Lễ hội Văn hóa-Du lịch Mường Lò năm 2016 có 5 tỉnh tham gia càng khiến cho mùa lễ hội rực rỡ, lung linh sắc màu miền Tây Bắc…
Tuần lễ du lịch Mường Lò diễn ra từ ngày 15/9 đến ngày 20/9 với các nội dung: Thi đấu và biểu diễn các môn thể thao truyền thống, Liên hoan diễn xướng văn hóa dân gian dân tộc Thái vùng Tây Bắc và Diễu diễn đường phố, Hoạt động Phố văn hóa ẩm thực Nghĩa Lộ, Hoạt động Phố thương mại Nghĩa Lộ, Triển lãm ảnh nghệ thuật về quê hương Yên Bái, Lễ đón bằng công nhận đền Cầm Hánh – di tích lịch sử cấp tỉnh…
Tham gia lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò năm nay có 5 tỉnh tham gia: Yên Bái, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu với khoảng 2.000 diễn viên quần chúng tham gia.
Cả tháng nay người dân TX. Nghĩa Lộ và vùng lòng chảo Mường Lò háo hức chờ đón ngày khai mạc lễ hội như chờ đón một sự kiện văn hóa đặc sắc, hội tụ những giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc vùng Tây Bắc. Trên khắp các ngả đường rực rỡ cờ hoa như chào đón du khách thập phương về chung vui ngày lễ hội.
Mở đầu cho đêm khai mạc là màn Diễu diễn hát xướng dân ca trên đường phố với gần 2.000 diễn viên không chuyên và diễn viên quần chúng đại diện cho các dân tộc vùng Tây Bắc tham gia dọc con đường chính vào TX. Nghĩa Lộ.
Hàng ngàn người dân đổ ra hai bên đường phố, xem màn trình diễn fetivan dân vũ, dân ca lần đầu tiên tổ chức tại đây. Các điện thoại trở thành các máy ảnh, máy quay phim cá nhân ghi lại khoảng khắc vô cùng sinh động của đêm hội Mường Lò phát trực tiếp cho những người thân ở mọi miền đất nước. Niềm vui như được chia xa tới những người bạn ở khắp bốn phương trời.
Diễn xướng dân ca, biểu diễn trên đường phố
Đêm khai mạc lung linh những sắc màu văn hóa Tây Bắc được tái hiện qua những màn trình diễn về cuộc sống của những tộc người nơi đây, từ hội xuống đồng, hội ngày mùa, ném còn, kéo co, tó má lẹ, dệt vải, rước nước, giã cốm, tục cúng cơm mới, mời rượu, hát giao duyên, Hạn khuống…cho đến dạy chữ Thái cổ.
Sinh hoạt đời sống được tái hiện qua các điệu múa
Những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ qua thời gian, đó là báu vật vô giá của ông cha được kết tinh trong quá trình sản xuất và chiến đấu được trình diễn như lời nhắc nhở cháu con cần bảo vệ. Một dân tộc không còn là dân tộc khi ngôn ngữ và những giá trị văn hóa truyền thống đã mất đi.
Mỗi tỉnh tham gia đều có một màn trình diễn mang sắc thái của địa phương mình, tất cả hòa quện vào nhau trong sự tương phản đầy màu sắc của các dân tộc Tây Bắc.
Sự háo hức chờ đợi nhiều nhất của người dân là màn đại xòe, với 6 điệu xòe cổ được hai nghệ nhân Lò Văn Biến và Điêu Thị Siêng sưu tầm truyền lại cho cháu con.
Xòe trên đường phố
Xòe là sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Thái, xòe còn là sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất Mường Lò…
Sáu điệu xòe cổ: Xé vóng (xòe vòng), Ỏm lọm tốp mư (vòng tròn vỗ tay), Phá xí (Bổ bốn), Đổn hôn (tiến lùi), Khắm khăn mơi lảu (nâng khăn mời rượu) Nhôm khăn (tung khăn). Mỗi điệu xòe đều chứa đựng những giá trị nhân văn của cuộc sống con người gắn với thiên nhiên và vũ trụ.
Điệu xòe Nâng khăn mời rượu
Vòng xòe được mở rộng ra
Cán bộ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và lãnh đạo tỉnh Yên Bái bước vào vòng xòe
Du khách cùng xòe
Người nước ngoài cùng các vũ nữ trước khi vào vòng xòe
Rưng rưng với mỗi điệu xòe, trên tay mỗi thiếu nữ là chiếc khăn piêu, họ đặt trong lòng bàn tay như mời gọi khách thập phương đến với người dân Mường Lò hiếu khách. Đó là điệu Khắm khăn mơi lẩu, chân chống chân quỳ như mời khách nâng chén rượu. Đó là chén rượu của chính phụ nữ nơi đây chưng cất từ gạo Mường Lò ủ men lá cây rừng. Khách không thể từ chối chén rượu nồng nàn thơm lừng hương lúa như tấm lòng người dân Mường Lò hiếu khách: “Mí ké lảu hứ dom thả khé” (có rượu ngon để dành tiếp khách).
Người dân tham gia ghi hình truyền niềm vui tới bạn bè gần xa qua điện thoại di động
Điệu “Nhôm khăn”, những chiếc khăn piêu được tung lên bầu trời như muôn cánh hoa rừng nở rực rỡ trong đêm hội xòe. Điệu xòe muốn nói về bàn tay khéo léo của phụ nữ nơi đây đã dệt nên cây cỏ hoa lá tô điểm cho cuộc sống đẹp muôn màu. “Úp bàn tay đã thành hoa văn/ Ngửa bàn tay đã thành hoa lá (dân ca Thái).
Trăng khuya vằng vặc, sương thu lành lạnh, rượu tình đã ngấm, vòng xòe càng được mở rộng, sao trời như tụ hội về đây rơi trên bàn tay của mỗi vũ nữ, ánh mắt long lanh như mời gọi du khách cùng bước vào xòe. Nào ta xòe cho đất trời nở hoa, cho lúa ngô đầy đồng. Không xoè cây lúa không trổ bông/ Không xoè cây ngô không ra bắp/ Không xoè trai gái không thành đôi/ Không xòe hoa héo tàn…