| Hotline: 0983.970.780

Mấy ý kiến về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể

Thứ Tư 07/02/2024 , 09:30 (GMT+7)

Để thấu hiểu một di sản văn hóa là cả một quá trình lâu dài của cả cộng đồng. Sự thấu hiểu này diễn ra mãi mãi cùng sự tồn tại của cộng đồng đó.

Hàng năm, chúng tôi vẫn tổ chức lực lượng sinh viên đi tìm hiểu, kiểm kê các di sản văn hóa tinh thần (phi vật thể) và thể hiện thành các niên luận, khóa luận, luận văn khoa học để sinh viên thực hành tập sự nghiên cứu. Bản thân tôi, cũng như nhiều người đam mê khác, vẫn ba lô con cóc đi nhiều vùng miền để tiếp cận, ghi chép, thực hành các di sản.

Bằng kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy có những vấn đề cần trao đổi về công việc khó khăn này.

Theo tinh thần công ước của UNESCO về trách nhiệm đối với di sản đã được ghi danh thì có 4 điểm cần được lưu ý.

Đó là cần: Thấu hiểu - Bảo tồn - Phát triển - Quảng bá.

Đó là 4 công việc cần tiến hành đồng bộ đối với một di sản dù là di sản đại diện hay di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức UNESCO là đảm bảo một thế giới đa dạng về văn hóa, cũng như cần đa dạng về sinh thái vậy. Họ ghi danh di sản cũng đồng thời là trao trách nhiệm cho chủ nhân di sản đó. Nhiều người quan niệm đó là “vinh danh” và tất yếu, với thói háo danh đang lan tràn, thì dẫn đến việc “chạy” di sản như là một yếu tố phi văn hóa.

Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Công việc thứ nhất: Thấu hiểu

Để thấu hiểu một di sản văn hóa là cả một quá trình lâu dài của cả cộng đồng. Sự thấu hiểu này diễn ra mãi mãi cùng sự tồn tại của cộng đồng đó. Không bao giờ là xong việc cả. Trong một thiết chế văn hóa ở cấp độ quốc gia, có các cơ quan nghiên cứu, có các chuyên gia được đào tạo và có cả những người đam mê tìm hiểu tự nguyện. Trên thế giới, các lý thuyết, các trường phái nghiên cứu văn hóa hình thành và mãi mãi đi tìm con đường để thấu hiểu, tiệm cận đến thực tiễn.

Không thể nói là đã thấu hiểu xong một di sản. Và cũng như, không ai được phép nói, tôi đã thấu hiểu hết di sản đó.

Chúng tôi đã chứng kiến có nhiều di sản mà về nguồn gốc, quá trình phát triển, giá trị văn hóa… chưa được hiểu sâu sắc, cặn kẽ. Thậm chí, để “vinh danh”, những người “chạy di sản” có thể đưa ra những thông tin không đúng với sử thực và hiện trạng. Chỉ ra điều này là không khó khăn gì khi tiếp cận hồ sơ nhiều di sản. Nhưng ở Việt Nam, để trôi việc, người ta thường ứng xử kiểu “chín bỏ làm mười”.

Có cái sai vì khó khăn về tư liệu, có cái sai về tư tưởng và mục đích của sự thấu hiểu, có cái sai về cực đoan hóa một phương pháp tiếp cận, có cái sai vì quá trình tổ chức nghiên cứu, có cái sai vì trình độ người nghiên cứu…

Vậy con đường là chung lưng đấu cật lại, luôn luôn phản biện và cộng tác để ta tiếp cận di sản tốt hơn. Vì điều này quan hệ vô cùng mật thiết với cả 3 công việc sau.

Công việc thứ hai: Bảo tồn

Bảo tồn cái gì và bảo tồn như thế nào?

Khái niệm văn hóa tối thiểu có những nội hàm như sau: Điều kiện văn hóa (tự nhiên và xã hội), hành động văn hóa, thành tựu văn hóa (vật chất và tinh thần), giá trị văn hóa (bao hàm ứng xử văn hóa), bản sắc văn hóa, quá trình văn hóa.

Khi tiếp cận văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần, chúng tôi rất e ngại dùng khái niệm “gốc” hoặc “nguyên”. Ngay cả với văn hóa vật chất, khái niệm “mẫu vật gốc” cũng được dùng trong tính tương đối khi so với các thác bản trưng bày.

Một kỷ niệm khi cùng Nghệ sĩ ưu tú Vũ Tự Lẫm thăm hỏi nhạc sĩ Hồng Thao tại Suối Hoa, Bắc Ninh vào năm 1991. Ông là một người ghi quan họ đáng tin cậy nhất mà tôi biết. Khi tôi muốn xin ý kiến của nhạc sĩ về “mươi bài quan họ gốc”. Ông cười mà rằng: “Bạn hỏi đùa thử tôi đấy à? Làm gì có khái niệm “quan họ gốc”. Chỉ có khái niệm “quan họ cổ” chúng ta đặt ra để chỉ những bài hát đã lưu hành từ 1945 trở về trước và một số bài gần đây do nghệ nhân lão luyện đặt lời hoàn toàn theo truyền thống cổ xưa, được nhân dân lưu truyền rộng rãi”.

Với nhiều di sản gắn với âm nhạc truyền thống khác, sự bảo tồn sẽ phải hướng đến bài bản cổ, có giá trị, mang bản sắc.

Không có khái niệm “bảo tồn nguyên trạng” hoặc “bảo tồn bản gốc”. Tính quá trình của văn hóa khiến chúng ta không thể ngược nguồn về thời gian, không thể tái hiện y xì không gian và điều kiện cho di sản.

Biết đâu là gốc, là nguyên trạng khi làng này hát khác làng kia, hôm trước và hôm sau thôi, nghệ nhân hát đã khác đi (kinh nghiệm đi học hát của diễn viên khóa 1 quan họ và kết quả ghi âm, ký âm của nhạc sĩ Hồng Thao).

Vậy, trong chọn lọc đời thường, những gì mang giá trị thường được nhiều nơi thừa nhận và sót lại qua thời gian. Và chính những giá trị đó mới là điều cốt lõi làm nên bản sắc của di sản.

Trong một di sản được ghi danh, người ta ưu tiên tính bản sắc là hàng đầu. Vì vậy, trên thực tế diễn xướng, có những yếu tố phi giá trị. Việc bảo tồn phải chọn lọc. Ví dụ như trong Di sản Thực hành tín ngưỡng Mẫu Tam phủ được UNESCO ghi danh, trong đó chứa đựng yếu tố mê tín và buôn thánh bán thần. Không chỉ bây giờ mà từ xưa nhân dân đã phản ứng lại. Không một xã hội phát triển nào lại cổ vũ, làm sống lại mê tín cả. Họ hướng tới khoa học, kỹ thuật, nhân văn. Nhiều người coi sự ghi danh của UNESCO là sự “chính danh” cho hành vi mê tín. Cái đó đi ngược với pháp luật Việt Nam.

Có nhiều phương pháp để bảo tồn ứng với nhiều mục đích. Ghi chép, mô tả, chụp ảnh, quay phim, đào tạo, phục dựng, tái trình diễn… Tất cả đều trải qua quá trình thấu hiểu chín chắn, quá trình thẩm định giá trị và khẳng định bản sắc. Và một điều không thể thiếu là tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đi điền dã bất cứ nơi đâu, gặp các câu lạc bộ hoặc các nghệ nhân, câu chuyện đầu tiên là “tiền đâu”. Thật buồn. Chúng tôi thấy, các nghiên cứu xưa nay của ta, rất giỏi về ngữ văn, âm nhạc, trình diễn… nhưng ít đề cập đến nguồn lực kinh tế nào để một di sản vượt qua thử thách mà tồn tại lâu dài tạo nên truyền thống.

Tùy từng di sản, nhưng một kinh nghiệm Bắc bộ là ruộng đất. Đó là một ứng xử phù hợp với điều kiện ngày xưa và không phải là không trao truyền kinh nghiệm đến hôm nay với phương thức khác đi. Mỗi giáo phường được sở hữu một số ruộng đất nào đó (từ nhiều nguồn khác nhau), họ canh tác, thu hoa lợi và có nghĩa vụ tập luyện, duy trì, trình diễn theo thỏa thuận. Khi không duy trì được, họ bán quyền hát, cũng có nghĩa bán quyền sở hữu phần ruộng đất đó cho nhóm khác.

Chúng ta bây giờ có kinh phí rót từ công quỹ cho các di sản. Nhưng thường là qua rất nhiều cấp, khi đến với các câu lạc bộ thường là hiện vật. Có nơi không cần cũng cấp với “giá thỏa thuận”. Dăm bữa nửa tháng là hỏng. Xong.

Tại sao lại không là một gói tín dụng ứng với giá vài mẫu đất hiện nay? Họ sẽ duy trì được nhờ tiền lãi trên đó gửi ở ngân hàng. Tiền ở ngân hàng vẫn là tài sản quốc gia. Không duy trì được thì họ phải “bán” quyền cho câu lạc bộ khác đủ khả năng. Như xưa thôi. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ.

Công việc thứ ba: Phát triển và phát huy

Sự bảo tồn gắn chặt với sự phát triển. Không thể tách rời.

Mọi nội hàm của khái niệm văn hóa đều mang tính quá trình của nó. Có nghĩa là nó luôn luôn vận động trong thời gian và không gian, luôn luôn tiếp biến, tích tụ, thay đổi và phát triển. Mỗi thời điểm ta chứng kiến chỉ là một lát cắt mỏng trong sự vận động miên trường của nó. Và tương lai vẫn vậy.

Sự phát triển vừa tự phát vừa có sự điều khiển của thiết chế văn hóa quốc gia.

Sự phát triển là hết sức đa dạng, đặc biệt trong thời kỳ hiện đại. Mọi loại hình nghệ thuật đều tham gia vào sự phát triển trên cốt lõi bài bản cổ, giá trị và bản sắc.

Ngữ văn, âm nhạc, vũ đạo, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, truyền thông mạng… đều tham gia vào sự phát triển này.

Có mấy động thái phát triển qua sự quan sát thực tế:

Phát triển về môi trường diễn xướng: Từ đồng ruộng vào ngõ làng, sân đình, gia đình, hội trường, sân khấu, trận địa, đài phát thanh, truyền hình…

Phát triển công năng: Từ lao động sang nghi lễ, từ nghi lễ sang trò chơi, từ trò chơi sang vũ đạo, từ vũ đạo sang sân khấu, từ sân khấu sang truyền hình... Cái này là quy luật.

Phát triển phương thức trình diễn: Từ hát đơn sang hát tốp, từ hát chay sang hát có trang âm, từ không nhạc đến có nhạc.

Phát triển từ tiếp biến văn hóa: Chuyển làn, chuyển điệu, bổ sung làn điệu, lời ca vào hệ thống của di sản.

Phát triển sáng tác: Đặt lời cổ, đặt lời mới, sáng tác ca khúc mang phong cách truyền thống, sáng tác sân khấu mới trên tích cổ, vận dụng mọi yếu tố di sản vào các loại hình nghệ thuật khác…

Quá trình này là bất tận, đặc biệt trong sự phát triển tự phát của nhân dân. Với thiết chế văn hóa, họ có trách nhiệm hướng đạo về chuyên môn để sớm đi đến những thành quả có giá trị và mang bản sắc. Trong quá trình phát triển đó, những gì tốt đẹp sẽ tồn tại lâu dài và lại trở thành truyền thống cho mai sau.

Với một di sản, không e ngại sự phát triển vì đã là di sản thì nó vốn đã có “cơ địa” vững bền trải qua thử thách thời gian rồi. Tính bao dung của một di sản là rất mạnh mẽ, nó có thể “tiêu hóa” nhiều tài nguyên tinh thần khác nhau để làm phong phú cho mình.

Công việc thứ tư: Quảng bá và truyền thông

Quảng bá là để mọi người trên thế giới được hưởng thụ những giá trị văn hóa, đặc sắc văn hóa của nhau. Số người hưởng thụ văn hóa nghệ thuật từ các di sản lớn gấp nhiều lần số người hưởng thụ qua nhà hát chuyên nghiệp.

Nhưng với tư cách một cộng đồng chủ thể di sản, sự quảng bá nhằm tôn vinh nhân phẩm, tài năng, giá trị của di sản đó, nhằm đạt đến những biểu tượng cho văn hóa một quốc gia, một địa phương. Trong việc này, nên chọn phương án “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Trình diễn mà.

Một cuốn tiểu thuyết không được đọc là không có cuốn tiểu thuyết đó. Một vở kịch không được diễn là không có vở kịch đó. Di sản phải được trình diễn, quảng bá trong xã hội.

Trong các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, hiện nay, chúng tôi thấy Di sản Hát quan họ đang là di sản đang tồn tại một cách thuyết phục nhất. Về sự thấu hiểu, đó là hệ thống dân ca được nghiên cứu lâu dài và có kế hoạch nhất. Về sự bảo tồn, với việc thành lập sớm Đoàn Quan họ (cuối năm 1968 đầu năm 1969, trước đây gọi là Tổ Quan họ) với cách học truyền miệng trực tiếp từ các nghệ nhân đầu thế kỷ XX ở tất cả các làng trong vùng nên bài bản được lưu giữ phong phú. Về sự phát triển, quan họ được trải qua nhiều thể nghiệm các loại hình khác nhau nhất. Về quảng bá, từ sớm đã tham gia vào tiến trình văn hóa kháng chiến chống Pháp đến ngày nay trên mọi phương tiện truyền thông và vươn ra nhiều nước trên thế giới.

Từ tương truyền 49 làng quan họ cổ xưa, hiện nay, trên đất Bắc Ninh có đến hơn 300 nhóm, câu lạc bộ đang hoạt động (chưa kể các câu lạc bộ trên cả nước và nước ngoài). Ủy ban Nhân dân tỉnh đầu tư trên mọi mặt, mỗi làng hát quan họ loại 1 có thể được số kinh phí trên 6 tỷ để xây nhà tập hát quan họ (ngày xưa gọi là “nhà chứa”, chúng tôi đề xuất tên gọi là “ca đình”). Hiện nay, 15 làng đã xây xong ca đình của mình.

Từ một miền quê mà những năm 1960 đến 1970, hầu như sinh hoạt hát quan họ dân gian chỉ còn âm ỷ thì nay đã bùng phát mạnh mẽ.

Đây là một hiện tượng cần chúng ta thấu hiểu hơn nữa. Mỗi thời, di sản có tiếng nói riêng của mình. Và một điều chắc chắn là: Hôm nay sẽ là truyền thống cho mai sau.

  • Tags:
Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.