Lồng bè tan nát, lòng người nát tan
Thứ Tư 18/09/2024 , 14:29 (GMT+7)Bão số 3 tràn qua, cả một vùng nuôi cá lồng ở huyện Nam Sách, Hải Dương tan tác. Cá nát, lồng tan, 10 ngày sau bão, xác cá vẫn tràn lan trên mặt nước.
Hải Dương là một trong những địa phương nằm trên đường đi của bão số 3 và chịu thiệt hại nặng về kinh tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước tính hơn 2.100 tỷ đồng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài đàn gia súc, gia cầm bị chết, rau màu bị hư hại thì nghề nuôi cá lồng ở Hải Dương cũng chịu mất mát lớn sau bão số 3. Ước tính, hàng chục tấn cá nước ngọt đã bị chết, thất thoát trong và sau bão, chưa kể hư hỏng về hạ tầng như lồng, bè, nhà kho.
Trên đoạn sông Thái Bình chảy qua huyện Nam Sách, người dân địa phương phát triển nuôi cá lồng từ nhiều năm nay, đa phần là trắm, chép, chép giòn, rô phi, hồng... Nhưng bão số 3 quét qua khiến cả một vùng nuôi tan hoan, đến nay vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.
Dọc mấy km dọc bờ sông, mùi tanh hôi từ xác cá bốc lên. Dưới sông, vẫn còn những lồng đầy cá chết, chưa thể dọn dẹp hết. Theo những người làm thủy sản ở đây, khi cơn bão đổ bộ thì thiệt hại chưa nhiều nhưng càng về sau, mất mát càng lớn.
Cụ thể, bão số 3 cùng gió to, mưa lớn khiến nhiều lồng nuôi bị vỡ, rách lưới và cá thoát ra ngoài, trong bão không ai có thể ra lồng để cứu cá. Sau đó, mưa lớn và dòng nước từ thượng nguồn đổ về khiến một phần cá bị va đập vào nhau, phần còn lại thì bèo, rác cuốn vào mà chết.
Mặc dù đã lường trước được sức tàn phá kinh hoàng của bão số 3, nhưng đa phần chủ lồng cá ở Nam Sách bất lực trước thiên nhiên. Họ không thể đưa cá đi nơi khác, bán chạy bão cũng không kịp vì số lượng quá nhiều.
Hơn 10 ngày sau khi bão đi qua, nước sông vẫn đục ngầu, nhiều lồng nuôi bị đánh vỡ tan chưa thể sửa chữa, những con cá còn sống sót thì thương tích đầy mình, da vảy bong tróc, lờ đờ chờ chết. Nhìn gia sản bị cơn bão tàn phá, người dân ở đây chỉ biết kêu lên "mất cả rồi", khi ai đó hỏi thăm.
Anh Lê Quốc Mạnh (ảnh), xã An Sơn, huyện Nam Sách chung nhau với 3 người khác làm 25 lồng cá trên sông Thái Bình. Những ngày này, mấy anh em chỉ còn biết động viên nhau sửa chữa, vệ sinh, chuẩn bị làm lại từ đống đổ nát do bão số 3 gây ra. Anh Mạnh nhẩm tính, cả tiền cá lẫn tiền thiết bị, cơn bão vừa rồi lấy của họ hơn 4 tỷ đồng.
Mặc dù mất mát không nhỏ, nhưng đã gắn với nghề này, những người nuôi cá lồng ở Nam Sách không còn cách nào khác là làm lại. "Còn nước còn tát", anh Mạnh chỉ vào đàn cá con còn sót lại sau bão nói. Những con cá nhỏ thả với mật độ thấp nên ít bị sóng đánh chết, bây giờ người ta đem san ra những lồng đã dọn dẹp xong để nuôi lại.
Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất lúc này, anh Mạnh nói thiết thực nhất vẫn là ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất trở lại. "Cũng không có cách nào khác ngoài làm lại, làm lại được thì mới trả nợ được", người đàn ông vừa mất hơn 15 tấn cá trên sông Thái Bình chia sẻ, kèm một nụ cười lạc quan trên khuôn mặt rám nắng.
tin liên quan
Cận cảnh 12 đội bóng ngành nông nghiệp tham gia AgriCup 2024
AgriCup 2024 là sự kiện thể thao đáng chú ý, quy tụ 12 đội bóng từ các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
8 trận đấu khai mạc AgriCup 2024 - Tranh Cúp Hacas đều có bàn thắng
Cả 8 trận đấu vòng bảng sau Lễ khai mạc AgriCup 2024 sáng 30/11 đều có bàn thắng, trong đó nhiều đội đã giành vé sớm vào vòng loại trực tiếp sau 2 lượt trận.
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
Chiều 28/11, Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ 28-29/11.
Nông sản Việt 'tỏa sáng' tại hội chợ AgroViet 2024
Trong những ngày vừa qua, hàng nông sản Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước, quốc tế khi tham gia triển lãm AgroViet 2024.
Sắc trắng tinh khôi cúc họa mi trên phố phường Hà Nội
Những ngày này, trên khắp phố phường của Hà Nội không khó để bắt gặp những xe hàng chở đầy hoa cúc họa mi mỏng manh, sắc trắng tinh khôi, báo hiệu mùa đông về.
Triển lãm đa dạng sinh học trên phố đi bộ Hồ Gươm
Thông qua 100 bức ảnh ghi nhận sự đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng, ban tổ chức mong muốn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng với rừng.