiện cải cách hành chính vẫn tồn tại nhiều khó khăn, điển hình là việc sắp xếp tổ chức bộ máy 4 Tổng cục chuyển thành các Cục chuyên ngành và sắp xếp lại một số đơn vị của Bộ. Điều này đã tác động nhiều đến các hoạt động cải cách hành chính.
Để đáp ứng các mục tiêu kế hoạch đề ra, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sát sao các đơn vị trong Bộ và những đơn vị trực tiếp trong việc điều chỉnh, sắp xếp lần này để khi Nghị định Chính phủ ban hành có thể triển khai ngay các nhiệm vụ, công việc, ổn định tổ chức, hoàn thành những mục tiêu nhiệm vụ nội dung chuyên ngành nói chung và nhiệm vụ cải cách hành chính nói riêng.
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Bộ NN-PTNT. Trong năm 2022, đột phá và trọng tâm trong công tác này là rà soát các thủ tục phục vụ cho việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến chăn nuôi và thủy sản, hướng đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Cùng với đó là tinh giản các điều kiện để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, giảm đi các chi phí.
Đối với các dịch vụ công trực tuyến, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kê khai các hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các Hệ thống Một cửa điện tử, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống Một cửa quốc gia để giảm thời gian, tăng tốc độ xử lý khi số lượng hồ sơ ngày càng tăng.
Chuyển đổi số đang được ngành Nông nghiệp triển khai mạnh mẽ. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ NN-PTNT đã lựa chọn là điểm nhấn để triển khai mạnh mẽ trong năm 2022. Chủ đề của năm 2022 là lấy người dân làm trung tâm, làm mọi thứ vì người nông dân.
Chính vì thế, Bộ sẽ ưu tiên để triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành để hỗ trợ công chức, viên chức giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, cũng như tạo môi trường, ứng dụng để hỗ trợ người nông dân hiểu, nhận thức thêm về lợi ích của chuyển đổi số, công tác khuyến nông, công tác bảo vệ mùa màng cũng như chuyển giao tiến bộ cho người nông dân trên hệ thống mạng, giúp người nông dân đến gần hơn giá trị gia tăng trong nông nghiệp, làm người nông dân thu nhập cao hơn dựa trên giá trị.
Nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm thời gian tới của Bộ NN-PTNT
Thực hiện rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Bộ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện cải cách hành chính.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức của Bộ về công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng, triển khai đề án văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Bộ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ nhân dân.
Thực hiện rà soát, sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn các nhiệm vụ theo Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ đã ban hành tại Quyết định số 5011/QĐ-BNN-TCCB đảm bảo năm 2022 hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Bộ theo Quyết định số 2873/QĐ-BNN-PC ngày 28/7/2022 và những văn bản phát sinh ngoài kế hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành; phân cấp giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo theo chỉ đạo chung của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc công bố, công khai thủ tục hành chính theo quy định.
Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Thực hiện số hóa kết quả thủ tục hành chính nâng cao tính công khai, minh bạch rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa; đẩy nhanh việc thực hiện Hợp nhất Cổng Dịch vụ công của Bộ với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Bộ tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy (bao gồm bộ máy thực hiện công tác cải cách hành chính), tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công thuộc Bộ NN-PTNT quản lý .
Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; xây dựng các chính sách, quy định pháp lý về lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.
Xây dựng Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của Bộ, đôn đốc các đơn vị liên quan thuộc Bộ giải quyết những khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo chỉ đạo của Chính phủ.