“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời
Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng
Tìm em năm tháng thấy đâu hình bóng Nàng…”
Những ngày cuối tháng 5 năm 2024, các tiểu bang miền Tây của Hoa Kỳ thời tiết đã là cuối mùa Xuân... Ban ngày trời nắng hanh, bầu trời trong xanh cao vút, nhiệt độ đang ấm dần lên và những làn gió nhẹ thổi miên man. Trên khắp những nẻo đường nơi chúng tôi đi qua, cây cối đang đâm chồi nảy lộc, xanh tươi, căng đầy nhựa sống. Hoa muôn màu bung nở mời gọi ong bướm về hút mật thụ phấn cho một mùa trái ngọt lại sắp về. Thấp thoáng ẩn hiện sau những cánh đồng cỏ trên bình nguyên và thung lũng cao xanh ngút ngàn là hàng đàn bò rừng, hươu nai tha thẩn gặm cỏ, tìm kiếm bạn đời để nhân thêm số lượng trong tương lai…
Vào các buổi chiều tối và ban đêm trời vẫn khá lạnh, tùy thuộc vào địa hình và độ cao. Có những ngày nhiệt độ về ngưỡng gần 0 độ C, đủ lạnh để các thành viên trong đoàn chúng tôi ngồi xích lại gần nhau quanh lò sưởi bập bùng của sảnh khu nhà nghỉ đậm chất miền Tây hoang dã. Ở đó, chúng tôi đàm đạo về những trải nghiệm trong cả ngày đường xa học hỏi về kinh nghiệm quản lý các Vườn quốc gia và bảo tồn đa dạng sinh học của những Vườn Quốc gia (National Park) hàng đầu trên thế giới - Yosemite và Yellowstone của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ!
Đó là câu chuyện của đoàn đại biểu gồm hơn hai mươi nhà quản lý của của các đơn vị trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ NN-PTNT Việt Nam và ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, cùng tham gia chuyến công tác đến Hoa Kỳ.
Đa số chúng tôi đều lần đầu tới đất nước Hoa Kỳ, cũng như đi tham quan học tập về công tác quản lý các Vườn Quốc gia và bảo tồn đa dạng sinh học của nước bạn. Do vậy những cảm xúc và trải nghiệm lần đầu tới Hoa Kỳ và được thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên trong các Vườn Quốc gia đều thật tươi mới.
Lịch sử các Vườn Quốc gia của Hoa Kỳ hình thành từ rất sớm. Ngay từ khi đất nước Mỹ còn đang chìm trong hậu quả của cuộc Nội chiến (1861 - 1865), các nhà lãnh đạo, mà cụ thể là Tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ Ulysses S. Grant, đã ký Sắc lệnh “The Act of Dedication - Đạo luật Để dành” vào ngày 1 tháng 3 năm 1872 thành lập Vườn Quốc gia Yellowstone - vốn nổi tiếng là Vườn Quốc gia đầu tiên của Hoa Kỳ cũng như trên thế giới.
Từ đó tới nay, Hoa Kỳ đã thành lập và vận hành tổng số 58 Vườn Quốc gia trên khắp cả nước với tổng diện tích khoảng 338.000km², lớn hơn diện tích của cả Việt Nam. Trong số đó, Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia Wrangell - St. Elias ở tiểu bang Alaska là lớn nhất với diện tích khoảng 53.000km²; còn Đài tưởng niệm Quốc gia Thaddeus Kosciuszko ở tiểu bang Pennsylvania, chỉ có diện tích là 80m².
Để quản lý các Vườn và Đài tưởng niệm Quốc gia, vào năm 1916, Quốc hội Hoa kỳ đã ký Sắc lệnh thành lập Cục Vườn Quốc gia Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm quản lý mọi Vườn Quốc gia của Hoa Kỳ và là một đơn vị thuộc Bộ Nội vụ Hoa Kỳ.
Lịch sử hình thành các Vườn Quốc gia của Hoa Kỳ gắn với sự khai phóng về tư duy và ý chí sẵn sàng chấp nhận các khó khăn thách thức. Trải qua nhiều năm thuộc địa của thực dân châu Âu, thiên nhiên của các tiểu bang miền Tây của Hoa Kỳ cũng bị suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác thuộc địa và săn bắn của các ông chủ thực dân. Do các cuộc chiến tranh mở rộng thuộc địa và nội chiến, người dân bản địa da đỏ của Mỹ cũng bị xua đuổi khỏi vùng đất cha ông họ đã từng sinh sống trong nhiều nghìn năm.
Lấy một ví dụ về loài Bò Bắc Mỹ - Bison. Đây là loài thú có vú lớn nhất Bắc Mỹ và được coi là là con vật trung tâm của đời sống văn hóa, tâm linh của người dân da đỏ châu Mỹ bản địa, với số lượng ước tính khoảng 30-60 triệu con sinh sống trước giai đoạn thực dân châu Âu, thì tới năm 1886 chỉ còn khoảng 1.000 cá thể.
Chính vì vậy, từ khi hình thành nên các Vườn Quốc gia, Chính phủ Liên bang và các tiểu bang, cùng với các tổ chức phi chính phủ như WWF đã chung tay cùng với cộng đồng người dân da đỏ bản địa phục hồi và tái hoang dã những loài động vật đã hoặc đang ở bờ vực tuyệt chủng.
Một ví dụ rất thành công là tới nay số lượng bò Bison đã phục hồi về quần thể tới trên 45.000 con và sinh sống khắp khu vực Đại Bình nguyên của Hoa Kỳ, trải dài từ biên giới Canada tới tiểu bang Arizona. Những nỗ lực tái hoang dã thành công khác phải kể đến loài Chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ, loài chồn chân đen, cừu sừng lớn. Đây cũng là những ví dụ điển hình về sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của nước bạn…
Đoàn chúng tôi thật may mắn được đến thăm Vườn Quốc gia Yellowstone, Vườn Quốc gia đầu tiên trên thế giới, rộng tới 898.000ha (rộng bằng diện tích của cả 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) nằm trên địa phận của ba tiểu bang: Montana, Wyoming và Idaho.
Nhìn lại dòng lịch sử, vào năm 1872 không có chính quyền tiểu bang nào quản lý khu Vườn này, vì vậy chính phủ Liên bang Hoa Kỳ nhận quyền kiểm soát trực tiếp. Vườn Quốc gia Yellowstone được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với sự đa dạng sinh học và các hiện tượng địa nhiệt độc đáo, với 4.023km chiều dài của các con sông, trên 10.000 điểm nhiệt địa, 845 điểm di tích lịch sử, 27 bộ lạc gắn kết, 1.160 loài thực vật bản địa, 67 loài thú, 11 loài cá bản địa và 150 loài chim…
Chúng tôi cũng thăm Vườn Quốc gia Yosemite, ở phía Tây của dãy núi Sierra Nevada, tiểu bang California. Đây là Vườn Quốc gia thứ 3 được thành lập tại Hoa Kỳ sau Yellowstone và Seqouia. Khởi đầu là một công viên thuộc tiểu bang California, với khu vực đất của công viên được chính phủ Liên bang trao tặng cho tiểu bang vào năm 1864 để cùng nhau bảo tồn.
Sau này, Công viên Quốc gia Yosemite được giao trở về Chính phủ Liên bang quản lý. Vườn Quốc gia Yosemite được công nhận UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1984. Yosemite có diện tích khoảng 303.000ha, bao gồm nhiều địa hình và cảnh quan đa dạng, từ những thung lũng sâu thẳm, thác nước hùng vĩ, đến những rừng nguyên sinh và dãy núi đá hoa cương ấn tượng.
Vào một buổi sáng sớm, khi đạp xe từ khu nhà nghỉ đi vào phía Vườn Quốc gia Yellowstone, chúng tôi đã có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng Cổng vào của Vườn Quốc gia được xây dựng từ khi thành lập. Trên chiếc cổng đá hoa cương sừng sững của Vườn Quốc gia Yellowstone, có khắc dòng chữ: “For the Benefit and Enjoinment of the People” - được dịch là “Dành cho lợi ích và sự hưởng thụ của mọi người dân”.
Như vậy, ngay từ khi khởi đầu hình thành nên hệ thống Công viên Quốc gia, các nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ đã đặt người dân ở trung tâm của mọi hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Mục tiêu tôn chỉ này được tất cả các Vườn Quốc gia của Hoa Kỳ đưa vào trong quy chế hoạt động của họ.
Đặc biệt, trong các bài trình bày của Ban lãnh đạo các Vườn Quốc gia, họ đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản thiên nhiên không chỉ cho mục đích bảo vệ môi trường mà còn dành cho thế hệ hiện tại và tương lại được thụ hưởng những lợi ích và vẻ đẹp của thiên nhiên mang lại.
Chính vì vậy, các Vườn Quốc gia tự thân đã là một tài sản công dành cho mọi người dân; đó không chỉ là nơi để bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, mà quan trọng hơn là đưa như trách nhiệm bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm gần hơn với mọi người dân khi họ coi đó là một hình thức hưởng thụ tinh thần và dịch vụ môi trường thiết yếu của công chúng.
Với cách làm đó, các Vườn Quốc gia ở Hoa Kỳ trở nên gần gũi hơn với người dân, bao gồm các nhóm dân bản địa sống cùng trong Vườn Quốc gia lẫn công chúng tham quan. Tất cả mọi người đều tham gia vào công tác bảo tồn cho sự thụ hưởng của chính mình, cộng đồng mình và các thế hệ tương lai.
Tinh thần bảo tồn gắn với cộng đồng thấm đẫm qua những câu chuyện và những hình ảnh chúng tôi được chứng kiến trong chuyến tham quan. Nó gắn liền với các cán bộ kiểm lâm đang thực thi nhiệm vụ cũng như đã nghỉ hưu luôn tràn đầy năng lượng khi giới thiệu với chúng tôi về nơi họ đã gắn bó. Biết rằng ngôn ngữ là rào cản, song với tâm huyết của mình, họ đã hăng say kể những câu chuyện, những trải nghiệm về sự gắn bó và bảo vệ các giá trị của khu rừng này.
Chỉ từ một hành động nhỏ của cựu cán bộ kiểm lâm gần 70 tuổi cúi xuống nhặt rác trên đường trong khi vẫn tiếp tục kể các câu chuyện về lịch sử các công trình, các hoạt động đang diễn ra tại rừng, chúng tôi nhận ra Rừng đã là nhà, là gia đình, là niềm tự hào của họ.
Các Vườn Quốc gia cũng là nơi gắn bó của toàn thể người dân. Trong các cuộc trao đổi với Lãnh đạo Vườn Quốc gia Yosemite, trung bình hàng năm, họ đón hơn 10 triệu lượt khách tới thăm và mang lại một nguồn thu hơn 20 triệu USD (tương đương với 500 tỷ VND), chiếm gần 15% tổng ngân sách hoạt động của Vườn Quốc gia là 130 triệu USD (hơn 3.200 tỷ VND).
Trao đổi với các khách du lịch và hướng dẫn viên đoàn, chúng tôi được biết thêm rằng với người dân Mỹ, việc có một chiếc xe ô tô nhà di động (mobile home car) để cuối tuần cả nhà cùng đóng gói đồ đạc và lái xe vào một khu cắm trại ngủ đêm tại một Vườn Quốc gia, đã và đang trở thành trào lưu về với Mẹ thiên nhiên. Điều này cũng không còn là thứ quá xa xỉ đối với tầng lớp trung lưu và thanh niên Mỹ, bởi chi phí hợp lý và tính tiện nghi cho người du lịch cắm trại và trải nghiệm.
Cũng qua trao đổi với Ban lãnh đạo các Vườn Quốc gia chúng tôi biết rằng, Ban quản lý Vườn thu lệ phí vào cổng từ 3 đến 25 USD trên một xe ô tô cá nhân mỗi tuần. Du khách có thể mua vé tham quan liên - cơ quan liên bang trọn năm, được biết đến với cái tên là "America the Beautiful - National Parks and Federal Recreational Lands Pass" (tạm dịch là vé thông hành tham quan tất cả khu giải trí liên bang, Vườn Quốc gia - nước Mỹ xinh đẹp), cho phép vào cửa vô giới hạn tại những khu vực thu phí liên bang (Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ, Cục Vườn Quốc gia Hoa Kỳ, Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ, Cục Quản lý Đất Hoa Kỳ, và Cục Quản lý Nguồn nước Hoa Kỳ) với giá $80 một năm trên một chủ xe ô tô cá nhân.
Vé thông hành này chỉ áp dụng vào cổng mà thôi. Những lệ phí khác như cắm trại, vào khu vực phía sau miền quê cần phải trả thêm. Các công dân Mỹ trên 62 tuổi có thể mua mẫu vé tương tự với giá giảm là $10, và công dân tàn tật có thể nhận được vé miễn phí.
Trong quá trình đến thăm các Vườn Quốc gia, đoàn chúng tôi còn được biết đến sự tồn tại và phát triển của các Câu lạc bộ bạn hữu yêu thiên nhiên - Vườn Quốc gia rất phổ biến ở Mỹ. Đây chính là các tổ chức phi lợi nhuận đóng vai trò làm cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt, để họ quyên tặng tài chính cũng như thời gian cho các Vườn Quốc gia.
Hình thức quyên tặng cũng rất đa dạng, từ việc ký một tấm séc giá trị chỉ 10 USD, tới việc định kỳ hàng năm quyên tặng cho Vườn Quốc gia hoặc thậm chí để lại di chúc cả gia tài sau khi qua đời cho một Quỹ bảo vệ và Phát triển Vườn Quốc gia là khá phổ biến ở Hoa Kỳ.
Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ cho toàn nước Mỹ, song riêng đối với Vườn Quốc gia Yosemite, thông qua tổ chức Yosemite Conservancy, hằng năm, họ nhận được khoảng 15 triệu USD (tương đương 375 tỷ VND), chiếm khoảng 11% tổng nguồn thu của Vườn Quốc gia, từ các nguồn quyên tặng này.
Trong khi đó, Vườn Quốc gia Yellowstone, quyên góp qua tổ chức Yellowstone Forever là 3,5 triệu USD/năm. Điều quan trọng nhất là nguồn thu nhập này, Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia, thông qua hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, có thể lên kế hoạch và sử dụng vào các mục đích bảo tồn, cải tạo hạ tầng và cảnh quan phục vụ khách du lịch mà ngân sách Liên bang hay tiểu bang không cho phép hoặc thiếu hụt.
Đồng thời, Vườn Quốc gia luôn có cộng đồng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các hoạt động. Tại Vườn Quốc gia Yellowstone rộng lớn nằm trên 3 bang, với hơn 727km đường ô tô ở trong Vườn Quốc gia; 1170km đường mòn du lịch đã thu hút khoảng 4 triệu lượt khách/năm. Tổng số nhân viên của Vườn Quốc gia là 750 người nhưng có đến 540 tình nguyện viên.
Thật là ngạc nhiên với Đoàn chúng tôi, khi được biết ngay trong lòng thành phố San Francisco sầm uất, xinh đẹp và hiện đại, cũng có một Vườn Quốc gia mang tên cây cầu nổi tiếng Cổng vàng - Golden Gate. Ban Quản lý Vườn Quốc gia đã huy động được cộng đồng tình nguyện viên đông đảo, hàng năm đóng góp tới 25.000 ngày công lao động miễn phí cho Vườn.
Chính lực lượng tình nguyện viên này đã giúp phục hồi các khu vực bị bỏ hoang nhiều năm, nơi tụ tập của người lang thang và tội phạm của thành phố, biến nó thành một vườn thực vật nhỏ tươi xanh rất tuyệt vời ngay giữa đô thị. Chính những tình nguyện viên này cũng là những người tình nguyện hướng dẫn du khách, dọn vệ sinh môi trường và cả quyên tặng tài chính cho Vườn Quốc gia.
Vườn Quốc gia đã trở thành nơi công nhận, lưu giữ và quảng bá các giá trị văn hóa lâu đời của người dân bản địa sống trong rừng. Kể cả đối với nhiều người dân bản địa không còn sống trong rừng thì hằng năm họ vẫn tới các Vườn Quốc gia để tổ chức nghi lễ tôn giáo của mình, mỗi dịp này thu hút rất nhiều khách tham quan tới vườn.
Bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho các thế hệ tương lai thông qua các mô hình giáo dục cho trẻ em về rừng, về bảo tồn thiên nhiên để rồi mỗi công dân nước Mỹ lớn lên đã mang trong mình tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Trung tâm Naturebridge Khoa học Môi trường Quốc gia của Vườn Yosemite là một mô hình như thế. Nơi đây các trẻ em học sinh cấp 2 sẽ được ăn, ở, lưu trú tại vườn trong thời gian 2-3 tuần để học tập, trải nghiệm các công việc bảo tồn thiên nhiên.
Ngoài ra, công tác truyền thông, giáo dục môi trường tại các vườn luôn được chú trọng. Các Trung tâm Du khách, hệ thống bảng biểu, mô hình diễn giải ở các bảo tàng, các đường mòn thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được thiết kế, trình bày rất súc tích, khoa học và chuyên nghiệp. Khách du lịch khi tới thăm quan các vườn quốc gia có thể được ghi nhận hành trình bằng cuốn hộ chiếu vườn quốc gia.
Mỗi cuốn hộ chiếu sẽ có những thông tin cơ bản và những hình ảnh đẹp về vườn quốc gia – nơi bạn vừa tới. Hộ chiếu vườn quốc gia không chỉ ghi nhận chặng đường bạn vừa đi mà nó còn là sự cam kết của bạn với thiên nhiên, với bảo tồn giá trị đa dạng sinh học. Đặc biệt, các bạn nhỏ rất hào hứng khi được tận tay đóng dấu vườn quốc gia nơi mình đến.
Những buổi đi bộ trekking trong các Vườn Quốc gia Yosemite và Yellowstone, được đắm mình trong rừng cây Sequoia (cây Cự Sam) vài ngàn năm tuổi, ngắm nhìn những đỉnh núi cao hơn 2000m vẫn còn tuyết phủ dầy, những cánh rừng cây thông, bạch dương xanh ngút ngàn, cánh đồng cỏ bao la, những đại vực hùng vĩ hay vô số những dòng suối nước nóng phun trào, hay lắng nghe những thác nước cao vút ầm ào, ngắm nhìn những đàn bò rừng Bắc Mỹ Bison ung dung gặm cỏ, không hề sợ con người, những chú nai Sừng Tấm về kiếm ăn ngay trong khuôn viên nhà nghỉ B&B và vô vàn các chú chim đủ loại sà xuống kiếm ăn những mẩu bánh mì rơi vãi của khách du lịch, những buổi nghỉ trưa cả đoàn dựng bàn ăn dã ngoại ngay cạnh bờ suối, hay khuôn viên bãi cỏ của khu làm việc của Vườn Quốc gia, sẽ mãi là những trải nghiệm tuyệt vời cho cuộc sống và vì cuộc sống.
Đoàn chúng tôi kết thúc hành trình vượt Thái Bình Dương, sau khi di chuyển qua 4 tiểu bang của Hoa Kỳ từ California, tới Montana, Wyoming và Idaho chỉ trong chưa đầy 10 ngày, quả là vất vả về mặt thể chất, nhưng về mặt tinh thần thì đó là một trải nghiệm tuyệt vời, không thể nào quên.
Hành trình khám phá các Vườn Quốc gia của Hoa Kỳ chắc chắn để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đẹp về không gian rộng lớn bao la của nước Mỹ, về thiên nhiên tuyệt đẹp và những hệ sinh thái khỏe mạnh. Hơn nữa, những kiến thức thu thập được từ chuyến đi sẽ tiếp thêm nguồn động lực và cảm hứng cho mỗi cá nhân, đặc biệt những thành viên trực tiếp làm về công tác quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Chúng tôi mong rằng trong một ngày không xa, những nỗ lực chung của toàn hệ thống sẽ giúp bảo tồn và phát triển hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học phong phú và đẹp bậc nhất trên thế giới của Việt Nam!
Mong xanh mãi những ước mơ đồng xanh, rừng xanh, biển xanh. Xanh mãi đất trời Việt Nam!
“Ta yêu đồng xanh như đã yêu thương con người
Ta thương đôi tình nhân kia như gió thương yêu mây trời”…