| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên bùng nổ kết nối lao động, việc làm: [Bài 2] Những việc làm 'không tên' cho thu nhập tốt

Thứ Sáu 03/03/2023 , 14:29 (GMT+7)

Với hàng trăm ngàn ha cà phê, tiêu, sầu riêng… nương rẫy ở các tỉnh Tây Nguyên không ngừng mời gọi người lao động tham gia đủ loại công việc như chăm sóc, thu hoạch…

Những công việc thu nhập cao, yêu cầu thấp tại Tây Nguyên

Theo thống kê, Đắk Lắk có hàng trăm nghìn ha cà phê, tiêu, sầu riêng… với nhu cầu lao động hàng chục triệu ngày công.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh này có hơn 1,1 triệu lao động. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 58 - 59%, 24 - 25% tham gia các thành phần kinh tế, khoảng 7% là cán bộ công chức, viên chức và 0,07% tham gia FDI.

Empty

Lao động thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên vào thời điểm cao điểm thường rất lớn và xẩy ra khan hiếm. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Theo ông Thuân, Đắk Lắk đang thời điểm thu hoạch tiêu. Hiện các huyện không báo cáo việc thiếu hụt lao động cho việc thu hoạch tiêu nhưng qua nắm bắt, một số chủ vườn gặp khó trong việc thuê lao động.

“Tại Đắk Lắk, người sử dụng lao động trong ngành nông nghiệp như hái tiêu, làm cỏ, hái cà phê cũng đã thay đổi, không cần sử dụng các lao động khỏe mạnh như lâu nay. Hiện các chủ vườn thuê nhân công hái theo hình thức khoán sản phẩm nên phụ nữ, người lớn tuổi cũng có thể tham gia. Đối với ngày công làm trong nông nghiệp, hiện nay tại địa phương ở mức khoảng 250.000 đồng/ngày. Việc khoán sản phẩm giúp thu nhập người dân cao hơn so với làm công hàng ngày (làm công nhật)”, ông Thuân nói. 

Cũng theo ông Thuân, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nên đa số người dân đều chọn các thành phố lớn để làm việc. “Thực tế thiếu lao động trong ngành nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk thì các huyện chưa báo cáo nhưng qua nắm bắt, việc thiếu hụt cũng xảy ra tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu hụt này không đáng kể”, ông Thuân cho biết thêm.

Nhiều việc làm có đãi ngộ tốt

Rất nhiều ngành nghề hấp dẫn không đòi hỏi trình độ, tay nghề, cùng chế độ đãi ngộ cao đang được các doanh nghiệp chào mời người lao động tại các tỉnh Tây Nguyên.

Những ngày đầu tháng 2/2023, tại ngày hội việc làm ở Phiên chợ sâm Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), Công ty Cổ phần Thực phẩm FAMISEA đã vượt hơn 700km từ Long An lên tham gia tuyển dụng lao động lạm việc trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Bà Huỳnh Minh Hoa, Trợ lý giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm FAMISEA cho biết, ngay sau khi biết thông tin huyện Tu Mơ Rông tổ chức ngày hội việc làm, Công ty đã kết nối với hi vọng sẽ tuyển được nhiều người lao động xuống làm việc tại nhà máy.

Theo bà Hoa, do nhu cầu mở rộng nhà máy chế biến, Công ty đang cần tuyển khoảng 300 lao động ưu tiên ở các tỉnh Tây Nguyên, nơi có khí hậu dao động từ 18 - 22 độ C, rất phù hợp làm việc lâu dài trong môi trường nhiệt độ thấp về chế biến thủy sản. Khi được tuyển dụng, người lao động sẽ nhận mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ đãi ngộ như: Được đào tạo nghề, đưa đón người lao động từ địa phương xuống nhà máy, hỗ trợ nơi ăn chỗ ở, đóng bảo hiểm…

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, nhu cầu lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ - thương mại... thu hút lao động nhiều nhất, qua đó mang lại thu nhập cao cho lao động của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết, dự kiến, nhu cầu tìm việc của người lao động trong quý I năm 2023 tăng khoảng 10% so với quý IV năm 2022. Trong đó bao gồm lực lượng lao động chưa có việc làm, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng..., lao động chuyển đổi việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn tiếp tục tham gia thị trường lao động.

Nhiều người lao động ở Kon Tum được tuyện dụng làm việc tại các thành phố lớn. Ảnh: PV.

Nhiều người lao động ở Kon Tum được tuyện dụng làm việc tại các thành phố lớn. Ảnh: Minh Quý.

Nhu cầu tìm việc làm sẽ tập trung ở các lĩnh vực nghề như: Nhân viên kinh doanh, tài chính, bảo hiểm; kỹ sư, kỹ thuật nông lâm nghiệp, cơ khí sữa chữa lắp ráp vận hành máy, thiết bị; xây dựng, điện công nghiệp; công nhân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản như trồng trọt, chăn muôi, chế biến nông, lâm sản; nhân viên bán hàng, du lịch, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, lái xe, bảo vệ, phục vụ...

Theo bà Nguyễn Thị Nga, vừa qua Hàn quốc đã thông báo về hạn ngạch cho lao động nước ngoài mới nhập cảnh năm 2023 là 110.000 người. Ngoài ra, thị trường lao động Nhật bản, Đài Loan, Đức... cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn với các ngành nghề đa dạng như: Sản xuất chế tạo; chế biến thực phẩm; xây dựng; nông nghiệp; điều dưỡng viên; hộ lý trong viện dưỡng lão... góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển.

Các HTX nông nghiệp bí lao động phổ thông

Tại tỉnh Lâm Đồng, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các HTX, doanh nghiệp đang rất lớn. Bà Phạm Thị Thuỳ Vân, người phụ trách kinh doanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Măng Lin (phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, sau Tết Nguyên đán, nhiều vị trí việc làm như sản xuất dâu tây, rau thuỷ canh, sản xuất cà chua, lao động phụ trách tuyến du lịch canh nông đều rơi vào tình trạng thiếu người. Để có lao động đáp ứng nhu cầu công việc, HTX đã liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng, đồng thời đăng tin tuyển dụng lên các diễn đàn, trang mạng xã hội.

Bà Phạm Thị Thuỳ Vân thổ lộ: “Hiện nay, HTX có 70 lao động đang làm việc và hiện thiếu khoảng 15 – 20 lao động phổ thông. Để có lao động, chúng tôi đã đưa ra các ưu đãi về mức lương 6 đến 7 triệu đồng/tháng và được HTX hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, ở…”.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (phường 12, TP Đà Lạt) cũng đang liên hệ với các đơn vị để tuyển dụng lao động. Ông Mai Văn Khẩn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cho biết, đơn vị chuyên sản xuất các loại rau ăn lá, ăn củ, quả với tổng diện tích 30ha trong nhà kính và 10ha ngoài trời. Ngoài ra, HTX cũng liên kết sản xuất với khoảng 50 hộ dân với diện tích rau lên đến 80ha. Do vậy, nhu cầu về lao động phổ thông tại HTX luôn ở trong tình trạng thiếu người.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều phiên tư vấn việc làm tại các huyện ngay sau tết nguyên đán. Ảnh: PV.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều phiên tư vấn việc làm tại các huyện ngay sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Minh Quý.

“Khối lượng công việc lớn, nhu cầu lao động nhiều nhưng các lao động thường làm theo thời vụ hoặc không thể gắn bó lâu năm nên HTX phải tuyển dụng liên tục. Đặc biệt sau Tết Nguyên đán, một lượng lớn lao động về quê và chưa vào kịp nên HTX rất bí người”, ông Mai Văn Khẩn thổ lộ.

Cũng theo ông Khẩn, hiện nay, HTX có nhu cầu tuyển cả lao động nam và nữ phổ thông. Trong đó lao động nữ được bố trí công việc tại các khâu như trồng rau, nhổ cỏ, thu hoạch nông sản, còn lao động nam được sắp xếp ở các vị trí có tính chất nặng nhọc hơn như làm đất, vận chuyển… Đối với lao động phổ thông làm việc ở các khâu này, HTX cũng đưa ra mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng và hỗ trợ 100% về các chi phí ăn ở. Những trường hợp gắn bó lâu dài, nhiệt huyết với công việc sẽ được HTX ưu đãi thêm với các khoản thưởng theo thời gian từng quý.

Năm 2023, Lâm Đồng đề ra mục tiêu giải quyết việc làm từ 25 đến 28 ngàn lượt lao động. Trong đó đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ 400 đến 500 người. Cùng với đó, phấn đấu duy trì tỷ lệ lao động thất nghiệp chung dưới 1,2%, khu vực thành thị dưới 2%.

Lâm Đồng cũng đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp bằng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động.

Đồng thời, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưõng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động để duy trì việc làm ổn định tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn; chủ động triển khai thực hiện các chính sách pháp luật mới về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp…

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.