Tuy nhiên, sự đông đúc nam thanh nữ tú ở các rạp chiếu bóng, vẫn chưa khiến dư luận bất ngờ bằng… tuyên bố của những nhà sản xuất.
Bộ phim “Cua lại vợ bầu” tuyên bố đạt doanh thu 108,9 tỷ đồng sau 6 ngày công chiếu |
Đại diện đơn vị làm phim “Cua lại vợ bầu” không ngần ngại cung cấp thông tin: doanh thu 3 ngày chiếu đầu tiên đạt 12 tỷ đồng, sau đó đạt hơn 10 tỷ đồng trong ngày mùng 1 Tết và 15,8 tỷ đồng trong ngày mùng 3 Tết. Sau 6 ngày chiếu chính thức thì “Cua lại vợ bầu” đạt doanh thu 108,9 tỷ đồng sau 6 ngày chiếu chính thức. Chưa hết, ê-kip “Cua lại vợ bầu” còn tự xác lập hai kỷ lục cho tác phẩm của họ: Phim Tết Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại và Phim có doanh thu 1 ngày cao nhất lịch sử phim Việt (19,6 tỷ đồng vào ngày 10/2).
Tất nhiên, những điều đáng hân hoan trên không có ai… kiểm chứng. Đối tác liên quan trực tiếp quyền lợi với doanh thu của bộ phim “Cua lại vợ bầu” là hệ thống rạp chiếu vẫn giữ… im lặng. Nghĩa là không thể nào xác minh mức độ chính xác của con số 108,9 tỷ đồng mà bộ phim “Cua lại vợ bầu” thu được sau 6 ngày công chiếu. Cần lưu ý rằng, hiện tại hệ thống rạp chiếu đang được kiểm soát bởi hai đơn vị CGV và Lotte Cinema đều do nước ngoài đầu tư. Bất kỳ bộ phim nào muốn có được lịch chiếu và giờ chiếu hiệu quả nhất, đều phải được sự gật đầu hợp tác ăn chia phần trăm doanh thu với CGV và Lotte Cinema. Nếu bộ phim “Cua lại vợ bầu” có doanh thu lớn như vậy, thì rõ ràng CGV và Lotte Cinema đã phát tài.
Doanh thu phim Việt rất mơ hồ, vì chẳng có một cơ sở đánh giá nào. Hiện tại vẫn chưa có những công ty nghiên cứu thị trường độc lập để đưa ra con số chính xác doanh thu cho từng bộ phim. Mọi kỷ lục tiền tỷ đều do nhà sản xuất tự hô vang lên, như một cách PR kiêu hãnh!
Cách đây 4 năm, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tạo nên cơn sốt cộng đồng, nhưng chỉ đạt doanh thu 78 tỉ đồng. Trong khi đó, những bộ phim hài nhảm có thời gian công chiếu không lâu, lại công bố doanh thu khủng khiếp. Ví dụ, bộ phim “Chàng vợ của em” tuyên bố đạt doanh thu 83 tỷ đồng, bộ phim “Tháng năm rực rỡ” tuyên bố đạt doanh thu 85 tỷ đồng, bộ phim “Em là bà nội của anh” tuyên bố đạt doanh thu 102 tỷ đồng, bộ phim “Siêu sao siêu ngố” tuyên bố đạt doanh thu 108,9 tỷ đồng. Thử đặt câu hỏi, nếu doanh thu kia phải căn cứ để nộp thuế hoặc để chia thù lao cho đạo diễn và diễn viên thì những nhà sản xuất có dám lớn giọng như vậy không? Chắc chắn không!
Dù bộ phim “Em chưa 18” tuyên bố đạt doanh thu 171 tỷ đồng, nhưng tác giả kịch bản là Charlie Nguyễn thú nhận: “Số phận bộ phim “Em chưa 18” may mắn, vì đó là câu chuyện của số đông, ai cũng từng trải qua những điều tương tự. Từ đó nó tạo nên sự đồng cảm lớn dẫn đến thành công về mặt thương mại. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn thì chưa hẳn đây là bộ phim thành công dù đại thắng phòng vé. Kịch bản phim được viết trong thời gian rất ngắn. Thậm chí kịch bản được sửa ngay trong tối, sáng đem đi in và đưa xuống phim trường cho diễn viên chuẩn bị. Vì vậy, nó chưa đủ độ sắc bén và tinh tế như đáng lẽ nên có!”.
Trở lại với doanh thu 108,9 tỷ đồng của bộ phim “Cua lại vợ bầu” trong vòng 6 ngày, những đơn vị phát hành phim chẳng bình luận gì, vì không muốn làm tổn thương cơn hưng phấn từ phía đối tác. Còn những người trong giới chuyên môn thì chọn cách khe khẽ cười bí mật khi được hỏi đến thực hư. Có lẽ, muốn biết doanh thu phim Việt ra sao, cần bắt đầu một quy trình khác: Trong hợp đồng làm phim, chỉ cần ghi rõ thù lao tăng thêm của những nghệ sĩ tham gia mỗi khi nhà sản xuất hùng hồn tuyên bố số tiền tỷ có được từ quầy bán vé đã vượt xa vốn đầu tư.