| Hotline: 0983.970.780

Lấy tiền ở đâu, đầu tư nước sạch nông thôn?

Thứ Sáu 31/08/2018 , 10:05 (GMT+7)

PV NNVN đã đem câu hỏi: “Lấy tiền ở đâu, đầu tư nước sạch nông thôn” đến gặp ông Lương Văn Anh, GĐ Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn để tìm đáp án.

Đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu

Việt Nam đã có 88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó khoảng 49% được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ và tính bền vững chắc hẳn còn rất nhiều khó khăn, thưa ông?

Đúng vậy, công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển KT- XH khu vực nông thôn.

15-49-35_nuoc-sch-1
Ông Lương Văn Anh, GĐ Trung tâm Quốc gia NS- VSMTNT

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT- XH khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Qua 3 giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS- VSMTNT), đến nay tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tương đối cao, đạt 88,5%; trong đó có khoảng 49% dân nông thôn được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đây là một kết quả khá tốt. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu bền vững thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn có sự chênh lệch về tỉ lệ người dân được cấp nước sạch, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn về nguồn nước. Tính bền vững của công trình cấp nước và vệ sinh ở nhiều nơi còn hạn chế, thậm chí là các tỉnh miền núi có tỷ lệ công trình hoạt động hiệu quả không cao.

Tại một số tỉnh Tây Nguyên, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn theo các chương trình khác bị hỏng, nguyên nhân là do mục tiêu đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư, phân cấp quản lý không chặt chẽ, công trình hư hỏng nhưng không được kịp thời sửa chữa do công tác quản lý vận hành. Mặt khác, do thu nhập của bà con còn thấp và không đồng đều nên nguồn thu phí sử dụng nước sạch thấp, không có đủ kinh phí để vận hành công trình.
 

Đa dạng nguồn kinh phí

Vậy trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ quốc tế cho hoạt động cấp nước sạch nông thôn ngày càng giảm; cùng với đó là chính sách thắt chặt đầu tư công, chúng ta huy động nguồn vốn đầu tư từ đâu, thưa ông?

Trên thực tế, các nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nước sạch. Việc cắt giảm nguồn lực này, cùng với chính sách thắt chặt đầu tư công dẫn đến thiếu vốn, tạo nhiều khó khăn, trong khi các địa phương vẫn còn nhu cầu lớn về xây dựng hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là nước sạch.

15-49-35_nuoc-sch-2
Cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động cấp nước sạch nông thôn

Như vậy, để giải quyết một cách triệt để khó khăn về vốn thì nhất thiết phải đa dạng hóa nguồn kinh phí, trong đó xã hội hóa nguồn lực tài chính là trọng tâm thông qua vận động và tổ chức, tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của nhân dân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội đầu tư vào nước sạch vệ sinh môi trường; đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.

Ngoài ra, việc khuyến khích và kêu gọi xã hội hóa cũng cần có những cơ chế mở, những chính sách ưu đãi thiết thực đối với DN tư nhân trong việc vay vốn và có thể sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế một cách phù hợp để kích thích và đẩy mạnh đầu tư tư nhân phát triển, mở rộng phương thức hợp tác công tư.

Theo Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT), hiện chúng ta có trên 16.000 công trình cấp nước sạch tập trung, nhưng gần 30% trong số đó hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Làm sao để các công trình này phát huy tác dụng?

Để từng bước nâng cao hiệu quả của các công trình cấp nước tập trung nông thôn, thời gian tới cần xây dựng Nghị định về Quản lý, khai thác và vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng định mức chi phí quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình quản lý các công trình cấp nước tập trung tại các địa phương; đôn đốc công tác sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động công trình. Bên cạnh có, cần đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh khung giá nước đảm bảo thu đủ chi phí vận hành công trình cấp nước tập trung; thực hiện nghiêm túc việc cấp bù giá nước theo quy định…
 

Hỗ trợ hơn cho DN

Một khảo sát tại 24 tỉnh cho thấy, những công trình cấp nước sạch nông thôn bền vững do tư nhân quản lý chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Vậy, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý đủ hấp dẫn để trải thảm đỏ cho DN đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn hay chưa?

Tại Điều 4 trong Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn thực hiện qua Thông tư liên tịch số 37 các Bộ NNPTNT, Tài chính, KH- ĐT quy định: các DN đầu tư vào các công trình nước sạch nông thôn sẽ được hưởng một số ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ vốn và huy động vốn, hỗ trợ bù giá nước sạch nông thôn.

15-49-35_nuoc-sch-3
Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế chưa cao

Tuy nhiên các tỉnh đang chủ yếu tập trung hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ vốn thông qua các chương trình, dự án với tỷ lệ góp vốn được quy định tại mỗi địa phương khác nhau. Trong qúa trình triển khai ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các vùng khó khăn thì các DN cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ví dụ, về chính sách hỗ trợ đất đai, một số tỉnh, TP còn mất nhiều thời gian; Chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cam kết rõ ràng nhưng quá trình giải ngân phụ thuộc vào nguồn vốn phân bổ của TƯ. Vì vậy, ngoài các chính sách trên thì cần nghiên cứu đề xuất thêm các chính sách khác bổ trợ đủ hấp dẫn cho DN đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, đặc biệt miền núi và Tây Nguyên.

Ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề, nguồn nước phục vụ các NM xử lý nước sạch ngày càng khan hiếm, những năm qua, chúng ta đã đầu tư xứng tầm cho nghiên cứu, ứng dụng KHKT mới để khai thác nước sạch phục vụ người dân nông thôn?

Vừa qua, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Trung tâm Quốc gia NS- VSMTNT đã triển khai một số các hoạt động ứng dụng KH- CN mới, như: Công nghệ màng lọc thẩm thấu ngược (RO) xử lý nước nhiễm mặn, Công nghệ xử lý nước bằng màng lọc Ceramic, Công nghệ lọc tự rửa không van, Công nghệ xử lý nước hộ gia đình sử dụng gốm lọc, Công nghệ lọc nước mặt sử dụng than hoạt tính sinh học tổ hợp Carbon-Silic, Ứng dụng thử nghiệm phần mềm công nghệ thông tin chống thất thoát, thất thu nước sạch cho công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Các ứng dụng này đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác nước sạch phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề, chúng ta phải có giải pháp quản lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi dọc theo lưu vực sông xả vào nguồn nước và việc suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng.

Đặc biệt phải đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa trong tầm nhìn, qui hoạch được mức độ ô nhiễm nguồn nước và đưa vào việc nghiên cứu, ứng dụng KH- CN trong việc tạo và dự trữ nguồn nước, xử lý nước, tái sử dụng nguồn nước,... khi đầu tư.

"Nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước trong khi nguồn vốn này lại không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao trong việc cấp nước sinh hoạt và điều kiện vệ sinh đảm bảo. Trong khi việc xã hội hóa nước sạch nông thôn luôn là khó khăn lớn đối với các cấp chính quyền và DN do chi phí đầu tư cho NM cấp nước rất lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt động bền vững lại mất nhiều năm, vì vậy, DN chưa “mặn mà” đầu tư. Những vùng thiếu nước sạch chủ yếu là các xã miền núi, khó thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa và PPP", ông Lương Văn Anh.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.