| Hotline: 0983.970.780

Lúa đông xuân đạt năng suất cao nhất trong 20 năm gần đây

Thứ Năm 17/03/2022 , 09:51 (GMT+7)

ĐBSCL Năng suất lúa đông xuân 2021 – 2022 ước đạt 71,91 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Ngày 17/3, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2021 – 2022; triển khai kế hoạch hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2022 tại Nam bộ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Vượt lên những khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021 ngành nông nghiệp đã giành những thắng lợi nhất định, tăng trưởng xấp xỉ 3%, xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, ngành trồng trọt tăng trưởng 2,7%, ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL tăng 1,1 triệu tấn lúa trong khi đó diện tích giảm khoảng 18 nghìn ha.

Năm 2022, trong bối cảnh giá vật tư leo thang, đại dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát tốt, tình hình chiến sự các nước, giá dầu thế giới… dự báo sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực thế giới. Đối với vụ hè thu, thu đông tới, Thứ trưởng cho rằng đây cũng là những vụ quan trọng trong bối cảnh như hiện nay, cần sự phối hợp quyết liệt chỉ đạo của các địa phương để thực hiện thắng lợi, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Chủ động sớm, hiệu quả cao

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận xét: Vụ đông xuân 2021 – 2022 sản xuất nông nghiệp đối mặt với 3 thách thức lớn là đại dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao kỷ lục và hạn hán, xâm nhập mặn dự báo nhiều nguy cơ. Vì vậy, công tác triển khai sản xuất đông xuân 2021-2022 tại các tỉnh, thành vùng Nam bộ được tiến hành sớm ngay từ tháng 10 năm 2021. Kết quả sản xuất chung trong toàn vùng đạt được những mặt thuận lợi như rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời. Dự đoán những vùng có nguy cơ hạn, mặn và có biện pháp khắc phục.

Thu hoạch lúa đông xuân tại ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Thu hoạch lúa đông xuân tại ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Ngành nông nghiệp và các địa phương trong vùng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Khuyến cáo sử dụng các giống lúa phù hợp với thực tế sản xuất, nhu cầu của thị trường, những giống có khả năng thích ứng với điều kiện hạn, mặn.

Đặc biệt là kinh nghiệm và sự chủ động của địa phương chuẩn bị các nguồn lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh để chỉ đạo và xử lý kịp thời, hiệu quả. Nhận thức của bà con nông dân về sử dụng giống tốt và trình độ đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời vụ sản xuất lúa thu đông kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa đông xuân và làm giảm diện tích gieo trồng lúa đông xuân tại các tỉnh vùng vùng ĐBSCL. Vẫn còn một số nơi do chủ quan, thiếu phối hợp chặt chẽ, nên việc xuống giống vẫn chưa theo khuyến cáo chung của các cơ quan chuyên môn.

Giá vật tư nông nghiệp tăng, dịch vụ máy cày, xới, thu hoạch tăng và khan hiếm lao động dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận của nông dân bị giảm, hiệu quả kinh tế thấp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả hoặc bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn.

Liên kết chuỗi giá trị gặp khó khăn trong bao tiêu sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp và người nông dân chưa xích gần nhau để thương thảo giải quyết khi giá thị trường biến động lên hoặc xuống. Thị trường tiêu thụ nông sản biến động và dịch bệnh Covid-19 làm tăng chi phí giá thành sản xuất, giá thu mua nông sản thấp.

Giảm khối lượng giống lúa gieo sạ/ha

Một kết quả rất nổi bật hầu hết các tỉnh đều triển khai kế hoạch và thực hiện giảm lượng giống gieo sạ. Kết quả cho thấy lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực. Lượng giống gieo sạ trên 150 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng 120 – 130 kg/ha đang được triển khai nhiều tại các tỉnh. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được tuyên truyền nhân rộng trong sản xuất.

Theo điều tra sơ bộ từ các Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL lượng giống gieo sạ được thống kê như sau: Nhìn chung có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống lúa gieo sạ và giảm mạnh ở mức gieo sạ trên 150 kg/ha, giảm 1,9%. Mức gieo sạ dưới 100 kg/ha, tăng 0,05%. Lượng giống gieo sạ mức từ 100 – 150 kg/ha tăng 1,85% so với vụ đông xuân năm trước. Tuy nhiên vẫn còn biến động rất lớn giữa các tỉnh và các vụ sản xuất trong năm, nên cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Đồng thời với việc nâng cao việc sản xuất và cung ứng giống lúa cấp xác nhận cho sản xuất. 

Thời gian qua, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy,… sẽ giúp việc giảm lượng giống lúa gieo sạ được thực hiện tốt hơn. Kết quả thực hiện giảm lượng giống gieo sạ trong các vụ lúa đông xuân 2021-2022 có sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của nông dân, có sự nâng cao về nhận thức của nông dân như giảm lượng giống gieo sạ. Quản lý dịch hại theo IPM, sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng. Siết nước giữa vụ và cơ giới hóa đồng ruộng góp phần giúp giảm và ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá phân bón tăng cao và giá bán lúa luôn biến động như hiện nay.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết vụ đông xuân 2021-2022 đối diện 3 thách thức lớn. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết vụ đông xuân 2021-2022 đối diện 3 thách thức lớn. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Kết quả sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022        

Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ đông xuân 2021-2022 là 1.578,0 nghìn ha, giảm 18,26 nghìn ha. Năng suất ước đạt 71,91 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 11.358 nghìn tấn, giảm 87 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2020–2021.

Vùng ĐBSCL xuống giống 1.505 nghìn ha, giảm 15 nghìn ha. Năng suất ước đạt 72,51 tạ/ha, tăng 0,22 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 10.912 nghìn tấn, giảm 75 nghìn tấn. Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ đông xuân 2021 - 2022 tại các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện sớm hơn ở các tỉnh ven biển để né hạn mặn trong mùa khô. Thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít. Thời gian lúa trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi giúp thụ phấn và đậu hạt tốt, xâm nhập mặn không gay gắt, nên vẫn đủ nước cung cấp cho cây lúa trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển nên cho năng suất cao.

Theo Cục Trồng trọt nguyên nhân giảm diện tích, sản lượng lúa đông xuân 2021 - 2022: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, thực hiện giãn cách trong những tháng sản xuất vụ thu đông năm 2021 nên việc đi lại chăm sóc và thu hoạch lúa thu đông 2021 bị muộn. Bên cạnh đó một số vùng nước lũ chưa rút kịp nên kéo theo việc xuống giống vụ đông xuân bị chậm trễ hơn so với chỉ đạo xuống giống sớm để né hạn hán và xâm nhập mặn.

Vì vậy, một số tỉnh ĐBSCL đã điều chỉnh giảm diện tích lúa khoảng 14,82 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước và 15,25 nghìn ha so với kế hoạch (Long An 1,88 nghìn ha, Tiền Giang 1 nghìn ha, Vĩnh Long giảm 1 nghìn ha, Đồng Tháp 6,94 nghìn ha, Cần Thơ 1 nghìn ha và 1,5 nghìn ha ở Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau). Diện tích không trồng lúa được chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Theo Cục Trồng trọt, việc xuống giống trong tháng 1 năm 2022 đã được khuyến cáo hạn chế tối đa, trừ một số diện tích phải xuống giống chậm do điều kiện tự nhiên và ảnh hưởng kéo dài của mùa vụ thu đông năm 2021 như Bạc Liêu khoảng 30 nghìn ha, còn lại là diện tích xuống giống không trong khung thời vụ khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT như: Long An (86.683 ha); Bến Tre (400 ha), Kiên Giang (khoảng 8.579 ha).

Nông dân thu hoạch lúa đông xuân có lãi khá trong bối cảnh giá vật tư tăng cao kỷ lục. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Nông dân thu hoạch lúa đông xuân có lãi khá trong bối cảnh giá vật tư tăng cao kỷ lục. Ảnh: Hoàng Vũ - Đào Chánh.

Cơ cấu giống

Cơ cấu giống vụ đông xuân 2021 - 2022 có chiều hướng dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, so với cùng kỳ vụ đông xuân 2020-2021.

Nhóm lúa thơm, đặc sản: Jasmine 85, ST, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9... chiếm tỷ lệ 33,29 tổng diện tích, tăng 11,29 % so với đông xuân 2020 – 2021. 

Nhóm lúa chất lượng cao OM5451, Đài thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577, OM9582, OM4900, OM7347, OM6976,... chiếm tỷ lệ 49,64%, giảm 2,86% so với đông xuân 2020 – 2021. Nhóm lúa chất lượng trung bình (IR50404, OM576, OC10,...): chiếm tỷ lệ 7,12%,  giảm 2,38% so với đông xuân 2020-2021.

Nhóm Nếp: chiếm tỷ lệ 8,93 %, gỉam 4,07% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm khác (các giống lúa CLC không phổ biến, các giống lúa triển vọng,…): chiếm tỷ lệ 1,02%, giảm 1,98% so với đông xuân 2020-2021.

Nhóm giống lúa chuyển đổi dần theo đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo vừa phù hợp cho tiêu dùng trong nước vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và mang tính cạnh tranh cao theo hướng tích cực và bền vững đồng thời đảm bảo về các tiêu chí an ninh lương thực. Diễn biến thị trường có một số thay đổi mang tính bất thường đối với nhóm giống lúa dành cho chế biến, cần được tiếp tục theo dõi và nhu cầu của doanh nghiệp để bố trí sản xuất hợp lý, tránh dư thừa, tồn đọng trong các vụ tiếp theo.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.