Tết. Tết đối với mỗi người Việt Nam là cả một sự thiêng liêng. Tết vất vả lo toan đấy nhưng mà vui. Có thể cái sự mong Tết đã ngấm vào máu mỗi người khi từ thuở bé thơ đã thích thú chờ đón quần áo mới, bao lì xì đỏ đỏ. Tất cả những việc làm để đón Tết của mỗi gia đình đều tất bật, hối hả. Dù ngược dù xuôi. Dù giàu hay nghèo. Ai ai cũng phải gắng để mà lo tròn cái tết trong phạm vi khả năng và hoàn cảnh của mình một cách tươm tất nhất có thể.
Trong cái tươm tất ấy thì những món cần chuẩn bị cho Tết, chung nhất của tất cả mọi người, nói theo kiểu toán học là ước số chung nhỏ nhất, đó là bánh tét hoặc bánh chưng, thịt kho tàu hoặc thịt nấu đông, dưa kiệu hay dưa hành, hoa mai hoặc hoa đào… Trong đó hoa mai hoa đào chính là những điểm nhấn đặc biệt nhất. Có hoa tức là đã có Tết. Cứ ngắm những nụ nụ xinh xinh của mai vàng, đào hồng là lòng người đã nôn nao thúc giục. Phải về thôi. Phải bên nhau thôi để đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Nếu ở miền Bắc có hoa đào thì ở miền Nam hoa mai chính là nữ hoàng của các loài hoa trong dịp Tết. Không biết hoa mai đã được người miền Nam dùng để trưng tết, để đón Tết tự bao giờ. Nhưng ở nông thôn, khi những đứa bé bắt đầu có sự nhận thức tìm hiểu về thế giới xung quanh đã thấy mảnh vườn trước nhà sẵn đôi ba cây mai vàng. Nhà nhiều thì trồng hẳn một vườn.
Xưa. Khi cái sự ăn sự mặc còn chật và chật vật thì cây mai đâu đã được chăm sóc uốn tỉa mà cứ phứa mặc cho sương gió đất trời cả năm. Rễ cây cứ việc bám vào đất mà nung cành xanh lá. Chỉ khi gần Tết, mai mới được các chủ nhà chủ vườn chăm bồi. Mà sự chăm bồi ấy cũng có đâu là sang trọng. Ban đầu chỉ là nhổ cỏ, xới gốc, tưới nước thôi. Rồi sau đó là cả một chuỗi những chăm sóc như kiểu hành xác vậy. Đau đớn lắm.
Này nhé. Lối chừng từ mùng mười đến hai mươi tháng chạp, những cây mai vàng đang bận những chiếc áo xanh dày dặn từ nách tới đầu cành, từ gốc đến ngọn thì bỗng dưng bị xé bỏ không thương tiếc. Lá già như chiếc áo ấm, lá non như chiếc áo mới, áo nào cũng bị bứt sạch sẽ lần lượt không thương tiếc. Ngó bàn tay thoăn thoắt của các má các dì lặt lá mai trút sã sượi dưới gốc mà thương. Nhìn kỹ những nách lá ắt sẽ thấy dòng lệ tứa ra đấy. Xót quá thể. Mới xúng xính áo váy mà giờ đã trơ trọi khung cành.
Có đứa bé gái chừng năm tuổi xếp những lá mai vào giỏ đồ hàng mà tức tưởi khóc hờn má. Cô giáo dặn con không được bẻ bông hái lá sao giờ má làm vậy. Người mẹ phải ngưng tay tuốt lá ôm nó vào lòng nựng nịu, rằng má tuốt lá cho mai nở bông vàng đón Tết con hà. Tết hả má. Nhắc đến Tết là nó nín bặt. Đứa nào không thích Tết chứ. Tết thì được ăn ngon, được mặc đẹp, được đi chơi , được lì xì và không bị người lớn la mắng nè.
Má tuốt lá mai xong, ba thì cứ tùy theo cây mà chăm bồi. Mỗi cây khi tuốt lá đã sẵn những mầm nụ xíu xíu lấm chấm theo thân theo cành. Ngắm mầm nụ là biết độ sung độ đẹp xinh của cây mai. Lúc này cái sự chăm sóc mới tỉ mỉ tỉ mẩn và khó nhứt. Khó ở chỗ nhà vườn phải căn theo cơ địa của mỗi cây, vào thời tiết… Cần phải điều chỉnh lại cái sự ăn uống của từng cây mai cho thật đều đặn. Mà Mai cũng chân chất như người miền Nam vậy. Ngộ lắm. Thức ăn trong giai đoạn này của nó chỉ là nước, duy nhất nước.
Những ngày cuối tháng chạp ở miền Nam đang mùa khô. Đã là mùa khô thì nước miễn phí cho cây cỏ chủ yếu là sương. Sương hào phóng rích rắc cả đêm cũng chỉ là sự tráng men cho những thân cây mặt lá. Khi những tia nắng sớm vừa lòn lỏi vào giữa những gốc cây mai như những chiếc đòn gánh thì sương đã biến mất, sương không để lại dấu vết nào dù trước đó vài giây đã hẳn hòi sự tồn tại của nó. Một sự ráo hoảnh đến lạnh lùng. Đó cũng là đặc biệt của mùa khô miền Nam vậy.
Cái nết của thời tiết miền Nam ba đã rành rẽ như sự hít thở hàng ngày. Không có mưa thì ba múc nước tưới. Chiếc đìa nước ngọt sau nhà luôn sẵn. Ba biểu chiếc đìa này có đâu từ thời ông cố ông sơ, nước ngọt lắm. Nhờ nó mà cả xóm mình sống qua mùa khô và những tháng nước mặn đó con. Đìa nước được ba má giữ kỹ lắm. Ai muốn xài phải gánh về nhà hoặc múc nước lại gần gốc xoài để tắm rửa giặt rũ. Ba tuyệt đối không cho ai nhúng chân hoặc giặt rửa trong đìa. Dưới đìa ba thả bông súng đỏ.
Hừng sáng, những bông súng đỏ rực trên nền nước trong thật đã mắt. Xách thùng nước ngọt từ đìa, ba nhẹ nhàng tưới cho cây. Ba tưới đều đặn, đúng lượng mỗi ngày. Vừa làm ba vừa dặn, rằng con tưới phải đều tay nha, mỗi gốc một thùng, con đừng có tưới nhiều. Tưới nhiều quá, cây mai no nước sẽ bị lạnh, mà hễ lạnh thì nụ bị nín, nụ sẽ chững lại không lớn. Tưới ít quá cây sẽ bị thiếu nước, nụ sẽ còi cọc. Cũng không được ngắt nước. Cây mai bị ngắt nước khô queo, chừng tưới lại là bỗng sẽ nở ào ạt ra ngay. Cây mai đẹp là cây mang nhiều nụ, nụ mẩy chắc và nở rộ từ bữa ba mươi tết tới mùng ba. Việc chăm sóc cây mai trong những ngày cận tết như là một cuộc marathon giữa các nhà trong xóm vậy.
Mấy đứa trẻ ở xóm, tay ôm đôi dép, bộ đồ mới hít hà và tranh nhau khoe mai nhà tui đẹp nè. Có năm, ba đã rất kỹ càng trong việc nước nôi tắm tưới cho em mai, vậy mà em ấy vẫn bị nín. Mùng một, cây mai đẹp nhất, nưng nức nụ nhất ba bứng để trong chậu trưng trong nhà, rồi anh tư giăng dây đèn chớp nháy nhỏ xíu xíu nối với cái bình ắc quy, đèn thì nhấp nháy tím xanh tím đỏ liên hồi nhưng mai thì lặng thinh. Tịnh không thấy nụ mai nào mở mắt mà nhấp nháy mà cười mỉm với đèn với những tấm thiệp chúc mừng năm mới đang nhảy múa trên nhành mai cả.
Ba buồn xo. Má biểu, ba mầy khờ, năm nay gió bấc về vầy sao mai nở được mà ở đó buồn. Chừng ông trời ổng nổi nóng là tui đảm bảo vườn mai nhà mình sẽ nở bung bét vàng hực cho coi. Mà thiệt. Mùng ba tết năm đó, trời ấm lên, những chùm nụ đồng loạt cười rực rỡ. Rực rỡ vàng. Rực rỡ Tết. Ba ẵm đứa bé gái năm tuổi cho nó ngắm thiệt đã những chùm bông trên đọt mai. Rồi nó day qua hôn chùn chụt vào mắt ba nó, vào ánh mắt đang ngời ngời sắc nắng. Giọng nó ngọng líu "Hết hui hóa ha hé".(Tết vui quá ba hé).
Nhưng đâu phải năm nào ba nó cũng ẵm nó ngắm mai. Có năm, chừng hai bảy, hai tám tết ba nó chặt những cành mai ngon nụ nhất, nhẹ nhàng bó lại và đặt xuống xuồng để má và chị hai nó đem đi. Đứa bé gái lại khóc, nó không muốn cây mai là cây Tết của nhà nó phải đem cành đi đâu cả. Ba biểu để cho cành mai ăn tết ở nhà khác một năm nha con. Chị hai nó nạt, nhành mai phải đi chợ thì mới có Tết về nhà chứ. Bộ cưng không muốn áo mới guốc mới, hổng muốn ăn bánh tét thịt kho tàu hả.
Chiếc xuồng xa dần trong tiếng khóc tấm tức của nó. Nó chỉ ước má và chị hai quay xuồng lại và gắn những cành mai ấy trả lại cây mai trong vườn. Chừng nó là thiếu nữ. Chừng nó thay chị hai bơi xuồng đi chợ bán mai nó mới biết thế nào là Tết của mai đúng nghĩa. Ôm bó mai len lỏi giữa chợ đông, phải luôn giơ cao để giữ cho nụ đừng mắc vào áo ai. Gặp người sộp thì thích nhành nào là họ lấy ngay, không cả lấy tiền thồi lại, biểu lì xì sớm cho hên. Gặp người khó, đã lựa muốn bấy bó mai, rồi còn trả giá ngược xuôi làm nó vừa mệt vừa tức muốn khóc luôn.
Cũng ngộ. Chợ đông người. Đông cả người bán mai. Ngó những cây mai làm bằng mủ trong các sạp, nó nghĩ chuyến này mai mình sẽ cầm chắc chữ ế. Thấy lo lo, vậy là cái chân lội ngon hơn, cái tay giơ cao hơn cho người ta thấy mai của nó cành đẹp nụ xinh, cái miệng mời dẻo hơn thanh hơn để nhiều người mua hơn. Tết này, đứa bé gái năm tuổi ngày ấy đã sém tứ tuần rồi. Nhưng lòng nó lúc nào cũng ngọt nức mùi mai khi tết đến xuân về. Mai Tết nhà nó giờ ngự trong chậu kiểng hẳn hòi, với những dáng trực những thế bay, với tán cành nây nẩy nụ… nhưng nó vẫn rưng rức chộn rộn khi nhớ về những cây mai, những bó mai đi chợ Tết ngày xưa.
Chợ Tết sáng nay, khi nó hì hụi đem về nhà những bó mai rức nụ trong sự tròn dẹt ngạc nhiên của chồng của con nó. Trời đất. Chuyện lạ à nha. Nhà mình, nội mai vàng đã mấy trăm chậu kiểng, sao má còn mua nhành mai về nữa. Nó mỉm cười. Tết ở đây chứ đâu con. Có nhành mai mới có Tết. Con giúp má đem những nhành mai này tặng cho các bác trong khu dân cư nghèo nha con. Mỗi nhành kèm theo bao lì xì tết đỏ đỏ nữa. Bao lì xì má để sẵn trên bàn đó con. Những nụ mai như đang chúm chím cười. Tết rồi. Tết vui và đẹp nữa. Một chút nữa thôi, những nhành mai sẽ rung rinh đem gió xuân thơm phưng phức vào từng mái nhà.
Và sáng mai, mùng một Tết, những nụ mai sẽ xòe bung những cánh vàng. Lóng lánh vàng của hạnh phúc. Lóng lánh vàng của tình người. Một năm mới của đầy đủ và ấm áp được bắt đầu từ những bông mai vàng ngày Tết.