Mọi phương pháp bất thành, tối 5/3, gia đình đã xin cho nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Bắc Giang về nhà sau hơn 1 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ do chó dại cắn. Được biết, gia đình bệnh nhân làm nghề thịt chó. Hơn một tháng trước, cô gái vào chuồng bắt chó đã bị một con chó khác cắn vào chân. Gia đình bắt đúng con chó này mang đi giết, thay vì để lại theo dõi; người bị cắn cũng không đi tiêm phòng bệnh dại.
Một bệnh nhân bị chó cắn đang thăm khám (Ảnh minh họa) |
40 ngày sau thì cô gái bắt đầu lên cơn dại, lúc đầu sợ nước, sợ gió, dễ bị kích thích, tăng tiết nước bọt… Lúc này mới hoảng hốt đưa cô gái vào bệnh viện tuyến dưới, sau đó chuyển lên Hà Nội vào ngày 4/3. Tuy nhiên, đã quá muộn.
Bác sĩ chỉ có giúp bệnh nhân bớt đau đớn, lo lắng, bồn chồn; bố trí nằm phòng ít ánh sáng, âm thanh nhất, để bệnh nhân thoải mái. Tối 5/3, gia đình bệnh nhân đã xin ra viện. Bác sĩ cũng không cố gắng níu giữ, vì tất cả đều hiểu một khi bệnh nhân đã lên cơn dại thì điều chờ đợi chỉ là cái chết.
Trước đó, tháng 1/2018, BV này cũng tiếp nhận hai bệnh nhân mắc dại. Trong đó có 1 người 60 tuổi, ở Nghệ An sau 5 ngày điều trị cũng xin về. 40 ngày trước, bệnh nhân bị chó cắn vào tay, vài ngày sau con chó chết nhưng cũng không đi tiêm. Một trường hợp khác 44 tuổi, ở Tuyên Quang, bị chó cắn vào bàn tay phải, nhưng không biết con chó vào cắn, không tiêm phòng.
“Điều đáng tiếc là những trường hợp tử vong này có thể tránh được bằng cách tiêm văcxin khi bị chó cắn. Tuy nhiên, nhiều người đã không làm”, BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại đang tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với 2015 và tăng 38% so với 2014) thì riêng 9 tháng năm 2017 đã có 57 ca tử vong do bệnh dại.
Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cảnh báo, đáng tiếc là 15 - 20% ca bệnh tử vong do nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế nên không thể cứu chữa.
Theo BS Cấp, khi chó bị dại bệnh nhân sẽ có những sự thay đổi trong hành vi như: cắm đầu cắm cổ chạy không có lý do rõ ràng, chui rúc vào chỗ tối, hoảng sợ, né tránh, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép, vì đói nên con vật có thể nhai mọi thứ, nhiều con bị liệt hai chân nên đi vòng tròn…
Bị chó cắn phải đi tiêm phòng ngay, vì văcxin phòng dại thế hệ mới gần như không có tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm não… “Dại là bệnh lây từ động vật sang người, có thể phòng tránh được và kể cả sau khi bị chó dại cắn nếu tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa là cơ hội sống khép lại vì bệnh này không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh", BS Cấp nhấn mạnh.
Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất cũng phải nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người kéo dài đến vài năm. Nó phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau khi bị cắn.
Ngoài ra trong trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chó cắn xong một ngày thì chết cũng thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm văcxin. Huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào để trung hòa virus dại, còn văcxin là để củng cố miễn dịch lâu dài về sau.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
“Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con nó bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm”, BS Nguyễn Trung Cấp nói. |