| Hotline: 0983.970.780

Lý giải chuyện vì sao mạ khay, máy cấy phát triển chậm

Thứ Ba 19/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Ngay năm 2012 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình trình diễn lúa cấy bằng máy, với quy mô 20 ha tại 4 HTX ở 4 huyện có diện tích lúa lớn là Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai và Ứng Hòa.

Máy cấy của HTX Minh Đức chuẩn bị xuống đồng.

Loại máy cấy sử dụng là KUBOTA 1,5 mã lực, cấy 4 hàng lúa, khoảng cách hàng x hàng = 30 cm; khóm x khóm có thể điều chỉnh các mức: 12; 16; 18; 21cm, tùy theo giống và chân đất; số dảnh/khóm điều chỉnh được to nhỏ tùy ý; độ nông sâu cũng điều chỉnh được. Máy nhẹ, dễ vận chuyển và thao tác, có hệ thống phao tự điều chỉnh lên xuống tùy theo độ lầy thụt của ruộng.

Kết quả cho thấy 1 máy cấy 4 hàng một ngày làm 8 giờ cấy được từ 0,8 – 1 ha, bằng từ 25 – 30 người vừa cấy và nhổ mạ, mật độ cấy 33 khóm/m2 (hàng x hàng = 30 cm; khóm x khóm = 12 cm, mỗi khóm cấy từ 1 – 4 dảnh).

Lúa cấy bằng máy sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, cụ thể: giảm chi phí sản xuất từ 2,5-3,5 triệu đồng/ha; giảm giống; giảm lượng thuốc BVTV do cấy nông, thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, ruộng lúa thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và giảm công lao động.

Giải phóng sức lao động trong nông nghiệp (nhất là lao động nữ). Số lao động dôi ra làm công việc khác để tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Năng suất tăng từ 10 - 15% so với lúa cấy truyền thống. Lợi nhuận bình quân của lúa cấy bằng máy cao hơn lúa cấy truyền thống 6.948.000 đ/ha.

Mặt khác kết quả mô hình còn làm thay đổi được nhận thức cho cả người nông dân và các cấp lãnh đạo; Thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún; tạo sự liên kết trong sản xuất; thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa là điều kiện để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.

Từ kết quả của vụ xuân, vụ mùa năm 2012 Trung tâm tiếp tục hỗ trợ, diện tích cấy lúa bằng máy được mở rộng thêm 70 ha; đến năm 2013 diện tích lúa được cấy bằng máy đã tăng lên 1.500 ha (trong đó riêng huyện Phú Xuyên có diện tích lúa cấy bằng máy trên 1.000 ha).

Đến năm 2018 toàn thành phố có 323 máy cấy (trong đó có 276 máy cấy lúa 4 hàng, 33 máy cấy lúa 6 hàng và 14 máy cấy lúa 8 hàng), diện tích cấy lúa bằng máy đạt 4.638,6 ha, chiếm tỷ lệ 2,54%. Năm 2019 diện tích lúa được cấy bằng máy đạt trên 5.000 ha, chiếm trên 3% diện tích cấy lúa.

Mặc dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy là rất cao nhưng diện tích lúa được cấy bằng máy phát triển rất chậm. Qua thực tiễn cho thấy có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là nguyên nhân chính, ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy với quy mô: 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400ha lúa/2 vụ, được triển khai thực hiện tại 5 điểm của 4 huyện: Chương Mỹ, Quốc oai, Ứng Hòa và Đông Anh.

Các điểm tham gia mô hình được hỗ trợ 50% lượng giống theo định mức 45 kg/ha; 50% giá thể gieo mạ theo định mức 1.200kg/ha và 50% khay nhựa gieo mạ theo định mức 270 khay/ha. Các cơ sở tiến hành gieo mạ từ ngày 20 - 31/01/2019; cấy từ ngày 10 – 25/02/2019.

Hà Nội đang phát triển các giống lúa chất lượng.

Mô hình được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu. Các điểm mô hình đã gieo đủ 54.000 khay mạ đảm bảo chất lượng, mạ cứng cây, đanh rảnh; cấy máy đủ cho 200 ha lúa trên địa bàn các huyện tham gia mô hình.

Lúa cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 – 62 tạ/ha. Kết quả gieo cấy ở vụ xuân cho thấy chỉ tính riêng chi phí khâu gieo mạ khay, cấy máy so với gieo mạ dược, cấy tay theo truyền thống giảm từ 3.892.000đ – 5.448.000đ/ha. Như vậy 200 ha lúa cấy bằng máy thực hiện ở vụ xuân giảm được chi phí cho người sản xuất từ 778.400.000đ đến 1.089.600.000 đ mang lại hiệu quả khá cao.

Mặt khác gieo mạ khay cấy máy ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh gây hại, giảm chi phí thuốc BVTV, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất lúa cao hơn từ 10 – 15% so với cấy tay theo truyền thống, hiệu quả từ mô hình còn cao hơn rất nhiều.

Đây chính là cơ sở để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, phát huy vai trò dịch vụ của các HTXNN, thúc đẩy việc hình thành các tổ dịch vụ cho người sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa. Từng bước tạo vùng sản xuất lúa tập trung cùng giống, cùng thời vụ, khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực trong lúc thời vụ. Kết quả vụ mùa cũng tương tự.

Thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại cần được khắc phục: Mặc dù đã được dồn ô đổi thửa, song một số địa phương đồng ruộng vẫn còn manh mún, không bằng phẳng, khó điều tiết nước dẫn đến đưa cơ giới hóa khâu gieo cấy gặp khó khăn. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhiều nơi chưa đáp ứng được, chưa chủ động được cho việc tưới tiêu.

Nhiều nơi các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm tới những tiến bộ kỹ thuật mới. Một số địa phương nhận thức của người dân về lúa cấy máy còn hạn chế do đó chưa thay đổi được thói quen cấy tay truyền thống, mặc dù chi phí thuê cấy tay theo truyền thống cao hơn rất nhiều (người dân vẫn quen cấy mau trong khi cấy bằng máy thưa).

Cơ cấu giống lúa còn dàn trải, chưa xác định được giống lúa chủ lực; chưa quy hoạch được mỗi cánh đồng cấy 1 giống, để hình thành vùng sản xuất lúa tập trung cấy cùng giống, cùng thời vụ để thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Thêm vào đó, vai trò dịch vụ của các HTXNN chưa được phát huy, nhiều HTX tiếng là đã đổi mới theo luật nhưng thực tế vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”. HTX không có sức hút với xã viên, vốn gần như không có, nhân sự không chất lượng, hoạt động dịch vụ rất èo uột, một số đã “chết lâm sàng” nhưng chưa làm thủ tục phá sản.

Trong việc áp dụng máy cấy, khâu làm mạ rất quan trọng và gần như mang tính quyết định khá nhiều bởi không phải ai cũng làm được và làm đúng kỹ thuật với số lượng lớn lại càng thêm khó khăn. Một số nơi chưa tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật: giá thể không đảm bảo, mạ gieo không đều dẫn đến khi cấy bị mất khoảng nhiều, số dảnh cấy không đều, tốn nhiều công tỉa, dặm.

Sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn cả về cơ sở vật chất và kinh phí như: kho bãi, nhà xưởng để máy móc, giá thể và diện tích đất để dải khay mạ... Đây là khó khăn lớn nhất ở các cơ sở sản xuất mạ khay. Phần lớn các cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể, chưa tự sản xuất được, dẫn đến chi phí sản xuất mạ cao.

Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, đội ngũ sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo hoặc trang bị những kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, trong khi cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp còn chưa được hình thành tại các địa phương…

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.