Người dân được mùa
Ngày 14/10 tại Phú Yên, Cục Trồng trọt đã tổ chức hội nghị sơ kết trồng trọt năm 2008 và triển khai vụ ĐX 2008 – 2009 vùng miền Trung – Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong năm 2008, tuy thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, vụ đông xuân mưa lũ đầu vụ, rét đậm kéo dài, vụ hè thu có hạn giữa vụ nhưng bằng các biện pháp chỉ đạo hợp lý, quyết liệt, miền Trung - Tây Nguyên vẫn giành một vụ lúa thắng lợi. Toàn vùng gieo trồng được 599.503ha lúa, trong đó các tỉnh duyên hải miền Trung đạt 375.800ha, Tây Nguyên 205.000ha, năng suất bình quân đạt 47,9 tấn/ha tăng 0,2 tấn/ha so với năm 2007. Ước cả năm đạt khoảng 2,872 triệu tấn thóc, vượt trên 100 ngàn tấn so với năm 2007; trong đó DHNTB không chỉ bù đắp mất mùa vụ đông xuân trên 100 ngàn tấn mà còn vượt năm 2007 gần 25 ngàn tấn, Tây Nguyên đạt 936 ngàn tấn, vượt 78 ngàn tấn so với năm trước.
Đối với cây ngô, toàn vùng đã gieo trồng được 276.000ha, năng suất đạt 4,58 tấn/ha, sản lượng đạt 1,26 triệu tấn, tăng gần 66.000 tấn so với năm trước. Đối với cây lạc và đậu tương, đây là loại cây chủ lực phù hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và là cây xen canh với một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao. Toàn vùng diện tích hai loại cây trồng này đạt 72,5 ngàn ha. Riêng đối với cây mía, do không cạnh tranh được với cây mì nên diện tích chỉ đạt 80.300ha, giảm 3.000ha so với năm 2007, còn đối với cây mì thì diện tích đã đạt 209.000ha, tăng 14.000ha so với năm 2007, cây bông vải cũng bị giảm 2.100ha xuống còn 3.000ha…
Trên cơ sở diễn biến quy luật chung của thời tiết trong vụ ĐX, Cục Trồng trọt đã đưa ra khuyến cáo lịch xuống giống tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên như sau: Đối với các tỉnh miền Trung sản xuất lúa 2 vụ/năm gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên xuống giống 20/12/2008, kết thúc thời vụ vào ngày 10/1/2009, còn tại Khánh Hoà vùng chủ động nước tưới thì xuống giống ngày 15/12, kết thúc ngày 30/12/2008. Các tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk thời gian xuống giống từ 25/12/2008 và kết thúc ngày 25/1/2009; tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông đối với vùng sản xuất lúa 2 vụ thời gian xuống giống từ ngày10/12/2008 và kết thúc thời vụ gieo trồng vào ngày 20/1/2009.
Cà phê và cao su là hai loại cây công nghiệp chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên, diện tích vẫn tiếp tục được mở rộng. Đối với cây cà phê mặc dù có sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ NN - PTNT và các tỉnh Tây Nguyên cần phát triển bền vững nhưng loại cây này vẫn phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, số liệu chưa đầy đủ, diện tích đã đạt 164.600ha tăng 4.800ha so với năm trước, sản lượng ước đạt 962.500 tấn, tăng trên 64.000 tấn.
Đối với cây cao su, toàn vùng đã trồng mới được 16.880ha đưa tổng diện tích lên 110.000ha, cây tiêu diện tích cũng tăng khá mạnh do giá tiêu đang ở mức cao, toàn vùng đạt 16.920ha tăng 620ha. Còn cây điều do hiệu quả kinh tế thấp nên trong năm 2008 giảm 12.900ha, người dân chuyển sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn…
Chỉ đạo sản xuất ĐX 2008 – 2009, TS Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục chuyển đổi sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa hiệu quả cao. Tìm các giải pháp thâm canh, xây dựng lịch thời vụ về cơ cấu giống thích hợp cho từng vùng đồng thời các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, tập trung, không để nông dân tự phát gieo sạ. Khuyến cáo sử dụng giống năng suất chất lượng cao, chống chịu tốt để tăng hiệu quả sản xuất. Đối với những vùng khó khăn sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng cạn như ngô, đậu, lạc…
Một biện pháp hết sức quan trọng đó là áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất “3 giảm 3 tăng” đặc biệt chú trọng mật độ gieo sạ hợp lý theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp đối với từng giống. Hướng dẫn nông dân sử dụng cân đối phân bón NPK, tăng cường bón lót phân chuồng, phân lân và phân vi sinh. Đối với các loại cây trồng khác các địa phương cần quan tâm chỉ đạo phát triển mạnh cây ngô, đậu, lạc. Những vùng phát triển cây công nghiệp phải thực hiện đúng quy hoạch của ngành chuyên môn.