| Hotline: 0983.970.780

Lo vì nhiều hợp đồng!

Thứ Hai 17/09/2012 , 10:51 (GMT+7)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến hết ngày 31/8, các DN đã đăng ký hợp đồng XK được 6,784 triệu tấn gạo, tăng 13,41% so với cùng kỳ 2011.

* XK gạo đang rất thuận lợi. Song đi liền niềm vui cũng là nỗi lo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến hết ngày 31/8, các DN đã đăng ký hợp đồng XK được 6,784 triệu tấn gạo, tăng 13,41% so với cùng kỳ 2011.

Trong đó, trên 5,1 triệu tấn đã được giao cho khách hàng nước ngoài. Lượng gạo đã đăng ký hợp đồng như trên cũng được coi là kỷ lục trong thời gian 8 tháng đầu năm từ trước tới nay. Kỷ lục này có sự đóng góp không nhỏ của việc ký các hợp đồng XK gạo trong 3 tháng qua.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, trong 2 tháng 6 và 7, các DN đã ký hợp đồng được khoảng 1,7 triệu tấn gạo. Sang tháng 8, lượng gạo được ký hợp đồng XK lên tới 845.980 tấn. Ông Phong khẳng định: “Chưa bao giờ trong tháng 8 lại ký XK được một lượng gạo lớn như thế”.

Với gần 6,8 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng, cộng với những hợp đồng mới sẽ tiếp tục được ký thêm trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn lúa Hè Thu không còn nhiều, sản lượng lúa Thu Đông không lớn, đến giờ đã có thể khẳng định chắc chắn rằng từ nay đến cuối năm, nông dân ĐBSCL sẽ tiêu thụ được hết lúa hàng hóa.

Tuy nhiên, việc ký quá nhiều hợp đồng XK trong 3 tháng qua lại đang khiến cho nhiều DN phải lo âu. Nguyên nhân chính là do ở thời điểm ký hợp đồng, giá gạo XK của Việt Nam còn ở mức thấp. Hồi giữa tháng 6, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 410-415 USD/tấn, gạo 25% tấm là 360-370 USD/tấn. Sang tháng 7, giá gạo XK của Việt Nam cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Thậm chí trong nhiều tuần, giá gạo trắng của Việt Nam luôn nằm ở mức thấp nhất so với các nước XK gạo chính.

 Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho hay, trước tình hình ấy, dù VFA đã khuyến cáo các DN không nên ký hợp đồng XK quá nhiều khi giá còn thấp, nhưng nhiều DN vẫn chủ quan, ký bán cho khách hàng nước ngoài với khối lượng lớn. Với những DN đã có sẵn lượng gạo dự trữ trong kho trước khi ký các hợp đồng giá thấp trong các tháng 6, 7 và 8, thì không lo bị lỗ. Nhưng với những DN sau khi ký hợp đồng mới đi mua gạo thành phẩm, chắc chắn đang bị thua lỗ vì giá gạo hàng hóa trong nước đã tăng liên tục trong khoảng 1 tháng qua.

Từ tháng 8 đến nay, do giá cả nhiều loại lương thực khác trên thế giới tăng mạnh, đã kéo giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên khá nhiều. Gạo Việt Nam nhờ đó cũng được hưởng lợi. Hiện tại, giá gạo XK của Việt Nam đang cao hơn tới 40-45 USD/tấn so với hồi đầu tháng 8. Giá lúa gạo trong nước cũng tăng mạnh so với đầu tháng 8.

Nếu như vào ngày 2/8, giá lúa khô hạt dài 5.400–5.500 đ/kg, lúa thường bình quân 5.300-5.400 đ/kg, thì tới ngày 6/9, giá lúa khô hạt dài từ 6.000-6.200 đ/kg, lúa thường 5.800-6.000 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm hiện đã ở mức 9.000-9.100 đ/kg, cao hơn 800 đ/kg so với đầu tháng 8. Chính vì thế, dù tháng 8 đạt kỷ lục về XK gạo và ký hợp đồng XK tới trên 845 ngàn tấn gạo, nhưng ông Trương Thanh Phong lại không lấy đó làm vui.

VFA cho rằng các DNXK gạo đừng quá vội vã bán gạo, và phải chủ động dự trữ sẵn nguồn hàng, ít nhất là bằng 10% so với lượng gạo mà DN đã XK trong 6 tháng đầu năm nay. Đồng thời, VFA phải theo sát diễn biến của thị trường lúa gạo, thị trường nông sản thế giới, nhất là khả năng bán ra của Thái Lan, Ấn Độ, hạn hán ở Mỹ, Nga …, để có những điều chỉnh kịp thời trong điều hành XK gạo cuối năm nay.

Theo ông Trương Thanh Phong, giá lúa gạo hàng hóa trong nước đang có mức tăng nhiều hơn so với giá gạo trên thị trường thế giới. Mà một trong những nguyên nhân chính là gạo ở ĐBSCL vẫn đang bị hút nhiều ra 2 phía biên giới: Phía Bắc và Tây Nam. Ở biên giới Tây Nam, có những ngày, riêng tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), có tới 5.000 tấn gạo được chở sang Campuchia để đi thẳng sang Thái Lan. Vào thời điểm này, lượng gạo qua biên giới Tây Nam đã giảm, nhưng mỗi ngày, vẫn có khoảng 400-500 tấn gạo đi qua cửa khẩu Tịnh Biên.

Thương nhân Trung Quốc cũng đang đổ sang Việt Nam, thuê người, thuê xe của mình đi tìm mua lúa rồi chở thẳng lên biên giới phía Bắc. Lượng gạo mà thương nhân Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục mua qua đường tiểu ngạch nhiều tới nỗi ông Phong phải lo ngại rằng, vào vụ giáp hạt năm nay ở miền Bắc, có thể sẽ thiếu lương thực. Còn ở phía Nam, nguồn cung XK chính ngạch đang giảm mạnh.

Trong khi đó, thị trường gạo thế giới trong những tháng còn lại của năm vẫn đang có nhiều cơ hội tốt cho các nước XK. Bởi tình trạng hạn hán nặng nề đã khiến cho nhiều nơi ở Mỹ bị giảm sản lượng nông sản tới 60%. Các nước vùng Biển Đen cũng bị hạn hán làm giảm 50% sản lượng nông sản. Các nước NK gạo lớn vẫn đang có nhu cầu. Indonesia được dự kiến là sẽ sớm quay lại thị trường, Philippines sẽ tăng NK, châu Phi vẫn duy trì nhu cầu ổn định và Trung Quốc tiếp tục NK do giá gạo ở nước này đang cao và giá các loại lương thực khác tăng cao trên thị trường thế giới.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.