| Hotline: 0983.970.780

Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 3/2024

Thứ Năm 16/01/2025 , 20:42 (GMT+7)

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã thống nhất và quyết định đánh giá 28 sản phẩm đủ điều kiện để trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT công nhận đạt OCOP 5 sao.

Những sản phẩm OCOP chế biến từ sen được đưa vào giỏ quà Tết. Ảnh: KS.

Những sản phẩm OCOP chế biến từ sen được đưa vào giỏ quà Tết. Ảnh: KS.

Tính đến ngày 30/10/2024, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhận được 52 hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao của các tỉnh, thành phố. Tham gia đánh giá, phân hạng lần này có 37 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 4 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 5 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ; 4 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu và 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Các thành viên trong Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã đánh giá, nhận xét công tâm, khách quan đối với từng sản phẩm của cơ sở sản xuất về mức độ hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm. Đồng thời cho ý kiến đối với sản phẩm, đưa ra các góp ý nhằm cải tiến chất lượng và định hướng phát triển cho các sản phẩm OCOP.

Hội đồng đã thống nhất và quyết định đánh giá 28 sản phẩm đủ điều kiện để trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT công nhận đạt OCOP 5 sao, gồm: 21 sản phẩm nhóm thực phẩm; 2 sản phẩm nhóm đồ uống; 2 sản phẩm nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; 1 sản phẩm nhóm thủ công mỹ nghệ và 2 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Đối với 24 sản phẩm chưa đạt OCOP 5 sao, Hội đồng đề nghị các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đặc biệt là cải thiện các vấn đề về chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác; nâng cao năng lực về quản trị, tổ chức marketing, phát triển thị trường;…

Đại diện Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho biết, các sản phẩm tham gia chương trình đều được sản xuất và chế biến gắn liền với các lợi thế, thế mạnh của địa phương. Không chỉ có bao bì mẫu mã đẹp, phù hợp với đặc điểm riêng của sản phẩm, mà còn khai thác được các giá trị văn hoá, thể hiện năng lực phát triển thị trường của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội đồng đề nghị các chủ thể sản xuất cần tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời làm rõ các chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm OCOP phải đảm bảo chất lượng và phản ánh đúng các lợi thế, giá trị và bản sắc văn hóa của địa phương.

Các chủ thể cần chú trọng thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo rằng hoạt động sản xuất không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống cho cộng đồng.

Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Tính đến tháng 9/2024, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 7.846 chủ thể tham gia.

Để phát huy hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm OCOP, Hà Nội xác định sẽ tập trung triển khai chương trình OCOP đến tận cấp xã, rà soát và hỗ trợ các chủ thể sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia đánh giá và phân hạng OCOP 5 sao. Đồng thời, ưu tiên phát triển các sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, từ làng nghề truyền thống, gắn với du lịch và có tiềm năng xuất khẩu quốc tế.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.