Ngày 4/12/2014, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 17709/BTC-TCT đề nghị các cơ quan liên quan triển khai đến các DN, hộ kinh doanh nội dung mới về thuế giá trị gia tăng (GTGT) được áp dụng từ ngày 01/01/2015.
Một trong những thay đổi quan trọng khiến các DN dậy sóng là phân bón được chuyển từ danh mục những mặt hàng chịu thuế suất thuế GTGT 5% sang danh mục không chịu thuế.
Nhầm to
Không thể phủ nhận chủ trương, mục đích và ý nghĩa chính sách thuế GTGT mới của Quốc hội ra đời với mong muốn giảm chi phí, tăng lợi thế cho bà con nông dân cũng như hỗ trợ DN SX trong nước.
Nhưng với cách tính và quy định theo Công văn và Thông tư Bộ Tài chính ban hành lại vô hình chung gây khó khăn rất lớn cho các DN SX phân bón trong nước, đặc biệt là chủng loại phân bón có nhiều loại nguyên liệu đầu vào.
Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên DAP-VINACHEM, ông Nguyễn Văn Sinh lo lắng cho biết, khi phân bón được đưa vào danh mục những mặt hàng không chịu thuế, đồng nghĩa với việc toàn bộ thuế GTGT đầu vào của DN không được khấu trừ, dẫn đến chi phí SX tăng lên rất nhiều (khoảng 228 tỷ đồng).
Ông Sinh ước tính, giá thành SX phân bón DAP sẽ tăng khoảng 7,8% so với hiện nay. Đấy còn chưa kể nguyên liệu chính là Amôniắc ngoài thuế GTGT còn phải chịu thêm thuế NK là 2% (nguyên liệu này chiếm tỷ trọng ≈ 29% chi phí SX).
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, ông Nguyễn Đức Ninh, quy định thuế mới không chỉ khiến DN mỗi năm mất cả trăm tỷ tiền thuế khấu trừ mà nó còn tác động tiêu cực đến các DN SX phân bón trong nước, tạo đà cho phân bón NK, phân bón giả, kém chất lượng ồ ạt nhập vào Việt Nam, dẫn đến khó kiểm soát được giá cả, chất lượng.
Thậm chí có thể sẽ lại tái diễn tình trạng ép giá, cạnh tranh bất bình đẳng bởi phân bón NK thuế từ 11% nay chỉ còn lại 6% (6% thuế NK + 5% thuế GTGT).
Miễn thuế mất tiền tỷ
Từ khi có Công văn số 17709/BTC-TCT của Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, ông Hoàng Văn Tại như ngồi trên đống lửa, bởi nếu áp theo luật thuế mới, DN của ông phải tự hạch toán toàn bộ số tiền thuế chênh lệch.
Như vậy, tính sơ bộ DN mất 15 tỷ tiền hoàn thuế nên số tiền đó sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm, lúc đó sản phẩm phân bón sẽ đội giá lên.
Theo lí giải của ông Hoàng Văn Tại, chiếu theo luật thuế mới, mặt hàng phân bón thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Nghe qua tưởng như DN có lợi nhưng kỳ thực hoàn toàn ngược lại.
DN phân bón như ngồi trên đống lửa bởi lẽ nếu được miễn thuế VAT lại bị mất tiền tỷ
Bởi vì theo khoản 1, điều 8 Thông tư 219 của Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2013, cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ. Trường hợp lũy kế ít nhất 12 tháng tính từ tháng đầu tiên phát sinh, thu thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.
Một trong những điểm quan trọng nhất trong Luật Thuế sửa đổi, bổ sung chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế GTGT với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT là phân bón; TĂCN; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho SX nông nghiệp với mục đích hỗ trợ các DN trong nước giảm giá thành, hỗ trợ nông dân và tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các DN, nếu thực hiện theo Luật mới này DN không những chẳng được hỗ trợ gì mà còn bị thiệt rất nhiều. |
Từ trước tới nay, các DNSX phân bón chịu thuế đầu vào 10% (than, điện, phụ gia, vỏ bao, chi phí quản lý, bán hàng…), thuế đầu ra là 5% nên bao giờ cũng có chênh lệch thuế đầu vào và thuế đầu ra và DN được hoàn thuế. Nhờ vậy DN mới giữ được giá bán như thời gian qua.
Giờ, nếu áp dụng quy định mới, mặt hàng phân bón là đối tượng không phải chịu thuế GTGT và DN sẽ không được hoàn thuế, đồng nghĩa với việc DN mất cân đối hàng chục tỷ đồng do thuế đầu vào cao.
“Từ 2010 đến 2013, Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chúng tôi được hoàn thuế 57,6 tỷ đồng (bình quân mỗi năm được hoàn thuế 14,5 tỷ đồng). Từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2014, thuế chênh lệch đầu vào - đầu ra là 15 tỷ đồng.
Theo quy định trong Thông tư 219, phương pháp khấu trừ sẽ được tính trong trường hợp lũy kế ít nhất 12 tháng, mới được làm hồ sơ để hoàn thuế. Nhưng bây giờ quy định cũ bị ngắt giữa chừng bởi quy định trong luật thuế mới, song ngày 1/1/2015 luật mới có hiệu lực, phải thực hiện quy định mới này.
Vậy, có nghĩa trong năm 2014, thời gian tính của Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chỉ mới 10 tháng (chưa đủ 12 tháng). Nếu áp theo luật thuế, DN phải tự hạch toán toàn bộ số tiền thuế chênh lệch. Như vậy, DN sẽ bị mất 15 tỷ đồng tiền hoàn thuế”, ông Tại phân tích những thiệt thòi cho phía DN.
Đứng trước tình trạng “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, các DN SX phân bón trong nước khẩn thiết có 2 đề nghị tới Chính phủ mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính.
Thứ nhất là đề nghị Bộ Tài chính vẫn cho DN hoàn thuế trong năm 2014 dù chưa đủ thời gian 12 tháng như quy định trong Thông tư 219, nếu không được hoàn thuế DN sẽ chịu thiệt một khoản rất lớn.
Thứ hai, nội dung luật thuế nên có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, đó là nên để phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0% thay vì “đối tượng không phải chịu thuế GTGT”.
Bởi trong trường hợp phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0% DN sẽ được hoàn thuế khi có chênh lệch thuế đầu vào đầu ra, giá thành sản phẩm sẽ có điều kiện giảm. Lúc đó, cả DN và nông dân được hưởng lợi.
Còn nếu mặt hàng phân bón là đối tượng không phải chịu thuế GTGT, dù DN không phải chịu thuế GTGT, nhưng sẽ phải chịu toàn bộ thuế đầu vào. Vì thuế đầu vào luôn cao hơn, nên chi phí đó DN sẽ phải hạch toán vào chi phí SX, giá thành sẽ đội lên, sản phẩm không cạnh tranh được với hàng NK và đặc biệt là người nông dân không được hưởng giá bán thấp nhất.