Dịch tả lợn Châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn bị thắt chặt, đẩy giá lên cao (Ảnh minh họa: Reuters) |
Tại Trung Quốc, thịt lợn từ lâu đã là loại protein động vật phổ biến nhất, chủ yếu nhờ tính đa dụng và lợi thế về giá.
Trung Quốc hiện tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới, chiếm tới 50% mức tiêu thụ toàn cầu, và có tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) khoảng 1%. Tổng lượng thịt lợn tiêu thụ năm 2016 của Trung Quốc là 54,5 triệu tấn.
Ngân hàng DBS, trụ sở Singapore, ước tính con số trên vào năm 2021 là 58,1 triệu tấn, lượng tiêu thụ bình quân đầu người khoảng 34,9 kg vào năm 2025, cao hơn so với mức 20,2 kg trước đó 30 năm.
Về mặt lịch sử, Trung Quốc từng tự cung tự cấp thịt lợn - phần lớn nhờ mức tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, đến năm 2007, Trung Quốc phải nhập khẩu một lượng đáng kể thịt lợn đề bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Giai đoạn 2007 - 2014, khối lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đều, tăng trưởng thường niên trung bình khoảng 150%. Hầu hết thịt lợn được nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Đức, Anh. Mỹ cũng xuất thịt lợn sang Trung Quốc nhưng với khối lượng nhỏ hơn.
Suốt nhiều năm liền, quy mô đàn lợn tại Trung Quốc luôn cao nhất thế giới, tăng liên tục trong giai đoạn trước năm 2012, sau đó giảm vào năm 2013 do chi phí nuôi gia tăng. Tính đến cuối năm 2017, tổng đàn lợn tại Trung Quốc đạt 338 triệu con, thấp hơn 8% so với năm 2016.
Tả lợn châu Phi xuất hiện
Ngành chăn nuôi Trung Quốc gặp phải thách thức nghiêm trọng hồi tháng 8/2018, khi trường hợp nhiễm tả lợn châu Phi (ASF) được phát hiện tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. ASF là dịch bệnh chết chóc đối với lợn nhưng không ảnh hưởng đến con người và hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vacxin phòng ngừa hữu hiệu.
Kể từ thời điểm trên, Trung Quốc đã thông báo 117 điểm dịch tại 28/34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Khoảng 1 triệu con lợn trong tổng đàn 430 triệu con đã bị tiêu hủy.
Thiệt hại trên càng làm gia tăng áp lực lên người chăn nuôi địa phương - vốn đã chật vật với việc giá thức ăn gia tăng vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Một trở ngại trong quá trình kiểm soát dịch bệnh lây lan là số lượng trang trại quy mô vừa và nhỏ, với tiêu chuẩn an toàn sinh học thấp, lớn. Người chăn nuôi có thể giấu chính quyền địa phương nếu họ thấy mức bồi thường không đủ. Trung Quốc bồi thường 1.200 nhân dân tệ (179 USD) cho mỗi con lợn bị tiêu hủy.
Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên trong ngành công nghiệp thịt lợn hợp tác để ngăn virus lây lan.
Chiến thắng ban đầu
Trong số hơn 100 trường hợp mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo, tháng 1, 2 và 3 năm nay chỉ có lần lượt 5, 7 và 2 trường hợp, giảm mạnh so với con số 21 và 25 hồi tháng 12 và 11 năm ngoái.
Ngày 20/3, Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Yu Kangzhen đã tuyên bố “thắng lợi ban đầu” trong kiểm soát dịch ASF với lý do số trường hợp nhiễm bệnh giảm, tình trạng phong tỏa tại 105 khu vực nhiễm bệnh đã được dỡ bỏ.
Trước đó, Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả lò mổ thực hiện kiểm tra sinh học với virus ASF từ ngày 1/5 để ngăn đưa thịt nhiễm bệnh ra thị trường hoặc phế phẩm nhiễm bệnh làm thức ăn chăn nuôi.
Hơn 10 năm trước, một virus có tốc độ lây lan mạnh gây ra dịch “tai xanh” đã tấn công các trang trại lợn ở Trung Quốc, lây nhiễm hơn 48.500 con và làm chết khoảng 18.600 con. Tuy nhiên, Trung Quốc khi đó đã sớm phát triển được vacxin đặc hiệu cùng kỹ thuật phát hiện bệnh để ứng phó.
Quy mô đàn lợn tại Trung Quốc đang giảm mạnh. Theo khảo sát hàng tháng của chính phủ tại 400 huyện, số lợn còn sống tính đến cuối tháng 2 đã giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước đó, số lượng lợn nái giảm 19,1%.
Nguồn cung thịt lợn giảm đồng nghĩa giá bán sẽ tăng. Giá thịt lợn trung bình tại 16 tỉnh ở Trung Quốc đã tăng 36,9% trong tuần 11 - 17/3 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 13,9% so với tuần trước đó, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc đã tiêu hủy khoảng 1 triệu con lợn kể từ tháng 8/2018 (Ảnh minh họa: Reuters) |
Các bên cung ứng lớn với mô hình trang trại hiện đại, chi phí thấp có năng lực phòng dịch tốt hơn và hưởng lợi nhuận lớn từ giá tăng. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, vốn lo ngại về nguồn cung bởi phần lớn sản lượng đến từ hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ - có nguy cơ cao nhiễm ASF.
“Họ còn khuyến khích các trang trại lớn có biện pháp an toàn sinh học tốt mở rộng sản xuất”, Feng Yonghui, nhà phân tích tại Soozhu.com, nói.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng kêu gọi nông dân nhanh chóng bổ sung đàn gia súc do lo ngại giá tăng mạnh trong nửa sau năm 2019.
Hy vọng về vacxin
Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc hôm 22/3 thông báo họ đã phân lập thành công virus ASF trong mẫu bệnh phẩm lấy từ lá lách một con lợn ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Đây là nơi được thông báo có dịch hồi tháng 9/2018.
Nghiên cứu của viện bắt đầu từ tháng 10/2018. Virus phân lập được đặt tên là Pig/HLJ/18. “Đây là nghiên cứu cơ bản”, Zhao Dongming, trưởng nhóm nghiên cứu, nói. “Đó là bước đi đầu tiên và khó nói trước khi nào chúng ta có thể bắt đầu sản xuất vacxin”.
Tiến sĩ Liu Renqiang, đồng tác giả nghiên cứu, nói công trình của họ cho thấy “một loại virus ASF có độc lực cao đã xâm nhập vào đàn lợn tại Trung Quốc”. “Giờ chúng tôi đang nghiên cứu với một virus được làm suy yếu. Sau đó, chúng tôi cần làm một đánh giá an toàn môi trường”, Liu cho biết thêm.
Hiện chưa rõ dịch ASF do một hay nhiều chủng virus gây ra. “Cần cô lập và phân tích thêm nhiều virus hơn nữa để có thể hiểu rõ cách dịch bệnh lây lan và xây dựng chiến lược kiểm soát hiệu quả”.