Cuốn “Lịch cổ truyền Việt Nam” có nội dung mê tín dị đoan. |
Bóc từng tờ lịch mà coi
Trong cuốn “Lịch cổ truyền Việt Nam” của 2 tác giả Nguyễn Công Việt và Bùi Bá Quân, khi xem đến phần “Ứng dụng biên soạn lịch năm Kỷ Hợi 2019”, chúng tôi ngạc nhiên về những nội dung mê tín dị đoan trong này. Trong suy nghĩ của chúng tôi, đây không còn là ấn phẩm nghiên cứu khoa học của một nhà khoa học, được một nhà xuất bản trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cấp phép, mà phần ứng dụng này giống như những cuốn lịch vạn sự vẫn được bày ê hề ở các dãy thúng mẹt trước các cổng đền chùa. Xin dẫn một số ví dụ ở các trang gần nhất trong tháng 7 năm 2019 (tháng 6 năm Kỷ Sửu):
Ngày 4/7/2019, Thứ Năm, mồng 2/6 Kỷ Hợi (trang 373).
Hợp: Hội họp thân hưu, nhập học, đính hôn, kê gường (?), dệt may, ủ men nấu rượu, khai trương, ký kết hợp đồng, thu nạp tài vật, mở kho xuất hàng, gieo trồng, mua gia súc, cải táng, xây mộ.
Không hợp: Thiết lập đàn tràng, cầu phúc, cầu tự, xuất hành, khám bệnh, kiện tụng, khơi mương máng.
Ngày 6/7/2019, Thứ Bảy, mồng 4/6 Kỷ Hợi (trang 374).
Không hợp: Khám bệnh, mở kho xuất hàng, kiện tụng, đánh cá, đi tàu thuyền, an tang.
Ngày 8/7/2019, Thứ Hai, mồng 6/6 Kỷ Hợi (trang 375).
Không hợp: … khám bệnh, khám chữa bệnh về mắt, châm cứu, … cải táng, xây mộ.
Cuốn lịch xúi giục bạn đọc không đi khám bệnh vào ngày "không hợp". |
Nhiều nội dung xúi dại người đọc đi ngược với thuần phong mỹ tục và tiến bộ xã hội. Ví dụ như tháng 6 âm lịch là mùa mưa, từ cổ chí kim tới nay người Việt không đụng tới mồ mả, vậy mà các tác giả đi xúi người đọc “cải táng”. Khi sức khỏe con người có những triệu chứng bất thường thì phải tới bệnh viện để khám chữa bệnh thì các tác giả cho rằng đó là ngày không hợp với khám bệnh và chữa bệnh. Điều này trái ngược hoàn toàn với tinh thần “việc vận dụng các tri thức cổ truyền vào cuộc sống hiện đại cần có sự điều chỉnh linh hoạt sao cho phù hợp với điều kiện mới” như các tác giả đã viết (trang 294).
Học thuật và văn hóa ở đâu?
Chúng tôi không thể hiểu nổi gần 200 trang sách chiếm gần nửa nội dung cuốn sách được cho là “Lịch năm Kỷ Hợi 2019 đảm bảo tính chính xác, khoa học, đáp ứng yêu cầu của học thuật và văn hóa” (trang 293) thì học thuật và văn hóa ở đâu? Thậm chí, trong Lịch năm Kỷ Hợi 2019 các tác giả còn bổ sung một số “Thần sát” nhằm mục đích “tăng giá trị học thuật và văn hóa của cuốn lịch, đồng thời tăng thêm tiêu chí để khẳng định một ngày là “nghi” hay “kỵ” đối với từng việc cụ thể” (trang 294). Chúng tôi thiết nghĩ, đó là gia tăng tuyên truyền mê tín dị đoan thì đúng hơn.
Khoan giếng cũng cần xem ngày, điều này xuất hiện trong ấn phẩm của cơ quan xuất bản trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. |
Vào năm 805, đời nhà Đường, khi đưa đám tang vua Đức Tông, vua kế vị là Đại Tông thấy xe tang không đi vào đường chính, lại đi chếch hướng giữa Đinh và Mùi. Thấy lạ, Đại Tông liền hỏi. Hữu ty tâu lên: Vì nhà vua Đức Tông vừa băng tuổi Ngọ nên phải đi chếch chứ không đi đường chính. Đại Tông nói: Không nên rước linh giá đi trái đường để mưu lợi ích cho mình. Sau đó, nhà vua sai cứ theo đường chính Ngọ mà đi.
Trước đó, vào năm 630, vua Đường Thái Tông nói với quần thần: Ta từng nghe nói sĩ thứ trong kinh thành cư tang cha mẹ, có người tin vào lời của Vu thư, ngày Thìn không khóc, rồi từ chối viếng thăm, trì hoãn đau buồn. Nhà vua cho đó là trái với tình người.
Người xưa sống trước chúng ta hơn 1.000 năm còn tân tiến đến thế. Vậy mà nay, nhân chuyện soạn sách nghiên cứu về Lịch cổ truyền, người ta đã đem chuyện mê tín dị đoan núp bóng tuyên truyền trong xã hội bằng một ấn phẩm chính thức của cơ quan xuất bản trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo NNVN, ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: “Khi tôi còn làm công tác quản lý Nhà nước, tôi có quan điểm không nên đưa ra các khuyến nghị về ‘không hợp’. Bởi vì cái ‘không hợp’ ấy chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Ví dụ, họp Quốc hội mà lại khuyên không nên xuất hành vào ngày đấy thì các đại biểu Quốc hội phải đi trước à? Hay như có người nói, đang đau ruột thừa mà xem lịch thấy kiêng khám chữa bệnh thì ngày mai phải về âm phủ ngay. Ai kiêng kỵ gì cái đấy. Tại sao bây giờ cơ quan quản lý xuất bản họ lại cấp phép cho thoải mái như thế nhỉ?”.
“Lịch cổ truyền Việt Nam” của 2 tác giả Nguyễn Công Việt và Bùi Bá Quân. |
Điều 10, Luật Xuất bản năm 2012 quy định: Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung mê tín dị đoan. Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Điều 20, khoản 2, quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi phổ biến thông tin mê tín dị đoan. Hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề biên tập từ 1 đến 3 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm.
Nội dung cuốn “Lịch cổ truyền Việt Nam” gồm 4 phần: Phần 1 trình bày khái lược về Lịch cổ truyền Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm; phần 2 là một số nội dung cơ bản của Lịch pháp cổ truyền; phần 3 khái quát một số nội dung liên quan cần thiết trong Lịch pháp cổ truyền và phần 4 giới thiệu, tuyển dịch một số văn bản Lịch cổ truyền. Đặc biệt, phần tuyên truyền mê tín dị đoan nằm trong nội dung gần 200 trang cuối của cuốn sách (từ trang 293 đến trang 475) với tên gọi ứng dụng biên soạn Lịch năm Kỷ Hợi 2019.
Tác giả Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), PGS.TS chuyên gia nghiên cứu về ấn chương trong lịch sử Việt Nam. ThS. Bùi Bá Quân, công tác tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc (ĐHQG Hà Nội).