Từ bao đời nay, khi lúa trên nương đã vào kho, ngô trên núi đã đưa về nhà cũng là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi may váy, thêu hoa… Bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành đều biết se lanh dệt vải, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Khi đi lấy chồng, mỗi cô gái phải tự tay may cho mình một chiếc váy để mặc trong ngày cưới. Việc se lanh, dệt vải còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức của cô gái.
Những năm qua, du lịch ở Mù Cang Chải phát triển mạnh, nhiều chị em đã tính tới tạo ra sản phẩm bán cho du khách để tăng thu nhập và quảng bá văn hóa dân tộc mình. Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Chế Cu Nha được hình thành từ năm 2018 với 23 thành viên, đây không chỉ là nơi sản xuất mà còn là điểm khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và là nơi trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của nhiều du khách ưa khám phá.
Tại đây, chuyên làm thủ công các sản phẩm thổ cẩm như váy áo, túi sách, chăn và các vật dụng trang trí. Mỗi sản phẩm đều mang đậm dấu ấn văn hóa của người Mông với hoa văn phong phú và màu sắc rực rỡ.
Chị Lý Thị Ninh, tổ trưởng tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Chế Cu Nha chia sẻ, hiện nay các thành viên trong tổ thường nhận nguyên liệu về nhà để tự làm. Để tạo ra những sản phẩm hay bộ trang phục độc đáo phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay từ trồng lanh, xe sợi, in sáp, nhuộm chàm và thêu thùa.
Hàng năm, cứ đến tháng 3, tháng 4 đồng bào dân tộc Mông nơi đây bắt đầu gieo trồng cây lanh, đến tháng 8, tháng 9 bắt đầu thu hoạch. Cây lanh được bà con đem ra phơi nắng cho khô rồi mới tước thành sợi, sau đó được đưa vào cối giã mềm, cuốn thành từng cuộn tròn. Tiếp đến, đem cho vào nồi luộc đi luộc lại nhiều lần đến khi thấy sợi lanh mềm và trắng sẽ mang ra phơi nắng cho khô, rồi chia sợi và dệt vải.
Để hoàn thiện một bộ trang phục hoàn chỉnh phải cần nhiều thời gian, nếu làm thường xuyên sẽ mất từ 3 - 4 tháng, nếu tranh thủ lúc nông nhàn phải cả năm mới xong một bộ váy áo. Những bộ trang phục mới sẽ được mặc trong dịp trọng đại như cưới hỏi, dịp tết và mùa lễ hội.
Hiện nay, tổ hợp tác Dệt thổ cẩm được chính quyền huyện Mù Cang Chải bố trí tại một khu vực rộng rãi nằm ngay khu vực trung tâm xã Chế Cu Nha và gần các điểm tham quan ruộng bậc thang. Chính vì vậy, nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến đây đã đến tham quan, trải nghiệm và mua hàng lưu niệm tại các gian hàng.
Nhiều du khách nước ngoài còn dành cả buổi để trải nghiệm quy trình dệt thổ cẩm, trực tiếp tham gia vào các công đoạn dệt vải, vẽ tranh sáp ong trên vải. Sau đó được chị em giúp giặt sạch và thêu hình hoa văn lên tấm vẽ để khách du lịch mang về làm kỷ niệm.
Chị Takada Yuka người Nhật Bản, (tình nguyện viên của tổ chức JICA, đến Mù Cang Chải hỗ trợ người dân làm du lịch) cho biết, chị đã đến đây được một năm, thấy hoạt động tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Chế Cu Nha rất hay và có thể phát triển để làm du lịch, tăng thu nhập. Trong một năm qua, chị đã tư vấn giới thiệu khoảng 80 du khách Nhật Bản đến đây. Gần như ai cũng rất thích trải nghiệm văn hóa dệt may của những người phụ nữ người Mông.
Trước đây, chị em chỉ dệt vải, may thêu váy áo, những sản phẩm này có giá trị cao, trung bình từ 2-3 triệu đồng, bộ đắt cả chục triệu, khách du lịch thường chỉ thuê mặc để chụp ảnh nên không mấy khi bán được. Sau đó, Yuka đã tư vấn và hướng dẫn cho các chị em làm những món lưu niệm như hoa tai, dây buộc tóc, gối đầu, móc khóa, tranh thổ cẩm, đồ lưu niệm... Đã có nhiều du khách thích thú với những món đồ này, họ đã mua làm kỷ niệm và làm quà tặng cho người thân. Từ đó, giúp cho tổ hợp tác ngày càng đa dạng sản phẩm, thu nhập ngày càng tăng.
Chị Hong Hong một du khách người Trung Quốc chia sẻ: “đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, phong cảnh ở đây thật kỳ vĩ, những con người ở đây cũng thật dễ mến. Công việc của họ tỉ mỉ và công phu, nếu không được tận tay thử làm thì không thể hiểu vì sao họ dệt ra được những chiếc váy lộng lẫy nhiều màu sắc như thế. Những món đồ nhỏ bé thật xinh đẹp, tận mắt chứng kiến các cô gái làm thủ công mới thấy thật kỳ công. Tôi đã mua những bông hoa tai thổ cẩm rất đẹp về làm quà cho gia đình”.
Năm 2024 này, tổ hợp tác của chị Ninh được các ngành chức năng của huyện hỗ trợ thủ tục thành lập hợp tác xã (HTX) với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất và dệt may các sản phẩm chuyên nghiệp hơn, tổ chức quảng bá, giới thiệu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Bên cạnh đó, HTX sẽ chú trọng việc đào tạo và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Điều này giúp duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm và tạo ra nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ là trang phục mà còn là câu chuyện về lịch sử, phong tục tập quán và đời sống của người Mông, mang lại giá trị văn hóa sâu sắc cho cả cộng đồng và du khách trong và ngoài nước.