| Hotline: 0983.970.780

Luật Thuế 71 góp phần đẩy giá phân bón tăng 5 - 8%

Thứ Tư 17/06/2020 , 14:40 (GMT+7)

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, việc sớm sửa đổi Luật Thuế 71 về phân bón sẽ đem lại lợi ích kép cho cả người dân và doanh nghiệp.

Luật thuế số 71 đang tác động chính sách ngược tới nông dân và doanh nghiệp phân bón. Ảnh: Pvfcco.

Luật thuế số 71 đang tác động chính sách ngược tới nông dân và doanh nghiệp phân bón. Ảnh: Pvfcco.

Tác động ngược tới nông dân và doanh nghiệp

Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, khi sản phẩm phân bón bán ra không chịu thuế GTGT thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, vì vậy doanh nghiệp buộc phải cộng thêm toàn bộ giá trị thuế GTGT đầu vào vào giá thành sản xuất.

Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào không phải chịu thuế GTGT đầu vào. Vô hình trung, chính sách này đang tạo thuận lợi cho phân bón nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Nếu áp thuế GTGT với phân bón, lập tức phân bón ngoại nhập cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách Nhà nước đã thu ngay được một khoản khi phân bón ngoại nhập vào biên giới.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế GTGT không những không kéo giá phân bón trong nước giảm, mà còn gây nên một số tác động ngược, làm hạn chế sản xuất, kinh doanh, cũng như các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%, phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân super lân tăng 6,5 - 6,8%, phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so với những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón, ngược lại so với kỳ vọng ban đầu là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Lý do chính dẫn đến nghịch lý trên là vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất.

Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên, doanh nghiệp buộc phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.

Sau khi Luật 71 có hiệu lực, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân ure, lân, NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm, song từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng trên 4 triệu tấn phân bón, trị giá khoảng 1,33 tỷ USD.

Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang thiệt đơn thiệt kép vì Luật Thuế số 71. Ảnh: Pvfcco.

Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang thiệt đơn thiệt kép vì Luật Thuế số 71. Ảnh: Pvfcco.

Có thể thấy, chi phí giá thành phân bón trong nước tăng, dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu đang hưởng lợi nhiều nhất bởi không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%.

Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất.

Ngoài ra, hầu hết các nước này còn có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Do vậy, phân bón nhập khẩu càng có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng, còn sản xuất phân bón trong nước lại phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2018, cả nước nhập khẩu hơn 600.000 tấn ure, với kim ngạch gần 70 triệu USD, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, lượng đạm nhập khẩu về tiếp tục tăng 2 con số.

Trong khi đó, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, 2 doanh nghiệp lớn nắm 70% thị phần phân đạm trong nước lại phải đối mặt với thách thức thiếu khí và giá khí tăng cao.

Sản phẩm phân bón chất lượng bị thu hẹp càng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng lậu kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường.

Cần sớm sửa đổi đưa phân bón về mặt hàng chịu thuế GTGT

Có thể khẳng định, chính sách miễn thuế GTGT cho phân bón tưởng như có lợi, nhưng thực chất lại làm cho doanh nghiệp sản xuất phân bón chịu thêm nhiều sức ép và hoàn toàn không có tác dụng khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam xuống vũng bùn lầy của khó khăn, ngược xu thế, từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải giảm công suất, giảm sản lượng và thiệt hại nhiều tỷ đồng vì không được khấu trừ, hoàn thuế. Ngoài ra, chính sách này còn gián tiếp làm giảm đóng góp thuế GTGT của doanh nghiệp phân bón, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách quốc gia.

Thậm chí, về dài hạn, nếu không có sự thay đổi về chính sách thuế dành cho phân bón, các doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với nguy cơ thay đổi chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực khác, nhường thị phần lại cho các sản phẩm phân bón ngoại nhập giá rẻ, kém chất lượng.

Hệ quả cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi nếu đầu vào là các loại phân bón có chất lượng thấp, nông sản đầu ra và môi trường cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là nguy cơ lớn nhất cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Nông dân đang phải mua phân bón giá tăng 5 - 8% do tác động của Luật thuế 71. Ảnh: Pvfcco.

Nông dân đang phải mua phân bón giá tăng 5 - 8% do tác động của Luật thuế 71. Ảnh: Pvfcco.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp… phân bón đóng góp tới trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, mà đúng hơn đó là sự cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.

Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp, nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việt Nam cần xây dựng các chủ trương, quy định, giải pháp nhằm tăng cường sản xuất trong nước, giảm bớt nhập khẩu sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Chính vì vậy, chính sách thuế phân bón rất cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình và đúng với định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón của Chính phủ. Sự thay đổi này còn là yếu tố tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói riêng và của phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.