| Hotline: 0983.970.780

Liêu xiêu vì… cá tra

Chủ Nhật 08/04/2012 , 10:11 (GMT+7)

Chưa bao giờ ngành sản xuất chế biến cá tra Việt Nam lại rơi vào một tình thế hết sức khó khăn như hiện nay. Nông dân lỗ nặng, doanh nghiệp điêu đứng, công nhân mất việc...

Chưa bao giờ ngành sản xuất chế biến cá tra Việt Nam lại rơi vào một tình thế hết sức khó khăn như hiện nay. Nông dân lỗ nặng, doanh nghiệp điêu đứng, công nhân mất việc...

>> Những giọt nước mắt... phá sản 
>> DN thủy sản cần vốn khẩn cấp

Rơi vào mức lỗ

Gần một tháng nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long - những địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn của vùng liên tục lao dốc mạnh, từ mức giá gần 28.000 đồng/kg đã nhanh chóng giảm xuống mức giá 22.000 - 23.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Hiệp hội thủy sản An Giang, giá cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (cá có trọng lượng 0,8-0,9 kg/con, thịt trắng) được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh thu mua có giá từ 24.000 - 25.000 đồng/kg; 22.500 - 23.000 đồng/kg đối với cá có chất lượng thịt xấu hơn.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Tách, xã Phú Bình, huyện Châu Phú, An Giang cho biết, thực tế hiện cá tra nguyên liệu bà con nông dân bán cho thương lái chỉ 23.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và 22.000 đồng/kg đối với cá loại 2.

Tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, những ngày qua nông dân cũng đang điêu đứng vì giá cá tra nguyên liệu liên tục sụt giảm mạnh, đẩy nông dân có nguy cơ rơi vào cảnh lỗ lã. 


Nông dân nuôi cá tra đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trong ảnh là nông dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp đang cho cá ăn - Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên hạn chế thu cá nguyên liệu, trong khi đó, những doanh nghiệp có năng lực tài chính thực sự lại “ra súc” thao túng thị trường bằng cách hạ giá thu mua khiến giá cá giảm mạnh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, giá cá nguyên liệu giảm mạnh là do ảnh hưởng của những bất ổn về tài chính, chứ không phải do nguyên nhân cá nguyên liệu dư thừa gây ra.

Theo tính toán của bà con nuôi cá tra tại An Giang, để nuôi được 1 kg cá tra nguyên liệu, bà con tốn ít nhất 22.000 - 23.000 đồng (tùy kinh nghiệm của mỗi người nuôi), gồm tiền thức ăn, con giống, nhân công, điện nước, thuốc ngừa bệnh các thứ. Với giá bán như hiện nay (22.000 - 23.000 đồng/kg-PV), người nông dân nuôi cá tra đang rơi vào cảnh lỗ.

“Nếu tình hình giá cá tra nguyên liệu cứ “đánh đu” ở mức này, chắc chắn tình trạng “treo ao” do nông dân hết vốn đầu tư sẽ lại tiếp diễn”- ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết.

Công nhân mất việc

Bước sang năm 2012, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam liên tiếp chứng kiến nhiều sự kiện lớn, ban đầu là doanh nghiệp nợ nần phá sản, kế đến là nông dân lỗ lã. Đặc biệt là ngay cả những người làm công ăn lương như anh chị em công nhân cũng buộc phải gánh chịu ảnh hưởng từ những tác động này.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, An Giang có trên dưới 900 công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất chế biến và xuất khẩu thủy sản đã phải nghỉ việc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số được thống kê đối với những công nhân được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.

Tại Cần Thơ, sau vụ lùm xùm của Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco), đã có hàng ngàn công nhân đã phải nghỉ việc. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố Cần Thơ cho biết, tính đến nay, hàng ngàn công nhân Bianfishco vẫn chưa thể trở lại làm việc được và nhiều khả năng sẽ chuyển sang các doanh nghiệp thủy sản khác ở trong và ngoài tỉnh.

“Hiện ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ đã làm việc với các doanh nghiệp thủy sản trong và ngoài tỉnh như Hậu Giang, Đồng Tháp và có phương án di chuyển công nhân của Bình An sang các doanh nghiệp thủy sản đó khi doanh nghiệp có yêu cầu cũng như công nhân có mong muốn”- ông Tuấn cho biết.

Theo anh chị em công nhân làm việc tại Công ty Bình An, hiện họ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do mất việc, tiền lương thì vẫn chưa nhận được. Chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định cũng không được hưởng vì phía Công ty Bình An chưa thanh toán tiền cho bên bảo hiểm.

Nhiều nhà máy chế biến cá tra hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn 

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho biết, vận hành nhà máy chế biến hoạt động 70% công suất đang là …niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp chế biến hiện nay.

“Theo tôi biết đang có nhiều nhà máy hoạt động trong tình trạng cầm chừng, có nhà máy chỉ hoạt động 40-50% công suất vì không phải doanh nghiệp nào cũng có tiền mua cá, trong khi nhiều người nuôi qua một số vụ bể nợ vừa qua chỉ chấp nhận bán cá phải thu tiền ngay”, ông nói.

Theo ông Ký, tình hình tại nhiều thị trường xuất khẩu hiện nay vẫn không có nhiều thay đổi so với nhiều tháng trước. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp cung ứng, trước áp lực đầu ra đã chấp nhận bán giá thấp cho khách hàng.

Trước đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa thông báo kết quả khảo sát các doanh nghiệp. Theo đó, trong số hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra thì có đến 92,3% có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quí 2-2012. Mức thấp nhất là 10 tỉ đồng, cao nhất là 500 tỉ đồng để bổ sung vốn lưu động thu mua nguyên liệu, thức ăn cho vùng nuôi và hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Hơn 90% doanh nghiệp mong muốn được ngân hàng tăng hạn mức vay vốn, mức thấp nhất là 10 tỉ đồng, cao nhất 1.400 tỉ đồng.

Theo TBKTSG

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.