| Hotline: 0983.970.780

Lực cản Hà Tĩnh: [Bài 1] Đạt chuẩn tiểu tiêu chí 18.1 khó hơn ‘mò kim đáy biển’

Thứ Hai 16/09/2024 , 07:30 (GMT+7)

Hà Tĩnh Thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhiều nơi ở Hà Tĩnh bị chùn bước, mất động lực, bởi cố gắng đến mấy cũng khó hoàn thành tiểu tiêu chí 18.1.

Lực bất tòng tâm

Từ những năm 2001 khi cả nước chưa hình thành khái niệm xây dựng nông thôn mới (NTM), BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 02/TU về tiếp tục lãnh đạo chương trình xóa đói giảm nghèo - giải quyết việc làm và xây dựng NTM. Đến các mốc son thí điểm xây dựng NTM cấp thôn năm 2007, xây dựng NTM cấp xã năm 2009, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025. Tất cả đều đánh dấu sự tiên phong đi đầu toàn quốc của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh.

Tiểu tiêu chí 18.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đang gây khó khăn lớn cho việc thực hiện xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Tiểu tiêu chí 18.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đang gây khó khăn lớn cho việc thực hiện xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM và xã NTM nâng cao đã tăng “độ khó” các tiêu chí nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện tại các địa phương cho thấy, một số tiểu tiêu chí đang bộc lộ những bất cập, cần “mềm hóa” nhằm khích lệ cả hệ thống chính trị và nhân dân tiếp tục xây dựng phong trào này bền vững.

Theo quy định, tiểu tiêu chí 18.1 (thuộc tiêu chí 18 – Chất lượng môi trường sống): Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung tại các xã xây dựng NTM, NTM nâng cao của Hà Tĩnh phải bằng hoặc cao hơn 55%. Một mục tiêu không đơn giản chút nào.

Rõ ràng, thời gian qua địa phương nào cũng nỗ lực bằng nhiều giải pháp để sớm hoàn thành tiểu tiêu chí này song đi vào thực tiễn lại “lực bất tòng tâm”.

Xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên bắt tay xây dựng NTM vào năm 2011, đến năm 2019 được công nhận đạt chuẩn. Năm 2022, địa phương này là một trong 2 xã được huyện chọn “nâng hạng” xây dựng xã NTM nâng cao.

Không ai bảo ai, mỗi người một việc, dù yêu cầu các tiêu chí cao, song những cái gì xã, dân làm được đều đã tự giác làm. Thậm chí, một số tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn lực, sự đồng thuận của người dân lớn như điện, đường, trường, trạm, môi trường… Cẩm Trung hoàn thành chỉ trong chưa đầy một năm.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã thông tin, đến thời điểm này cấp tỉnh, huyện, xã đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để Cẩm Trung xây dựng NTM nâng cao. Những con đường đạt chuẩn tiêu chí cũ nay đã mở rộng từ 3 – 3,5m lên 5,5 – 6m; phân loại xử lý rác tại nguồn, xử lý nước thải sinh hoạt đạt 100%; số hộ xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đạt 100%; toàn xã có 7 mô hình xử lý rác thải hữu cơ tập trung làm phân bón ở 6 thôn và tại chợ đầu mối…

Nước phục vụ ăn uống của người dân xã Cẩm Trung hầu như được lọc qua máy lọc nước mini. Ảnh: Thanh Nga.

Nước phục vụ ăn uống của người dân xã Cẩm Trung hầu như được lọc qua máy lọc nước mini. Ảnh: Thanh Nga.

“Tháng 2/2023 các sở ngành xuống thẩm định, đánh giá 19/20 tiêu chí xã NTM nâng cao của Cẩm Trung đều đạt chuẩn, riêng tiêu chí 18 chỉ thiếu mỗi tiểu tiêu chí 18.1 chưa đạt nên nỗ lực của xã và dân “treo” từ bấy đến giờ. Thực tế không đạt nâng cao thì chúng tôi vẫn phấn đấu, vẫn xây dựng NTM nhưng phấn đấu mà không có một cái đích thì không có khí thế, quyết tâm chính trị cũng không còn cao như trước”, ông Tiến nói.

Theo ông, dù Cẩm Trung nỗ lực bao nhiêu thì việc đạt chuẩn tiểu tiêu chí 18.1 trong một vài năm tới còn khó hơn cả mò kim đáy biển, bởi 9 xã phía Nam và 3 xã ven biển huyện Cẩm Xuyên hiện chưa có công trình cấp nước tập trung nào. Bây giờ, nguồn ngân sách hạn chế trong khi doanh nghiệp lại không mặn mà đầu tư lĩnh vực này vì hiệu suất thu hồi vốn thấp, chậm nên không chỉ Cẩm Trung mà hầu hết các xã xây dựng NTM nâng cao khu vực phía Nam huyện Cẩm Xuyên gần như không thể đạt chuẩn.

Cũng được chọn xây dựng xã NTM nâng cao cùng thời điểm như Cẩm Trung, giữa năm 2023, các sở ngành thẩm định, đánh giá 19/20 tiêu chí của xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên đã đạt chuẩn theo quy định, duy còn tiểu tiêu chí 18.1 “mắc kẹt” chưa hẹn ngày về đích vì lý do khách quan.

Còn nước tắm rửa, giặt giũ được bơm lên bể lọc thô trước khi sử dụng. Ảnh: Thanh Nga.

Còn nước tắm rửa, giặt giũ được bơm lên bể lọc thô trước khi sử dụng. Ảnh: Thanh Nga.

“Đất Cẩm Minh chủ yếu đồi núi, nước trong veo, không nhiễm phèn, mặn. Người dân bơm từ giếng khoan, giếng đào lên sau đó lọc qua các thiết bị, máy lọc mini để sử dụng, đảm bảo an toàn. Bây giờ để đạt chuẩn theo quy định, chúng tôi muốn đấu nối đường ống cho dân đảm bảo tỷ lệ cũng bất khả thi bởi không có công trình cấp nước tập trung nào trên địa bàn hoặc khu vực lân cận”, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh Trần Văn Khiên nói.

Nơi cần không có, nơi đầu tư không có nhu cầu

Ngược ngàn lên Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, một xã miền núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này có diện tích đất tự nhiên gần 19 km2 nhưng chỉ có 844 hộ dân sinh sống. Bình quân khoảng cách giữa các hộ với nhau khá xa, thậm chí có những gia đình dựng nhà trên các quả đồi tách biệt.

Bà Đinh Thị Lan cho biết, gia đình bà không có nhu cầu sử dụng nước máy từ công trình cấp nước tập trung. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Đinh Thị Lan cho biết, gia đình bà không có nhu cầu sử dụng nước máy từ công trình cấp nước tập trung. Ảnh: Thanh Nga.

Từ hàng trăm năm nay người dân nơi đây sử dụng nước giếng khoan, giếng đào để sinh hoạt. Nước đầu nguồn, cách xa công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi nên trong veo, mát rượi. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, những năm gần đây người dân mua thêm máy mini về lọc nước trước khi sử dụng ăn, uống. Do đó, nhu cầu dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung của bà con gần như không có.

Bà Đinh Thị Lan, 70 tuổi, trú thôn 6 xã Sơn Lĩnh chia sẻ, giếng khoan của gia đình sâu 30m, dù bơm lên rất trong nhưng bà vẫn mua máy lọc nước về để lọc đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

“Nước đây rất sạch, tôi dùng 70 năm rồi rất tốt. Bây giờ không có nhu cầu dùng nước sạch của nhà máy. Nếu bắt buộc dùng vì xây dựng NTM thì tôi mới sử dụng, không thì thôi”, bà Lan nói.

Đồng ý kiến, bà Phạm Thị Hoài, cùng trú thôn 6 Sơn Lĩnh cho rằng, người dân quen sử dụng nước tự nhiên thoải mái, chỉ mất 10 – 15 ngàn đồng tiền điện/tháng để bơm nước lên bồn. Bây giờ dùng nước sạch phải dè xẻn, trả tiền mua nước nên dân không có nhu cầu.

Gia đình bà Hoài và con trai cùng dùng chung một giếng đào. Nước đầu nguồn trong và cách xa khu vực chăn nuôi nên bà cũng không có nhu cầu dùng nước sạch tập trung. Ảnh: Thanh Nga.

Gia đình bà Hoài và con trai cùng dùng chung một giếng đào. Nước đầu nguồn trong và cách xa khu vực chăn nuôi nên bà cũng không có nhu cầu dùng nước sạch tập trung. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện bà Hoài và gia đình con trai đang sử dụng chung một giếng nước. Nước được bơm lên lọc qua máy mini sau đó sử dụng nấu ăn, sinh hoạt.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khẳng định, hiện nay nhu cầu dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung của người dân các xã miền núi rất thấp. Bởi nước khe suối, giếng khơi hàng trăm năm nay cơ bản đảm bảo. Nếu đầu tư công trình nước sạch vào các xã như Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2… sẽ cần nguồn lực cực kỳ lớn, trong khi kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, điện, đường, trường, trạm cần hơn.

Phong trào xây dựng xã NTM nâng cao tại các địa phương đang bị chững lại vì tiểu tiêu chí 18.1. Ảnh: Thanh Nga.

Phong trào xây dựng xã NTM nâng cao tại các địa phương đang bị chững lại vì tiểu tiêu chí 18.1. Ảnh: Thanh Nga.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, các vùng miền núi có khe suối đầu nguồn, nước đảm bảo an toàn không nhất thiết quy định tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung 55% mà có thể sử dụng hệ thống thiết bị lọc nước. Cái này Trung ương nên giao cho tỉnh đánh giá từng vùng cụ thể, nơi nào nguồn nước chưa bảo bảo, có nhu cầu thực sự thì đầu tư nhằm tránh tình trạng nơi cần (nhà máy nước sạch) không có, nơi có lại không cần.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.