Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 27/11/2023.
Đến nay, qua hơn 1 năm triển khai, tại tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau và Bạc Liêu chưa có kế hoạch triển khai các mô hình thí điểm theo Đề án mà chỉ dừng lại ở việc ban hành các kế hoạch hành động cũng như có văn bản chỉ đạo.
Dù chưa triển khai mô hình, nhưng 3 tỉnh này cũng đã đăng ký diện tích đáng kể chi trả từ Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF). Cụ thể, Vĩnh Long đăng ký 1.522ha, Cà Mau 1.798ha và Bạc Liêu khoảng 2.144ha.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau khi đơn vị thực hiện rà soát lại diện tích đăng ký, kết quả cho thấy hầu hết các địa phương chưa hiểu rõ được tiêu chí của việc lựa chọn vùng dự án mà chỉ dựa trên đánh giá ban đầu.
Như tại tỉnh Vĩnh Long, điều kiện đồng ruộng cao hơn mặt kênh, việc vận hành tưới tiêu chủ yếu theo cơ chế thủy triều tự nhiên, không cần máy bơm. Trường hợp mưa lớn kéo dài, các HTX sẽ không kiểm soát được hoàn toàn nguồn nước. Do đó, Cục Trồng trọt đề nghị địa phương chỉ nên đăng ký tham gia quy mô khoảng 1.000ha ở huyện Vũng Liêm.
Còn tại tỉnh Cà Mau, Cục Trồng trọt đề nghị địa phương chưa nên đăng ký vùng sản xuất lúa và chuẩn bị cho việc chi trả giảm phát thải từ Quỹ TCAF bởi diện tích lúa 2 vụ của tỉnh rất thấp, việc tưới tiêu của bà con nông dân hiện phụ thuộc vào hệ thống nước trời. Do đó, chưa đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu để triển khai mô hình và kỹ thuật canh tác theo Đề án 1 triệu ha lúa. Nhất là không thể đáp ứng yêu cầu khi vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV).
Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu đặc thù là vùng trũng, canh tác lúa phụ thuộc hoàn toàn vào việc vận hành bơm, tưới tiêu. Vì vậy, chỉ những diện tích trong vùng đê bao có trạm bơm mới áp dụng hiệu quả quy trình canh tác theo Đề án 1 triệu ha lúa. Trong khi đó, phần lớn diện tích địa phương đăng ký chưa hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu nên không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy trình canh tác ngập – khô xen kẽ (AWD).
Qua rà soát của Cục Trồng trọt, chỉ có HTX Đại Lợi (xã Xu Thuế) và HTX Đồng Tâm (xã Vĩnh Hưng A) thuộc huyện Vĩnh Lợi có cơ sở hạ tầng tốt, chủ động hoàn toàn việc tưới tiêu theo quy trình AWD. Diện tích đảm bảo tiêu chí thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chuẩn bị cho việc chi trả từ Quỹ TCAF khoảng 500ha.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, thực tế, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là Đề án đầu tiên triển khai trên thế giới nên sẽ có nhiều vấn đề khó khăn, thách thức cần phải tháo gỡ không chỉ ở hiện tại mà thời gian tới sẽ còn phát sinh, từ việc nâng cao nhận thức, tư duy bà con nông dân, HTX, vấn đề tích lũy kinh nghiệm trong tổ chức và liên kết sản xuất đến việc huy động các nguồn lực tham gia Đề án…
Với các địa phương không đảm bảo các tiêu chí triển khai Đề án như Cà Mau, Bạc Liêu và Vĩnh Long, việc mở rộng diện tích tham gia Đề án là một khó khăn, thách thức lớn.
“Ai cũng mong muốn mở rộng ra, nhưng để đạt được kết quả còn rất nhiều khó khăn. Các địa phương phải đảm bảo theo các tiêu chí canh tác bền vững như chủ động được tưới tiêu, rút nước; lực lượng khuyến nông, vốn của địa phương đầu tư hạ tầng và năng lực của HTX…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo dự kiến của Bộ NN-PTNT, đề xuất dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” vốn vay của Ngân hàng Thế giới với trị giá 430 triệu USD đến năm 2026 có thể được triển khai.
Như vậy, nhanh nhất đến năm 2028 mới có thể hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi để tưới tiêu chủ động. Trong thời gian này, các địa phương phải bố trí nguồn vốn để triển khai ngay quy trình canh tác theo Đề án 1 triệu ha lúa, chủ động các giải pháp gia cố lại hệ thống hạ tầng thủy lợi, tránh sự phân tán các vùng sản xuất.
Đồng thời, Cục Trồng trọt cần phối hợp với các đơn vị xây dựng các tiêu chí để chắt lọc lại diện tích, lựa chọn những HTX đảm bảo các điều kiện để thực hiện chi trả thí điểm giảm phát thải từ Quỹ TCAF.
Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Theo đó, toàn vùng ĐBSCL cần đầu tư, nâng cấp hạ tầng sản xuất tại 33 vùng sản xuất tập trung ở 12 tỉnh/thành. Đối với lĩnh vực thuỷ lợi, cần nạo vét 1.924km kênh cấp II; xây mới/nâng cấp 1.628km đê bao khép kín kết hợp với lưu thông, vận chuyển hàng hoá, vật tư nông nghiệp; xây dựng 724 cống hở để tưới/tiêu; xây dựng 43 công trình điều tiết nước. Các hạng mục đầu tư này cần được tập trung nguồn lực để đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.