| Hotline: 0983.970.780

Ra ruộng nghe chuyện lời, lỗ vụ lúa đông xuân

Thứ Năm 10/03/2022 , 07:52 (GMT+7)

ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân. Những ngày này, trên những cánh đồng lúa như ngày hội. Chuyện lời, lỗ vụ đông xuân này cũng được bà con phân tích kỹ lưỡng.

ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ lúa quá nhiều áp lực

Cả tuần nay, công việc của ông Phạm Văn Nhiều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Thuận I (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, Kiên Giang) bận rộn hơn. Ông liên tục cập nhật giá lúa qua hỏi thăm bạn bè, lướt điện thoại để cập nhật giá cả, xem diện tích lúa đã thu hoạch xong chưa, diện tích còn lại tiêu thụ thế nào… để nắm thông tin báo cho các xã viên biết. Trên cánh đồng lúa rộng 908 ha của HTX Nông nghiệp Hòa Thuận I, những chiếc máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota của Nhật liên tục chạy ngược xuôi thu hoạch lúa.

Ông Nhiều bảo, qua mấy ngày thu hoạch rộ, khoảng 2/3 diện tích lúa ở đây bà con đã thu hoạch xong, còn vài ngày nữa là sẽ dứt điểm thu hoạch lúa đông xuân. Việc tiêu thụ lúa hiện cũng khá suôn sẻ do thời tiết thuận lợi, cộng thêm cắt tới đâu thương lái vào tận nơi thu mua hết đến đấy.

Ông Nhiều cho hay: “Lúa đông xuân năm nay năng suất thấp hơn khoảng 100 kg/công so với vụ lúa đông xuân năm rồi, giá bán tính ra cũng thấp hơn năm rồi khá nhiều. Vào thu hoạch rộ mà mấy ngày nay giá lúa lại tiếp tục giảm thêm khoảng 50 - 70 đồng/kg. Hiện giá lúa Đài Thơm 8 chỉ còn 5.700 đồng/kg, lúa OM18 là 5.650 đồng/kg. Đây là 2 giống lúa chủ lực được nông dân trong HTX chọn làm vụ này. Chi phí đắt đỏ, năng suất lúa không cao như kỳ vọng, giờ giá lại tiếp tục giảm nên lợi nhuận vụ này chẳng được là mấy”.

Lúa đông xuân năm nay năng suất đã thấp hơn khoảng 100 kg/công so với vụ lúa đông xuân năm trước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa đông xuân năm nay năng suất đã thấp hơn khoảng 100 kg/công so với vụ lúa đông xuân năm trước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước những khó khăn của bà con, HTX Nông nghiệp Hòa Thuận I đã phải khẩn trương triệu tập cuộc họp gấp để bàn phương án tổ chức sản xuất. Vì theo ông Nhiều, khó khăn thì cũng phải làm, chứ không thể bỏ ruộng hoang. Chỉ có hơn 20 ngày cho việc cày ải, vệ sinh đồng ruộng, đầu tháng 3 âm lịch sẽ phải bắt tay vào gieo sạ vụ lúa hè thu 2022.

Ông Nhiều, than thở: "Mới đây, HTX nhận được thông tin từ đại lý vật tư nông nghiệp báo giá vật tư nông nghiệp mà thấy chóng mặt quá. Hiện giá phân DAP đã tăng vọt lên 1.200.000 – 1.3000.000 đồng/bao. Hiện chi phí đầu tư đã tăng lên 2,7 – 3 triệu đồng/công".

Lợi nhuận vụ lúa đông xuân thấp, giá vật tư, xăng dầu, thuê máy móc, công lao động… tiếp tục tăng đã gây khó khăn rất nhiều cho việc tái đầu tư sản xuất của bà con xã viên. Trong khi các giải pháp để hạ giá thành như sạ thưa, bón phân cân đối, áp dụng cơ giới hóa… gần như đã được xã viên áp dụng triệt để, nên khó có thể giảm thêm nữa.

 Giá xăng dầu tăng đúng "giờ G"

Ông Huỳnh Quốc Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT Châu Thành (Kiên Giang) cho biết: Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, toàn huyện gieo sạ được 19.151/19.000 ha theo kế hoạch. Đến tuần đầu tháng 3, nông dân đã thu hoạch được 4.686 ha, năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha. Tuy nhiên, giá lúa hiện nay tương đối thấp, cộng với chi phí đầu tư tăng cao, nên lợi nhuận giảm đáng kể.

Vụ lúa đông xuân năm nay chi phí đầu tư cao nhưng năng suất giảm nên nông dân lãi không cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ lúa đông xuân năm nay chi phí đầu tư cao nhưng năng suất giảm nên nông dân lãi không cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ lúa đông xuân là vụ lúa chính trong năm, nên bà con ai nấy cũng kỳ vọng vụ lúa này sẽ cho năng suất cao, bán được giá tốt nhất so với 2 vụ lúa còn lại là hè thu và thu đông. Nhưng năm nay, không ngờ rằng nông dân ĐBSCL phải gánh nhiều thứ trong canh tác lúa ở vụ này, nhất là đầu vụ giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là phân bón và thuốc BVTV. Vụ đông xuân năm nay, nhiều vùng đã bị ảnh hưởng sâu bệnh tấn công, thời tiết bất thường đã làm năng suất lúa giảm nhiều so với vụ đông xuân năm trước.

Oái oăm nữa, khi vụ lúa đông xuân bước vào thu hoạch, lại gặp cảnh giá xăng dầu tăng cao, chi phí thuê công cắt, chở lúa về nhà, phơi sấy… đều tăng từ 15 - 25%. Trong khi đó, năng suất lúa lại giảm trung bình hơn 100 kg/công, giá bán cũng thấp, sau khi nông dân hoạch toán tất cả chi phí thì có hộ chỉ lãi từ 1 - 2,5 triệu đồng/công.

Tại TP Cần Thơ, đang là thời điểm cuối vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, riêng huyện Vĩnh Thạnh là nơi có diện tích thu hoạch lúa đông xuân muộn nhất so với các địa phương khác của Thành phố.

Ông Lê Minh Thắng ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Vụ lúa đông xuân, gia đình sản xuất 3 ha giống Đài Thơm 8, vừa thu hoạch xong vài ngày. Năm nay, sản xuất lúa nhìn chung có nhiều thuận lợi về thời tiết, nguồn nước đủ cung cấp cho lúa, hạn mặn ít căng thẳng. Tuy nhiên, khi lúa vào mùa thu hoạch rộ, giá sụt giảm nên nông dân thu lợi nhuận không cao hơn so với vụ lúa đông xuân 2020 - 2021.

Dù lợi nhuận không cao, nhưng sau khi thu hoạch lúa đông xuân, gia đình ông Thắng vẫn vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu kế tiếp, đồng thời tiếp tục ứng dụng các biện pháp khoa học tiến bộ vào sản xuất nhằm giảm giá thành và nâng cao giá trị sản phẩm.

Liên kết để giảm rủi ro

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết: Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, nông dân huyện Vĩnh Thạnh sản xuất trên 25.100 ha, ước tổng sản lượng khoảng 183.230 tấn lúa hàng hóa. Ðể đạt kế hoạch này, Vĩnh Thạnh tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" vào sản xuất.

Hiện giá lúa tại ĐBSCL tiếp tục giảm nhẹ khi nông dân bước vào chính vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện giá lúa tại ĐBSCL tiếp tục giảm nhẹ khi nông dân bước vào chính vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cơ cấu giống lúa được ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đặc biệt quan tâm, hướng dẫn nông dân gieo sạ phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ. Theo nông dân sản xuất lúa, đầu ra của lúa đông xuân 2021 - 2022 thuận lợi khi đã có nhiều doanh nghiệp và tiểu thương tham gia ký hợp đồng bao tiêu, đặt tiền cọc mua ngay từ đầu vụ và khi chuẩn bị thu hoạch. Trong đó, các giống lúa Ðài Thơm 8 giá từ 5.600 - 5.700 đồng/kg, lúa thơm RVT là 7.000 đồng/kg, OM5451 là 5.400 đồng/kg…

Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Vụ đông xuân năm nay, An Giang xuống giống gần 230 ngàn ha, đến nay đã thu hoạch trên 25 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 7,01 tấn/ha, so với cùng kỳ năng suất thấp hơn 0,13 tấn/ha.

Hiện giá lúa có phần giảm nhẹ so với tuần trước vài chục đồng đến cả trăm đồng/kg, chính vì vậy từ đầu vụ, ngành nông nghiệp An Giang đã kế hoạch liên kết 115.100ha với 16 doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân vụ đông xuân 2021 - 2022 thông qua các HTX, tổ hợp tác và các hộ dân với diện tích 37.450ha, đạt 32,53% kế hoạch vụ đông xuân.

Cụ thể, Công ty Cổ phân Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) 500ha, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang 1.000ha, Công ty Tấn Vương 1.000ha, Doanh nghiệp tư nhân Minh Phát 800ha, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thạnh An 400ha;  các doanh nghiệp sản xuất giống 2.000ha, thương lái 750ha; Công ty Cổ phần Tập đoan Lộc Trời 31.000ha...

An Giang đang đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp thu mua lúa nhằm thúc đẩy giá lúa tăng lên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang đang đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp thu mua lúa nhằm thúc đẩy giá lúa tăng lên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Như vậy, vụ đông xuân 2021 - 2022 ở An Giang diện tích tiêu thụ thông qua liên kết tiêu thụ và doanh nghiệp, thương lái thu mua được 200.587 ha, với sản lượng 1,5 triệu tấn, còn lại 29.204 ha với sản lượng 219.030 tấn chưa được thu mua. Để tiêu thụ hết các diện tích, sản lượng lúa còn lại của vụ đông xuân, các địa phương cần mời gọi, vận động doanh nghiệp thu mua nhằm giảm rủi ro cho nông dân khi tất cả chi phí đầu vào đều tăng” ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết.

Hiện giá lúa tại ĐBSCL tiếp tục giảm nhẹ khi nông dân bước vào chính vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021 - 2022. Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.600 đồng/kg, giá bình quân là 5.429 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 6.950 đồng/kg, trung bình là 6.420 đồng/kg.

Tại An Giang, hiện đang bước vào vụ đông xuân nhiều loại lúa chất lượng vẫn giữ ổn định so với tuần trước, các loại lúa thường và IR 50404 lại giảm nhẹ từ 5 - 10 đồng/kg. Cụ thể OM 18 là 5.800 - 5.850 đồng/kg, OM 5451 từ 5.500 - 5.700 đồng/kg, riêng IR50404 ở mức từ 5.200 - 5.300 đồng/kg và Đài Thơm 8 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.