Theo tiến sĩ Hồng, thời gian vừa qua tình trạng các hành vi không đẹp tại các địa điểm tâm linh ngày càng nhiều và phản cảm là do sự thiếu hiểu biết, mê tín thái quá của một nhiều người.
- Bà nhận xét thế nào về tình trạng cúng bái, đốt vàng mã, chen lấn, tranh cướp nhau xin lộc thời gian qua?
Tôi cho rằng nhiều người mang tâm lý thực dụng của người đời vào chốn tâm linh vốn dĩ thanh bình. Ví dụ như hoạt động khai ấn đền Trần thực chất là một hoạt động hành chính thời phong kiến và được người dân tại đây tiến hành để tưởng nhớ. Hiện nay, hoạt động này lại trở thành một lễ hội để “phát ấn” là hoàn toàn sai lầm về ý nghĩa.
Đông đảo người dân dự Lễ khai Ấn đền Trần Nam Định tết Đinh Dậu 2017. (Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức) |
Vì có hoạt động lễ hội nên nhiều người mang tâm lý xin được ấn sẽ được may mắn chứ không hoàn toàn là vì muốn thăng quan tiến chức. Tình trạng mua bán ấn và các tệ nạn xung quanh cũng phát triển.
- Ý bà nói đến việc năm nào cũng xuất hiện cảnh tranh cướp ấn ở đền Trần, Nam Định?
Cần hiểu đúng ý nghĩa của ấn đền Trần. Và như tôi đã nói, lễ hội phát ấn đã bị hiểu sai ý nghĩa. Theo các tài liệu lịch sử, vào những năm kháng chiến chống nhà Nguyên Mông năm 1258, nhà Trần thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” lui về khu vực Thiên Trường, Nam Định. Nơi đây trở thành kinh đô thứ 2 của Đại Việt, và là nơi diễn ra mọi hoạt động hành chính.
Sau thời gian phong ba bão táp, nhiều biến động lịch sử, chiếc ấn của nhà Trần bị mất, năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại chiếc ấn. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo" (bảo vật của triều Trần), ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" (chuyện của triều Trần) để nhắc lại tích cũ. Từ đó lễ khai ấn đền Trần được diễn ra thường niên vào rằm tháng Giêng hàng năm, cụ thể là lúc 11h đêm ngày 14 đến 1h sáng ngày 15. Ấn được chuyển từ đền Thiên Trường sang các đền Cố Trạch và Trùng Hoa với mong muốn quốc thái dân an, mùa vụ tươi tốt.
Đây hoàn toàn là một hoạt động tưởng nhớ nên tổ chức thành lễ hội là không hợp lý. Không chỉ lễ hội khai ấn đền Trần, nhiều lễ hội tại Việt Nam đang tổ chức sai mục đích, ý nghĩa. Ví dụ như “cướp phết” Hiền Quan, một buổi lễ hội có 2 phần là “lễ” và “hội”, theo truyền thống sau khi làm xong phần lễ cần tổ chức phần hội với những hoạt động mang tính chất “hoạt náo”, giúp tăng không khí vui vẻ, gắn kết cộng đồng.
Người ta thường nói “vui như hội” là vì thế. Nhưng hiện nay, phần hội đang bị biến tướng, tình trạng tranh cướp giành giật vì nghĩ nếu giành được sẽ có sự may mắn. Theo tôi, đây cũng là suy nghĩ sai lầm cần phải lên án và loại bỏ khỏi đời sống văn hoá và tâm linh. Người Việt có câu "vui phết", chính là dạng giản lược của nguyên gốc là: "Vui như ra con phết".
- Theo bà, cần giải pháp nào để chấm dứt hiện tượng mê tín dị đoan này?
Rất nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, hành vi sai trái, “xấu xí” tại các điểm tâm linh trên cả nước chủ yếu do sự thiếu hiểu biết và tư duy sai lầm. Tôi cho rằng cần phải có những biện pháp xử lý hành chính nghiêm minh, thiết thực, có tính chất răn đe mới loại bỏ được tình trạng mê tín. Từ đó, những hình ảnh tiền vàng, gạo muối được rải khắp nơi trong đình, ngoài chùa mới giảm bớt. Chúng ta đã tuyên truyền, vận động quá nhiều rồi nhưng tác dụng không có nhiều.
- Chúng ta đã có chế tài, nhưng tại sao hiện tượng lạm dụng chốn tâm linh vẫn chưa chấm dứt, thưa bà?
Một năm tại Việt Nam có hơn 8000 lễ hội. Mỗi lễ hội lại mang những ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh riêng của từng vùng vì vậy không dễ để loại bỏ. Đặc biệt lễ hội còn đem lại những giá trị kinh tế, buôn bán, du lịch vì vậy không thể ngay lập tức cắt giảm.
Tôi rất ủng hộ đề xuất của giáo hội Phật giáo về việc không đốt vàng mã vì trên thực tế, đây là một hành vi mê tín chứ không có tôn giáo nào hướng con người đến hoạt động này. Thực chất đây là một hoạt động dị đoan xuất phát từ Nho giáo của Trung Quốc và lan toả dần sang Việt Nam, được tiếp nhận và bị biến tướng.
Hiện giờ, người Việt không chỉ đốt tiền vàng thông thường mà còn đốt cả những vật dụng như nhà lầu, xe hơi, iPhone, iPad… thậm chí có cả lái xe, người phục vụ. Đốt vàng mã không chỉ gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường mà không có giá trị trong văn hoá tâm linh. Nếu không cẩn thận có thể gây hoả hoạn, tiêu biểu như vụ cháy tại đền Mẫu, Lạng Sơn thời gian vừa qua, chưa kể đến các vụ tai nạn trong quá khứ.
- Ngoài đốt vàng mã, còn những hiện tượng mê tín nào cần loại trừ?
Không nói đâu xa, chúng ta có thể thấy ngay tình trạng “lạm phát” các hành vi mê tín trong thời gian vừa qua như cúng cá thần “ngoi lên, lặn xuống” tại Nghệ An, thắp hương khấn vái tại các tượng đá, gốc cây trong chùa… Đây vốn dĩ là tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” tốt đẹp của người Việt bị biến tướng.
Tôi thấy việc tin tưởng vào tất cả mọi thứ đều có linh hồn, đều có thể đem lại điều tốt lành khiến con người bấn loạn. Đánh mất đi tinh thần tự lực, tự cường, đây là một điều rất không nên. Cần có sự giáo dục, định hướng cụ thể để mỗi người có thể làm chủ số phận chứ không dựa dẫm vào thần thánh hay bất cứ điều gì.
Việc loại bỏ các hành vi mê tín cần thực hiện từng phần và bắt đầu từ hoạt động đốt vàng mã. Trước hết từ các khu vực đình, chùa… cần loại bỏ các khu vực đốt vàng mã, treo biển yêu cầu tiến tới xử phạt các hành vi cố tình thực hiện các hành vi cấm.
Để thực hiện được cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng từ bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương… xây dựng các quy định trong luật, thiết chế để tất cả người dân làm theo. Đồng thời các cơ quan truyền thông liên tục tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Có lẽ, không còn ngôi chùa, đền, thắng cảnh tâm linh nào nổi tiếng ở Việt Nam mà tôi chưa đến tìm hiểu. Tuy nhiên, vẫn không thể nào lý giải nổi tâm lý của người Việt với vấn đề tâm linh. Anh em bạn bè doanh nhân của tôi cũng kéo đến đền bà Chúa Kho đông như kiến cỏ, làm lễ rất to, cúng bái vay mượn làm vốn. Toàn người trí thức đông tây kim cổ đầy mình, khiến tôi không thể hiểu nổi. Tôi đã kiên trì đến ngôi đền này nhiều lần, gặp thủ nhang, người già trong làng, đặc biệt cả đầu năm lẫn cuối năm, để tìm hiểu, nhưng vẫn không thể cắt nghĩa được. Đầu năm đi vay thì chen như đến ngạt thở. Cuối năm trả lễ (làm ăn được), thì thấy vắng hoe. Vậy bà Chúa Kho linh thiêng chỗ nào? Tự cúng hoặc thuê cúng, đại loại: "Con xin Bà năm nay cho con vay 10 tỷ làm ăn. Cuối năm nhiều lộc lá con trả bà gấp năm gấp mười". Người Việt hay tin những câu nói rất tào lao "Trần sao, âm vậy", rồi tin có ma quỷ thánh thần, người chết vẫn ở thế giới khác, nên đốt vàng mã để gửi cho. |
PGS-TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, cho biết tục cúng sao giải hạn tồn tại từ lâu đời trong dân gian, có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Đến nay, tục này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi năm có một vì sao chiếu mệnh, trong đó có những sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch… Trong năm đó, con người sẽ dễ bị ốm đau, gặp phải chuyện không may, gọi chung là vận hạn. Để giải được hạn, cần phải dâng cúng sao. Ông Biền cho rằng khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn. “Tâm lý đám đông này dễ bị lợi dụng, dẫn dắt vào mê tín dị đoan. Khi người dân quá tin vào những điều thiếu cơ sở, ùa theo đám đông như thế thì đất nước sẽ khó phát triển”. Còn Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy- người phụ trách các hoạt động văn hóa lễ hội, khẳng định: “Nếu cúng sao mà giải được hạn thì chắc chắn không ai gặp nạn. Nếu dùng hình nhân thế mạng mà có thật thì làm gì có ai chết”. |