231 cái tát ở thời đại hội nhập văn minh toàn cầu, không phải một biện pháp giáo dục thiếu cân nhắc, mà là một hành vi tra tấn cần lên án. Vậy mà, kỳ lạ thay, chính môi trường sư phạm lại sợ ảnh hưởng thành tích thi đua, nên quyết tâm dùng tiểu xảo khác nhằm phân bua và lấp liếm một biểu hiện tiêu cực.
Trường THCS Duy Ninh - nơi xảy ra vụ việc |
Ban Giám hiệu Trường THCS Duy Ninh đã cho 23 em học sinh trong lớp học xảy ra 231 cái tát, cùng lấy lời khai theo mô hình công an vẫn thường dùng áp dụng với nhân chứng hoặc tòng phạm.
Trong văn bản gửi Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Quảng Ninh và nhiều cơ quan quản lý, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh – Phạm Thị Lệ Anh báo cáo: “Nhà trường đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra. Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau: Sự việc xảy ra học sinh bị các bạn tát 231 cái tát là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh. Cô T có chứng kiến 1 bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp (11/23 em trả lời), 1 em trả lời chứng kiến 4 bạn tát, 1 em trả lời chứng kiến 3 bạn tát, 3 em không để ý). Cô T không ra lệnh tát nếu ai tát nhẹ thị bị tát (23/23 em). Khi bị các bạn tát em N có khóc (23/23 em trả lời), khi bị tát má em N không bị chảy máu (23/23 em trả lời), cô T tát em N 1 cái (23/23 em trả lời), cô T không phải là người cuối cùng tát em N (16/23 em trả lời; còn lại không có câu trả lời). Khi tát em N các bạn trong lớp không có ai sợ hãi và khóc (23/23 em trả lời), cô T đứng cùng chiều tát em N (23/23 em trả lời), sau khi bị tát N vẫn ở lại học bình thường đến cuối buổi học (23/23 em trả lời). Em N vào viện khám và điều trị chứ không phải cấp cứu”.
Văn bản báo cáo trên đã trực tiếp phơi bày toàn bộ quan niệm lệch lạc về sứ mệnh đào tạo con người. Tát mạnh, tát vừa hoặc tát nhẹ không có làm thay đổi thực chất câu chuyện đau đớn, mà những phiếu điều tra đầy ngớ ngẩn chỉ chứng minh sự sai lầm nọ đang bao biện cho sự sai lầm kia. Hành vi phản giáo dục cứ leo thang một cách khủng khiếp. Kiểu lấy lời khai của Trường THCS Duy Ninh còn tạo ra vết thương cho lương tri xã hội có chiều hướng nhức nhối hơn cả 231 cái tát.
Bạo lực chưa bao giờ là một kỹ năng được khuyến khích trong quá trình uốn nắn học sinh trở thành con người tốt đẹp. Phân loại bạo lực học đường dựa trên cấp độ tát mạnh, tát vừa và tát nhẹ, không thể che chắn cho thái độ ngược ngạo của giáo viên, càng không thể giữ vững bảng vàng thành tích cho tập thể lãnh đạo Trường THSC Duy Ninh. Với đà xuống dốc này, nền giáo dục nước nhà không biết sẽ trôi dạt về đâu!