Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu vật tư nông nghiệp cao gần gấp đôi xuất khẩu. Một số vật tư đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất như phân bón, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi...
Bên cạnh cán cân thanh toán, vấn đề vật tư nông nghiệp còn để lại nhiều dấu hỏi về chất lượng. Giữa lúc toàn ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tuân thủ các quy trình canh tác thực hành nông nghiệp tốt, giúp nông sản đáp ứng với những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, thì việc kiểm tra, giám sát vật tư đầu vào càng trở nên cấp thiết.
Lạng Sơn, với vị trí cửa ngõ biên giới, thông thương với nhiều thị trường lớn, cũng là điểm trung chuyển của hàng hóa số lượng lớn, việc phòng chống, ngăn chặn và xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép nông sản, vật tư nông nghiệp càng trở nên quan trọng.
Dự báo vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tăng cao, dễ khiến tình trạng vi phạm liên quan đến các hàng hóa có giá trị, hàng hóa thiết yếu có xu hướng tăng.
Tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp kiểm tra công tác ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm giống, sản phẩm gia súc trái phép qua biên giới tại một số huyện.
Để xử lý vấn đề một cách quyết liệt, hiệu quả, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tại khu vực biên giới. Với mũi xung kích là lực lượng bộ đội biên phòng, các cán bộ, chiến sĩ đang từng phút, từng giờ bám dân, nắm bản để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Ông Phạm Tuấn Hùng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, đơn vị đã được cấp trên chỉ đạo bám sát tình hình. Đồng thời xây dựng nhiều kịch bản để điều hướng xe ra vào khu vực biên giới trong thời gian cao điểm.
"Chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng và chuẩn bị sẵn các kế hoạch, nhằm không để tình trạng ùn ứ xảy ra, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa", ông Hùng nói.
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Do đó, tỉnh Lạng Sơn cam kết, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm giống, sản phẩm gia súc trái phép qua biên giới.
Trong đó, tập trung vào các nhóm, mặt hàng có nguy cơ gian lận về trị giá, thuế suất cao. Đồng thời, tuân thủ quy trình nghiệp vụ trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục; áp dụng quản lý rủi ro toàn diện trên các lĩnh vực nghiệp vụ.
Công tác tuyên truyền cho nhân dân các xã giáp biên không tiếp tay cho các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu, đồng thời sử dụng vật tư nông nghiệp đúng quy định cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh.
Ông Lương Võ Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết, hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp cần sự chung tay của các cấp, các ngành và địa phương ngay từ lúc này, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời xây dựng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
"Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, nên việc nhập lậu trái phép giống vật nuôi trên địa bàn ngày càng có xu hướng giảm", ông Cường nhận xét.
Một trong những địa bàn được đánh giá phức tạp là huyện Cao Lộc. Với đặc thù huyện miền núi, có hơn 70km đường biên giới, lại có khoảng 85% dân số tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, nhu cầu về nguồn giống, vật tư nông nghiệp đầu vào tại đây là rất lớn.
Để người dân tự giác và "nói không" với các mặt hàng trái phép, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, UBND huyện Cao Lộc chủ trương thực hiện tuyên truyền qua nhiều kênh. Ngoài con đường văn bản từ huyện xuống xã và đến thôn, bà con còn có thể đón nhận thông tin qua kênh truyền thông của đài truyền hình huyện, đài phát thanh xã, hoặc qua hình thức họp khối phố, làng xóm.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh tin rằng, các hoạt động thiết thực lồng ghép tuyên truyền như vậy, sẽ giúp các thông tin "khô khan" trở nên dễ tiếp thu và đón nhận hơn với người dân.