| Hotline: 0983.970.780

Mô hình đa canh độc đáo thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Thứ Tư 05/04/2017 , 15:30 (GMT+7)

Nhờ xen canh nhiều loại cây trên một đơn vị diện tích, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, ông Trần Văn Ngọ ở thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chủ trang trại rộng 36ha có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

12-00-32_nh-1-mo-hinh-d-xen-cnh
Ông Trần Văn Ngọ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ mô hình đa canh

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Liên Hà, chúng tôi đến thăm ông Trần Văn Ngọ ở thôn Liên Hồ, một trong những nông dân có mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Những năm trước đây, trên diện tích đất của gia đình ông Ngọ chỉ trồng độc canh cây cà phê, chất đất lại xấu, cà phê ngày càng già cỗi dẫn đến hiệu quả đem lại thấp. Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, ông đã mạnh dạn áp dụng mô hình xen canh, vì thế thu nhập được nâng lên đáng kể.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của gia đình, ông Ngọ hồ hởi cho hay: Trồng xen canh các loại cây với nhau giúp bổ sung rất nhiều các chất khoáng và pH cho đất, nói chung là nó điều tiết được thổ nhưỡng, vì thế vườn cây luôn phát triển xanh tốt. Hiệu quả cũng đem lại gấp nhiều lần so với trồng độc canh cà phê.

“Có những cây bơ tôi thu gần 20 triệu đồng, còn sầu riêng mỗi cây cho năng suất trung bình từ 70 - 100kg, với giá cả như hiện nay thì cũng có thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/cây. Đối với cà phê trồng độc canh thì có chăm sóc tốt thế nào thì cũng chỉ được 5 tấn nhân/ha, trừ chi phí chỉ còn khoảng 100 triệu thôi…”.

Trên trang trại có diện tích rộng đến 36ha của mình, ông Ngọ tiến hành phân thành 20 lô gọn gàng. Các lô được ngăn cách bởi những con đường rộng chừng 1,5m hình bàn cờ, xe ô tô có thể vào tận nơi chở cà phê. Hai bên các con đường đều được trồng bơ và mang lại thu nhập không hề nhỏ với sản lượng 40 - 50 tấn/năm và giá bán trung bình 60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, ông Ngọ còn trồng xen bí đao vào những nơi cây cà phê còn thưa. Chỉ cần giá bán 2.000 đồng/kg cũng thu được khoảng 200 triệu đồng/năm từ loại cây không cần chăm sóc này. Ông Ngọ ước tính thu nhập từ trang trại đa canh của mình đạt hơn 7 tỷ đồng mỗi năm. Hiện trang trại giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 40 - 50 lao động thời vụ vào mỗi mùa thu hoạch cà phê.

Hiện tại, diện tích cà phê này đã cho thu hoạch từ 6 - 7 tấn nhân/ha. Một số cà phê mới trồng thêm cũng cho sản lượng khoảng 3 tấn/ha. Vụ cà phê năm 2016, trang trại của ông Ngọ thu được 110 tấn nhân. Ông đã đầu tư lò sấy cà phê, lượng vỏ cà phê được sử dụng để đốt lò vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo môi trường sạch đẹp. Đặc biệt, điều này đã hạn chế tối đa tình trạng cà phê hư hỏng vào mùa mưa, từ đó hạn chế thất thoát sản lượng thu được.

Đáng nói hơn, vườn cà phê của ông Ngọ đang được chọn thử nghiệm chương trình “Trồng cà phê bền vững” của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và được hỗ trợ hướng dẫn cách thức chăm sóc để đảm bảo năng suất ổn định qua các năm. Cụ thể, thay vì chữa bệnh lúc sâu bệnh đã rộ, ông áp dụng kỹ thuật kháng bệnh trước cho cây, kết hợp trong lúc bỏ phân, tưới nước.

Bên cạnh đó, trang trại còn có hệ thống chuồng trại để nuôi gia công 2.000 con heo thịt cho một Cty cổ phần trên địa bàn, bình quân mỗi lứa nuôi trong vòng 8 tháng, thu về 800 triệu đồng. Quan trọng hơn, phân chuồng được ông tận dụng để ủ phân xanh và nước thải của heo được sử dụng để tưới cà phê. Nguồn nước này được dẫn chảy vào hồ, sau đó được pha loãng với nước với tỷ lệ 1m3 nước phân/4m3 nước hồ. Chỉ với nguồn nước này được sử dụng để tưới cà phê, vừa cung cấp nước, vừa cung cấp lượng phân bón cần thiết cho cây mà không phải sử dụng các loại phân bón hóa học.

Những năm gần đây, khi nhận thấy giá trị kinh tế đặc biệt của cây mắc ca, ông Ngọ lại đầu tư trồng loại cây "nữ hoàng” này. Sau 4 năm trồng mắc ca cho thu trái bói, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Hiện tại, trang trại của ông Ngọ đang trồng xen khoảng 300 gốc mắc ca, bắt đầu cho trái với sản lượng khoảng 20kg/cây/mùa, giá ổn định từ 120.000 - 150.000 đồng/kg quả khô. 

Theo ông Ngọ, trồng xen canh được xem là cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên, vì vừa bồi bổ chất đất, vừa hạn chế sâu bệnh phá hoại mặc dù nông dân phải chấp nhận bỏ vốn đầu tư nhiều hơn. Nhưng bù lại, hiệu quả mang lại không hề nhỏ khi biết chọn các loại cây hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đặc biệt, việc đa canh sẽ hạn chế tránh tình trạng mất trắng khi một trong các loại nông sản mất mùa hay rớt giá. 

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.