| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên bùng nổ kết nối lao động, việc làm: [Bài 1] Tư vấn, kết nối việc làm chạy hết công suất

Thứ Năm 02/03/2023 , 09:08 (GMT+7)

Từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều địa phương trong khu vực miền Trung -Tây Nguyên đã dốc lực thực hiện công tác kết nối vệc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm.

Chợ việc làm đầu xuân

Sôi động từ những ngày đầu năm mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên chợ việc làm. Chỉ trong thời gian hơn một tháng mà Trung tâm này đã tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm lưu động và ngày hội việc làm và đã thu hút 9 doanh nghiệp với 2.259 lao động tham gia. 

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH và đề nghị của các địa phương, đơn vị này đã xây dựng thực hiện hàng chục phiên giới thiệu việc làm sau tết. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp với các địa phương tổ chức tư vấn việc làm ngay trong các lễ hội. “Việc này giúp thu hút đông đảo người dân tham gia tìm hiểu. Với tinh thần đưa việc làm đến với người dân, Trung tâm đã tập trung cán bộ để thực hiện các phiên chợ việc làm”, ông Cường nói.

Ngoài ra, có hàng nghìn người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm, Văn phòng giao dịch Ea Kar và Văn phòng giao dịch thị xã Buôn Hồ tìm hiểu thị trường lao động, tìm kiếm việc làm và tư vấn, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động nghe các doanh nghiệp tư vấn tại ngày hội việc làm huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: PV.

Người lao động nghe các doanh nghiệp tư vấn tại ngày hội việc làm huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: PV.

Anh Đặng Văn Hùng ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tham gia lễ hội tại xã Cư Êwi thấy có gian tư vấn việc làm nên đã đến tham gia. “Năm ngoái, do tình hình dịch bệnh, công ty dưới TP. HCM cắt giảm nhân sự nên tôi phải về quê sớm. Thay vì xuống TP.HCM làm việc như mọi năm, năm nay tôi ở lại quê và tìm việc để gần nhà. Qua tư vấn tôi xin đăng ký, nộp hồ sơ vào làm việc ở một công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da ở TP.Buôn Ma Thuột. Mức lương đề xuất tầm từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng là ổn”, anh Hùng chia sẻ.

Lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch việc làm Đắk Lắk trong năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể đã có 11.043 người nộp hồ sơ, tăng 37% so với năm 2021, trong đó số người làm ở địa phương khác chuyển về là 7.266 người chiếm tỷ lệ 66%.

Địa phương phát triển, lao động tìm việc ở quê

Còn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ngãi lúc nào cũng trong tình trạng đông kín. Hàng trăm lao động đến đây để được tư vấn, giới thiệu việc làm cũng nộp hồ sơ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ngãi, cho biết: “Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 220 lượt người lao động đến làm việc tại đơn vị. Hiện nay, toàn bộ Trung tâm có 34 cán bộ, công nhân viên trong khi công việc rất nhiều nên hầu hết bộ phận nào cũng rất bận rộn. Ngoài những hoạt động thường ngày thì chúng tôi còn phải lên kế hoạch cho các phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở các địa phương”.

Cũng theo ông Yên, dự kiến trong quý I năm nay, Trung tâm sẽ tổ chức 5 phiên giao dịch. Đến thời điểm này, đã có 3 phiên được tổ chức bao gồm 1 phiên ở TP.Quảng Ngãi, 1 phiên ở huyện Nghĩa Hành và 1 phiên tại Khu Kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn). 2 phiên tiếp theo sẽ được tổ chức ở 2 huyện miền núi là Sơn Hà và Trà Bồng.

Hầu hết các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đều đạt kết quả tốt khi có hàng trăm người lao động đến tham gia, tìm hiểu và được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó, trong mỗi phiên có hàng chục doanh nghiệp trực tiếp đến phỏng vấn, tuyển dụng.

Chị Phan Thị Thúy ở xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi), chia sẻ: “Tôi học ngành quản trị kinh doanh và làm việc ở TP Hồ Chí Minh 10 năm rồi. Bây giờ thấy tỉnh mình phát triển, có nhiều doanh nghiệp lớn với nhu cầu tuyển dụng nhiều nên muốn trở về quê, tìm kiếm một công việc phù hợp, đúng ngành nghề càng tốt”.

Ngày hội việc làm ở Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: PV.

Ngày hội việc làm ở Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: PV.

Doanh nghiệp tìm lao động

Còn tại tỉnh Quảng Nam, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này đã phát huy vai trò rất tốt trong việc kết nối người lao động và doanh nghiệp. Chính nhờ vậy, qua mỗi năm, số lượng doanh nghiệp tìm đến để phối hợp với đơn vị nhằm tuyển dụng lao động ngày càng lớn.

Trong năm 2022 vừa qua, ban đầu, theo dự kiến đơn vị sẽ tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm. Tuy nhiên, khi nhận thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất nhiều, đơn vị đã thực hiện đến 61 phiên. Để tăng tính hiệu quả, bám sát được nhu cầu của người lao động, trung tâm đã xuống từng địa phương, chia nhỏ, phân loại nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam, dự kiến trong năm 2023, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tổ chức 11 phiên lưu động; 3 phiên online và từ 5-7 phiên kết nối theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra sẽ có 10 phiên cố định vào ngày 15 hằng tháng tại trung tâm nhằm kết nối số lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động để ổn định vị trí việc làm cho các doanh nghiệp.

“Để việc kết nối cung cầu đạt hiệu quả, trong thời gian sắp đến, trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn và thông báo nhu cầu tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tư vấn cho lao động khi đến các điểm tư vấn của Trung tâm. Đồng thời, tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương để tổ chức tư vấn theo chuyên đề, theo ngành nghề và theo cụm xã để tạo điều kiện cho lao động và các doanh nghiệp dễ tiếp cận”, ông Dũng nói.

Mục tiêu của Quảng Nam năm 2023 là, lao động có việc làm tăng thêm 16.000 người; tỷ lệ lao động thất nghiệp dưới 4%. Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp; chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Điểm nhấn ngày hội việc làm Tu Mơ Rông

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông và các doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh năm 2023.

Theo đó, hàng ngàn thanh niên trên địa bàn 11 xã với mong muốn tìm việc đã có mặt ở phiên chợ để lắng nghe các doanh nghiệp lớn ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm công việc sau Tết. Ảnh: PV.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm công việc sau Tết. Ảnh: PV.

Tại đây, các doanh nghiệp đã giới thiệu, chia sẻ thông tin về nhu cầu tuyển dụng với hơn 3.000 vị trí việc làm trống trong tỉnh, ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động. Đặc biệt. trong thời gian diễn ra Ngày hội việc làm, người lao động đã được tư vấn chuyên sâu về điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ chính sách... từng vị trí việc làm để người lao động tham khảo, lựa chọn được công việc phù hợp.

Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên, học sinh, người lao động có nhu cầu tìm việc làm, tìm hiểu thị trường lao động; được tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp, lựa chọn vị trí việc làm phù hợp; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống bản thân, gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết thúc ngày hội việc làm đã có hơn 50 hợp đồng được ký kết, trong đó xuất khẩu lao động hơn 10 người.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, khi các công ty và thanh niên tìm được tiếng nói chung, huyện sẽ đứng ra làm cầu nối để 2 bên ký kết lao động. Việc ký kết này sẽ được phòng chuyên môn của huyện theo dõi, giám sát để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân khi tham gia hợp đồng lao động với các công ty.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết, Trung tâm luôn chủ động triển khai công tác tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức gián tiếp và trực tiếp. Qua đó, giúp người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp và cũng như thu hút lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm tình hình kết nối việc làm có khó khăn do các công ty lớn ngoài tỉnh giảm đơn hàng, chưa có nhu cầu tuyển lao động. Thay vào đó, Trung tâm đã tư vấn giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh và đi làm việc ở các nước như Nhật, Đài Loan, Ả Rập xê út...

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...