| Hotline: 0983.970.780

Miền quê có nghĩa trang nhân dân đều tăm tắp

Thứ Bảy 30/04/2022 , 08:19 (GMT+7)

Hà Nội Đi nhiều nơi nhưng tôi chưa thấy ở đâu có những nghĩa trang nhân dân ngay hàng, thẳng lối, mộ đều tăm tắp như xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, TP Hà Nội…

Liên Mạc là vùng đất cổ gồm ba thôn như ba phần cơ thể thống nhất của một con ngựa, trong đó Xa Mạc là đầu, Yên Mạc là phần yên, Bồng Mạc là phần hông và đuôi. Nói thế để thấy rằng, chuyện đổi thay trong văn hóa mà nhất là văn hóa tâm linh ở đây thực sự là một cuộc cách mạng đáng kinh ngạc.

Anh Nguyễn Thanh Phong Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc, phụ trách mảng văn xã đồng thời cũng là người con của làng, dẫn tôi ra mục sở thị nghĩa trang thôn: “Trước đây dân họ xây mộ theo hướng được cho là “đẹp”, rồi xây cái to, cái nhỏ, cái cao, cái thấp, rất lộn xộn thậm chí còn không có lối đi vào để thắp hương nữa. Giờ đều phải xây đúng hướng, đúng kích cỡ chung hết, Xa Mạc là thôn đầu tiên trong xã khởi xướng lên việc làm này.

Nghĩa trang nhân dân thôn Xa Mạc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghĩa trang nhân dân thôn Xa Mạc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ý tưởng có từ những năm 2010, khi xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng chỉ thực hiện được từ năm 2015, khi bắt đầu có dự án phải di chuyển một số ngôi mộ ở nơi khác về nghĩa trang nhân dân thôn Xa Mạc. Những ngôi mộ cũ vô danh, khi di chuyển về đều làm theo mẫu mới, đúng hướng đã đành, còn những ngôi mộ cũ có danh về đã xây rồi, đã chọn hướng rồi nhưng sai, sau khi nghe chúng tôi tuyên truyền, thuyết phục, hỗ trợ một phần vật liệu lại chấn chỉnh theo đúng hướng, đúng kích cỡ.

Nguyên nhân, thứ nhất là do hương ước, thứ hai là do hội người cao tuổi thấy quỹ đất ngày càng ít nên ý thức được việc phải tiết kiệm, vận động người dân xây đúng hàng, đúng lối và đúng hướng. Ở nghĩa trang làng tôi, mộ cùng một kiểu, cùng loại đá, cùng màu sắc bởi tại xã có người chuyên làm dịch vụ từ hỏa táng đến xây mộ trọn gói.

Những ngôi mộ màu trắng là thanh niên chưa có gia đình bởi theo phong tục ở đây quan niệm họ còn trong trắng, còn mộ màu đen là người đã có gia đình. Vấn đề tâm linh, một khi đã đặt các “cụ” xuống đất rồi mà giờ lại muốn xoay hướng rất là khó khăn nhưng với sự vào cuộc của chính quyền, đưa ra nghị quyết từ xã đến triển khai sinh hoạt ở các chi bộ, đảng viên và nhân dân đều đồng thuận. Giờ cả ba thôn trong xã nghĩa trang nhân dân đều ngay ngắn, gọn gàng như thế này hết”.

Anh Nguyễn Thanh Phong Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc giải thích về ý nghĩa của việc sắp xếp nghĩa trang nhân dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Thanh Phong Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc giải thích về ý nghĩa của việc sắp xếp nghĩa trang nhân dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

 Để quản lý các nghĩa trang xã đã có quy chế, Ban quản lý các thôn hợp đồng giao cho người phụ trách quản trang theo quy định. Việc tang văn minh, không tổ chức ăn uống được thực hiện tốt, tỷ lệ hỏa táng đạt khá cao. Ý tưởng của lãnh đạo xã các đời trước đây và bây giờ là đang có quỹ đất 7 ha, sắp tới sẽ đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung của toàn xã.

Hết chuyện không gian của người chết, tôi lại cùng anh Nguyễn Văn Hữu-Phó chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế đi xem không gian của người sống. Dưới tán của hơn 1.000 cây osaka, muồng, chuông vàng vừa được trồng ngay hàng, thẳng lối hai bên đường liên xã, anh kể: Liên Mạc là xã về đích NTM sớm nhất huyện Mê Linh, hiện đang xây dựng NTM nâng cao với sự khác biệt rõ ràng là toàn bộ hệ thống đường giao thông trong khu dân cư đều có nắp hố ga để đảm bảo tránh mùi, đường trước chỉ hẹp 2-3 m, giờ đã mở rộng thành 5-6 m. Người dân bước ra cổng là đã có đường bê tông và sắp tới xã còn trải nhựa một số tuyến đường lớn nữa.

Cảnh xanh, sạch ở Liên Mạc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cảnh xanh, sạch ở Liên Mạc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong làng đã thế, ngoài đồng, đường được kết nối thành ô bàn cờ, cũng được cứng hóa và đang mở rộng để nay mai ô tô có đủ chỗ tránh nhau hay quay đầu, thuận tiện cho việc cơ giới hóa đồng bộ. Hệ thống điện chiếu sáng đến tận ngõ, ngách. Hệ thống trường học được nâng cấp rõ ràng trong đó 2 đơn vị phấn đấu đạt chuẩn cấp độ 2.  

Xã đi đầu trong dồn điền đổi thửa, tổng được 407 ha, sau đó mỗi thôn lại để dành ra quỹ đất làm khu tập kết rác thải tạm thời, có tường bao, có mái che, xa khu dân cư 2-3 km cho đảm bảo về môi trường. Huyện đang có mô hình phân loại rác thải, đưa chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ và cấp thùng để ủ ở thôn Yên Mạc với 100 hộ tham gia. Trước lượng rác mỗi ngày rất nhiều nhưng sau khi áp dụng mô hình này đã giảm rõ rệt và từ cơ sở thực tiễn đó Liên Mạc sẽ nhân rộng ra toàn xã.  

* Trang thông tin có sự phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm