Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 20 diễn ra từ 24 đến 28/11 tại Đà Nẵng. Trước đó, Ban giám khảo đã được mời ra Hà Nội trước một tuần để chấm điểm cho các tác phẩm dự thi. Sự vắng mặt của các hãng phim Nhà nước, khiến ngày hội điện ảnh năm nay trở thành sân chơi của phim tư nhân. Vì vậy, với quyết tâm tìm cho bằng được bộ phim để trao giải Bông Sen Vàng khiến áp lực so bó đũa chọn cột cờ giống như một sứ mệnh nặng nề.
Bộ phim remake “Sắc đẹp ngàn cân” cũng dự thi Liên hoan phim! |
Tiêu chí đầu tiên của những nhà làm phim tư nhân là doanh thu. Do đó, bộ phim ra rạp chỉ hướng đến thị hiếu nhất thời để bán vé, chứ không hướng đến giá trị thẩm mỹ chung cho đời sống văn hóa. Chân dài và váy áo vẫn chiếm lĩnh toàn bộ dòng phim tư nhân, mà nhiều bộ phim đã có lợi nhuận đúng mong đợi của đơn vị sản xuất như “Em chưa 18”, “Cho anh gần em thêm chút nữa” hoặc “Cô Ba Sài Gòn”. Chỉ có hai bộ phim thoát ra khỏi trào lưu ấy là “Đảo của dân ngụ cư” và “Cha cõng con” nhưng vẫn phơi bày sự non nớt và lúng túng của ê-kíp thực hiện.
Điều đáng ái ngại nhất là Liên hoan Phim Việt Nam 2017 chấp nhận phim remake- phim làm lại từ tác phẩm của nước ngoài. Nói cách khác, là những bộ phim mô phỏng theo các bộ phim ăn khách trên thế giới. Ví dụ, bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân” không khác gì bản photocopy từ bộ phim “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc.
Phim remake có mặt ở Liên hoan Phim Việt Nam 2017 mang thông điệp hay ho ra sao, chưa ai hình dung được, mà trước mắt chỉ thấy rằng đó là sự khủng hoảng thiếu ý tưởng và bản lĩnh của những nhà làm phim hôm nay.
Theo đánh giá của Ban tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam 2016 thì chất lượng tác phẩm tham dự tương đối yên tâm “Có thể còn có nét vụng về của tác phẩm đầu tay, nhưng dễ dàng thấy được sự tươi mới trong cách phát hiện và tiếp cận các mảng đề tài của đời sống xã hội hiện đại dưới nhiều góc độ. Khả năng quan sát, cái nhìn đa diện, sự thẩm thấu, bộc lộ trong sáng tạo của các nhà biên kịch, đạo diễn cùng nhiều thành phần sáng tác khác trong mỗi bộ phim”.
Còn đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh ở vai trò Chủ tịch Ban giám khảo phim hạng mục phim truyện điện ảnh, đã phải bày tỏ nỗi băn khoăn: “Sự đổi mới của phim điện ảnh Việt Nam hiện nay mới chỉ là đổi mới của thị trường điện ảnh. Nhằm thỏa mãn nhu cầu của khán giả trẻ, chứ chưa phải đổi mới tự thân của điện ảnh”.
Rõ ràng, một Bông Sen Vàng phải trao cho một chiếc đũa nhỉnh hơn các chiếc đũa khác chút đỉnh mà thôi. Còn cột cờ ở đâu, vẫn là niềm day dứt khôn nguôi của những người yêu điện ảnh nước nhà.
Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn", Liên hoan Phim Việt Nam 2017 ít nhiều xác định được giá trị của nghệ thuật thứ bảy không thể quẩn quanh những bộ phim bao cấp. Công bằng để đánh giá, trong quá trình hội nhập, những nhà làm phim Việt Nam cũng học hỏi được ít nhiều về kỹ thuật trường quay, kỹ thuật dàn dựng để có những thước phim đẹp đẽ và ấn tượng. Thế nhưng, điều cốt lõi của một tác phẩm điện ảnh là hồn vía xứ sở và phẩm chất văn hóa vẫn chưa được khai thác một cách đúng mực.
Muốn thoát khỏi tình trạng so bó đũa chọn cột cờ mỗi dịp Liên hoan Phim Việt Nam, phải có sự đầu tư căn cơ cho nhân lực điện ảnh tương lai. Ngược lại, công chúng sẽ phải ê chề chứng kiến những bộ phim Việt hoàn toàn xa lạ với tinh thần người Việt, đó là những bộ phim Mỹ nói tiếng Việt hoặc những bộ phim Hàn Quốc nói tiếng Việt!
Nhìn bề ngoài, cho phép phim remake dự thi như một cơ chế thoáng, nhưng nghĩ kỹ thì thật mỉa mai cho tinh thần sáng tạo của điện ảnh đích thực. Trên thế giới, không có một nền điện ảnh nào có thể phát triển vững mạnh dựa trên nền tảng những tác phẩm bắt chước thiên hạ. |