Hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017 và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững |
Ngày 15/12, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017 và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Đại diện lãnh đạo của 28 tỉnh thành có biển và các doanh nghiệp thủy sản trên cả nước tham dự.
Mức phạt lên đến 2 tỉ
Tổng cục Thủy sản cho hay, giá trị sản xuất giai đoạn 2010-2017 của ngành thủy sản dự kiến đạt mức tăng trưởng bình quân 4,8%/năm trong đó giá trị sản xuất trong khai thác đạt 5,2%/năm và nuôi trồng đạt 4,3%/năm. Giá trị tổng sản phẩm thủy sản dự kiến đạt tốc độ tăng 4,5%/năm. Tổng sản lượng thủy sản 2017 dự kiến đạt 7,1 triệu tấn trong đó sản lượng khai thác đạt 3,3 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt 8,3 tỉ USD. Việt Nam luôn thuộc nhóm đứng đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Năm 2013, sản phẩm thủy sản đã có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó tôm đã có mặt tại 93 thị trường, cá tra 142 thị trường và cá ngừ 90 thị trường. Thị phần chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và tiềm năng mới là Trung Quốc.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thanh tra của Tổng cục Thủy sản đã giới thiệu cho đại biểu về Luật thủy sản 2017. Luật gồm 9 chương và 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2013. Trong đó có bổ sung một chương Kiểm ngư nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam.
Theo bà Huệ, Luật Thủy sản 2017 có nhiều điểm mới trong đó có quy định đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Điều này khẳng định tổ chức, cá nhân Việt Nam đi khai thác ở ngoài vùng biển ngoài việc phải đáp ứng các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật nước sở tại còn phải đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Luật quy định những hành vi cấm mới như: khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại…
Bà Huệ cho hay, luật mới cũng quy định cảng cá có trách nhiệm xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được chuyển tải lên cảng, thu nhận nhật ký khai thác, báo cáo từ thuyền trưởng, chủ tàu. Ngoài ra, luật quy định tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra phải cập vào cảng do Bộ NN-PTNT chỉ định.
Một trong những điều quan trọng tại luật mới lần này theo bà Huệ là sửa đổi mức trần phạt tiền đối với lĩnh vực thủy sản trong luật xử lý vi phạm hành chính với mức tối đa đối với cá nhân là 1 tỉ đồng, tổ chức là 2 tỉ đồng.
Ứng dụng công nghệ cao vào thủy sản
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị từ các tỉnh thành đã cho rằng cần thiết phải ứng dụng công nghệ cao vào ngành thủy sản đặc biệt là phát triển ngành nuôi biển để đẩy mạnh phát triển thủy sản.
Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trước đây chủ yếu là tận dụng nuôi ven bờ. Tuy nhiên, hiện tại vùng biển ven bờ của hầu hết các tỉnh miền Trung đã nhường chỗ cho du lịch nên cần phải tính toán lại việc nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở ngoài khơi. Theo ông Thiên, muốn đẩy mạnh nuôi biển thì phải ứng dụng khoa học công nghệ vào để nuôi trồng thủy sản ở ngoài khơi.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch TP Hải Phòng cho hay, Hải Phòng xác định rất rõ trong tập trung cơ cấu tổ chức lại ngành thủy sản đó là phát triển theo chiều sâu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Theo ông Hà, dù được mệnh danh là “thủ phủ của ngành thủy sản” ở phía Bắc nhưng trong những năm gần đây, Hải Phòng gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu thủy sản không đạt và nhiều cơ sở chế biến trống không. Chính vì thế, Hải Phòng phải tập trung để tháo gỡ khó khăn trước mắt nhằm vực dậy ngành thủy sản.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cũng cho rằng phải tập trung phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ. “Trong khi nuôi cá tra 7 tháng kiếm 1 USD mà nuôi cá biển 7 tháng kiếm được 5 USD thì tại sao không phát triển nuôi cá biển. Phải tạo điều kiện cho người dân phát triển lĩnh vực nuôi biển” – ông Dũng nhận định. Theo ông Dũng, Việt Nam đứng thứ 3 về thủy sản trên thế giới nhưng lại đứng thứ 10 về ngành nuôi biển nên phải phấn đấu phát triển lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám: Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực và cố gắng không ngừng. Trong 3 năm tới, ngành thủy sản còn nhiều cơ hội trong khi đó nguồn lực khó khăn và ngân sách ít. Chính vì thế, các địa phương cùng ngành phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Muốn phát triển lĩnh vực nuôi biển thì cần có bước đi phù hợp và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Hiện giờ có rất ít doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này.