Giống lúa này không chỉ phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, mà còn kháng được nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu và bệnh đạo ôn.
Nhằm chọn tạo, khảo nghiệm và đưa giống lúa mới có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi, cho năng suất cao, chất lượng tốt, vụ ĐX 2017 - 2018, Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút phối hợp Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Tây Nguyên triển khai mô hình “SX thử nghiệm giống lúa chất lượng LH12” với diện tích 57,8ha, trong đó xã Trúc Sơn 37,8ha và xã EaPô 20ha.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lúa và một phần vật tư phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp tại hiện trường từ khi gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch sản phẩm.
Theo bà con nông dân, sau khoảng 3 tháng chăm sóc, thời điểm này giống lúa LH12 đã bắt đầu chín, trĩu hạt và chuẩn bị thu hoạch.
Đưa chúng tôi tham mô hình, nông dân Nguyễn Tiến Hợi ở thôn 1, xã Trúc Sơn không giấu khỏi niềm vui khi giống lúa LH12 mà nhà ông gieo cấy với diện tích 1 sào lại tốt bời bời đến thế.
Ông cho biết, lúc đầu gia đình mình cũng như nhiều bà con nơi đây không khỏi lo lắng vì sợ giống lúa LH12 sẽ không thích nghi chân ruộng. Vậy mà giống lúa này vẫn cho năng suất khá.
Đều ông Hợi cũng như bà con nơi đây càng tin tưởng bởi giống lúa LH12 kháng được nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu và bệnh đạo ôn. Dự kiến cho năng suất 7,5 tạ/sào.
Theo các nông dân trực tiếp SX thì giống lúa LH12 cho bông nhiều, số hạt chắc/bông cao và tỷ lệ hạt lép thấp hơn một số giống đang được gieo sạ trong vùng. Đặc biệt thời gian sinh trưởng vụ ĐX chỉ từ 105 - 110 ngày.
Dạng hình gọn, lá dài, đẻ nhánh trung bình, thích ứng rộng, phù hợp với nhiều loại chân đất; năng suất trung bình đạt 70 - 75 tạ/ha, thâm canh có thể đạt 90 tạ/ha. Tỷ lệ gạo đạt 68 - 70%, gạo trong, cơm mềm, dẻo vừa, thơm nhẹ…
Bà Hoàng Thị Hiệp, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Jút cho biết, mô hình trồng giống LH12 được nhiều nông dân quan tâm. Đây là mô hình nằm trong đề án NN08 của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tuyển chọn được giống LH12 phục vụ cho sản xuất các tỉnh phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Những ưu thế vượt trội của LH12 tạo tiền đề để nông dân mở rộng diện tích, làm thương hiệu gạo riêng của huyện.