| Hotline: 0983.970.780

May khẩu trang tặng miễn phí cho người dân phòng chống dịch

Thứ Ba 04/08/2020 , 17:27 (GMT+7)

Với các chị, những chiếc khẩu trang mà mình làm ra đến được tay những người dân có nhu cầu là niềm hạnh phúc trong thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch.

Bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đã hơn 1 tuần nay, ngày nào cũng vậy, những chị em phụ nữ ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lại tất bật bên những chiếc máy may cả ngày lẫn đêm để sản xuất ra những chiếc khẩu trang kháng khuẩn tặng cho người dân chống dịch.

Những chiếc máy may thường ngày chị Yến sử dụng để mưu sinh bây giờ dùng cho việc may khẩu trang miễn phí tặng người dân chống dịch. Ảnh: L.K.

Những chiếc máy may thường ngày chị Yến sử dụng để mưu sinh bây giờ dùng cho việc may khẩu trang miễn phí tặng người dân chống dịch. Ảnh: L.K.

Những chiếc máy may của gia đình chị Trần Thị Mỹ Yến (ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) thường ngày phục vụ cho công việc mưu sinh của gia đình bây giờ được chị sử dụng để may ra những chiếc khẩu trang miễn phí cho người dân, không lấy một đồng tiền công.

Chị Yến cho biết, dịch Covid-19 bùng phát nên những lúc như thế này khẩu trang y tế chính là thứ mà người dân rất cần. Khi Hội phụ nữ xã Nghĩa An phát động phong trào may khẩu trang chống dịch tặng cho người dân, chị em phụ nữ trong thôn lập tức hưởng ứng.

Từ đó, ngày nào cũng vậy bắt đầu từ 8h, 10 chị em phụ nữ trong thôn thay ca nhau đến nhà chị Yến, mỗi người 1 việc để kịp hoàn thành chiếc khẩu trang phát cho người dân. “Mỗi ngày, tổ của tôi may trung bình được khoảng 150 cái khẩu trang, tính đến giờ thì cũng đã được 1.000 cái rồi”, chị Yến cho biết.

Mỗi ngày từ sáng đến tối, chị em phụ nữ ở xã Nghĩa An thay ca nhau may khẩu trang. Ảnh: LK.

Mỗi ngày từ sáng đến tối, chị em phụ nữ ở xã Nghĩa An thay ca nhau may khẩu trang. Ảnh: LK.

Những chị em tham gia công việc may khẩu trang có những người chưa bao giờ đụng đến chiếc máy may như chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Tân Thạnh). Thế nhưng ngày nào cũng liên tục 3 ca, sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 13h30 đến 5h rồi đến tối từ 7h có khi đến 12h đêm, chị đến phụ cắt chỉ, gấp khẩu trang vào từng bao nilon rồi đi phát cho từng nhà.

“Biết là làm như thế cả ngày nhưng không có tiền công nhưng chị em chúng tôi đều vui vẻ làm việc. Cả nước đang căng sức chống dịch nên chúng tôi cũng ý thức mỗi người góp 1 chút công sức để vượt qua thời điểm khó khăn này. Những chiếc khẩu trang được làm ra, đến được với những người có nhu cầu là niềm vui của chị em chúng tôi”, chị Lệ chia sẻ.

Khẩu trang do chị em phụ nữ xã Nghĩa An may được đem đến phát tận tay cho người dân. Ảnh:. LK.

Khẩu trang do chị em phụ nữ xã Nghĩa An may được đem đến phát tận tay cho người dân. Ảnh:. LK.

Chị Lê Hoàng Thị Trang Lệ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa An có 6 tổ với hơn 60 chị em phụ nữ tham gia phong trào may khẩu trang miễn phí. Hội đã huy động tất cả các máy may của hộ gia đình ở các thôn và thêm 2 cơ sở may trong xã để phục vụ công việc này.

Cũng theo chị Lệ, thì kinh phí mua vải chống khuẩn may khẩu trang được trích từ quỹ của Hội và biết được việc làm ý nghĩa này, rất nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ vải may, dây đeo và cả những chiếc khẩu trang y tế để cùng chung tay chống dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, kể cả số lượng khẩu trang y tế mà Hội kêu gọi ủng hộ và khẩu trang chị em trong xã tự may thì Hội cũng đã phát được hơn 10.000 chiếc khẩu trang đến cho người dân trong xã và những vùng đang bị cách ly của tỉnh Quảng Ngãi.

“Hầu như tất cả các hộ gia đình trong xã chúng tôi đều đã được phát khẩu trang miễn phí với trung bình mỗi nhà 3 cái. Sắp tới đây, với những vùng nào người dân đang cần thì chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi chị em may để ủng hộ. Tất cả vì mục tiêu vượt qua đại dịch”, chị Lệ nói.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.