Nhà cửa sụt lún nghiêm trọng tại khu kênh Dương Văn Dương, Thạnh Hóa |
Sự cố đầu tiên là đê Mương Chài, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc. Cty Khai thác công trình thủy lợi Long An đã xử lý ổn định. Sau đó khu vực ven sông Cần Giuộc của xã Long Hậu lại báo động nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng cuộc sống và sinh mạng của 60 hộ dân. Đê bao xã Tân Chánh (đê bao ven sông Vàm Cỏ) sạt làm cắt đứt đường giao thông đi lại. Huyện Bến Lức cũng xảy ra 4 vụ sạt lở đê sông và bờ kênh, ảnh hưởng giao thông…
Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch có chiều hướng ngày càng phức tạp khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng. Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh cho biết, trước mắt Trung ương đã duyệt kinh phí 150 tỷ để khắc phục hậu quả sạt lở ở sông Cần Giuộc, khu vực xã Long Hậu nhằm đảm bảo an toàn cho hơn 60 hộ. Nguyên nhân sạt lở do tác động của dòng chảy ảnh hưởng biên độ triều chênh lệch giữa lũ và nước ròng, do tác động lưu thông mật độ dày của các phương tiện thủy có trọng tải lớn; cả việc neo đậu tàu thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi xây dựng lấn chiếm dẫn đến gia tăng tải trọng trên nền đất yếu trên các tuyến sông, kênh, rạch.
Theo ông Lê Văn Hoàng, GĐ Sở NN-PTNT Long An, để đảm bảo an toàn cho người dân Sở đã triển khai rà soát và cắm biển cảnh báo đối với các khu vực sạt lở. Đối với trường hợp sạt lở khu vực cặp kênh Dương Văn Dương, QL62, đã đánh giá mức độ nguy hiểm, thiệt do sự cố gây ra và bố trí đất tái định cư cho người dân, đồng thời di dời 6 hộ khu vực trụ điện trung thế ra khỏi vùng sạt lở. Sớm trình Chính phủ phê duyệt kinh phí để thực hiện các công trình chống sạt lở...
Sở cũng đã lập đoàn công tác của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đến các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường, Mộc Hóa và Bến Lức kiểm tra, khảo sát tình hình lũ, kiểm tra việc gia cố các tuyến đê bao lửng, bờ bao bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Triển khai rà soát thiệt hại trong sản xuất để đề xuất tỉnh chính sách hỗ trợ...