| Hotline: 0983.970.780

Lấy thịt gà bù thịt lợn

Thứ Sáu 12/04/2019 , 09:39 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng chăn nuôi lợn, sáng 12/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị cùng 32 tỉnh thành chăn nuôi gia cầm trọng điểm nhằm đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt. Xa hơn, đây là định hướng tiến tới từng bước vươn ra XK sản phẩm gia cầm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Tùng Đinh)

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thịt lợn và thịt gia cầm (chủ yếu là gà) chiếm tới 90% nhu cầu tiêu thụ thịt hàng năm của cả nước. Trong đó, thịt lợn đóng vai trò chủ chốt trong ngành chăn nuôi, khi thịt lợn có biến động thì lập tức có tác động tới CPI cả nước.

Đây là đặc thù và là thói quen tiêu dùng đòi hỏi phải có sự thay đổi, từng bước đa dạng hóa rổ thực phẩm thịt, trong đó có việc phải từng bước nâng cao cơ cấu tiêu dùng thịt gia cầm trong thời gian tới.

Khẳng định vai trò quan trọng của gia cầm trong rổ thực phẩm của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể phải dai dẳng, thời gian khôi phục ngành hàng thịt lợn sẽ còn lâu dài, nếu 2-3 năm tới, ngành hàng thịt lợn trong nước mới có thể khôi phục được hoàn toàn SX thì nguy cơ thịt lợn, thịt gia cầm nước ngoài NK vào Việt Nam sẽ tăng cao. Vì vậy, việc đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, nhất là gà không chỉ có vai trò thay thế cho nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước, mà còn hướng tới XK trong tương lai.

Bàn về sản xuất gia cầm gắn với xuất khẩu, Bộ trưởng cho rằng những năm qua, Việt Nam đã hình thành đầy đủ nền công nghiệp chăn nuôi gia cầm, từ công nghệ giống, siêu thịt, trứng, nền tảng công nghiệp thức ăn, có dạng hình chăn nuôi phù hợp, đồng thời cũng đã có cả những lĩnh vực liên kết trong SX chăn nuôi gia cầm. Đây là cơ sở nếu chúng ta thúc đẩy SX, tiến tới XK trong lĩnh vực này. Bởi gia cầm có điều kiện và dư địa SX rất lớn, chỉ hơn 2 tháng đã có thể xuất chuồng được( gà màu).

“Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì được một bộ phận người chăn nuôi gia cầm được tổ chức bài bản, có tiềm lực, vì vậy để nâng lên thành một ngành hàng có quy mô phù hợp là hoàn toàn khả thi” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý: Việc phát triển chăn nuôi gia cầm cần phải đúng quy hoạch, không để xẩy ra dịch bệnh; thị trường, từng quy mô ngành hàng phải tính được thị trường, phải định dạng thị trường nhằm tập trung phát triển, đẩy nhanh xuất khẩu.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), SX và tiêu dùng các sản phẩm gia cầm những năm qua đều tăng trưởng ổn định, tăng dần qua các năm. Xu hướng tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hiện đại trong xu hướng tiêu dùng cho thấy tăng trưởng tiêu thụ các sản phẩm về gà luôn cao hơn các sản phẩm gia cầm khác.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng trứng gia cầm luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của đàn gia cầm cả nước, phản ánh xu hướng chuyển từ chăn nuôi gia cầm lấy thịt sang chăn nuôi gia cầm lấy trứng. Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở giết mổ và chế biến gia cầm hiện đại nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu.

Hiện nay, cả nước mới chỉ có khoảng 4-5 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm gia cầm có quy mô công nghiệp như Tập đoàn Dabaco, Cty Cổ phần Ba Huân, Cty Cổ phần DKT, Cty thực phẩm Đồng Nai…Cục Thú y cho biết, hiện lượng thịt gà của Việt Nam XK chỉ mới khoảng 150 tấn/tháng.

 

 

 

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.