| Hotline: 0983.970.780

Mở toang cánh cửa những mặt hàng tỷ đô: [Bài 3] Tiêu thụ hơn 4 tỷ trái dừa mỗi năm, Trung Quốc mới đáp ứng 10%

Thứ Sáu 23/08/2024 , 10:34 (GMT+7)

ĐBSCL Bộ NN-PTNT vừa đàm phán, ký kết thành công Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch quả dừa tươi vào thị trường này.

Sơ chế dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK Trái Cây MEKONG. Ảnh: Minh Đảm.

Sơ chế dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK Trái Cây MEKONG. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, doanh nghiệp và nông dân trồng dừa ĐBSCL đang kỳ vọng vào tương lai tương sáng của loại cây công nghiệp này khi Bộ NN-PTNT đàm phán ký kết thành công Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch quả dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.

Xứ sở dừa sẵn sàng

Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre, mỗi năm Trung Quốc sử dụng khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến, trong khi đó sản lượng dừa của nước này mới chỉ đáp ứng được 10%.

Tại Bến Tre, nơi được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam”, tính đến tháng 6/2024 diện tích dừa của tỉnh đạt hơn 79.000 ha. Cây dừa giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Trong này, diện tích dừa xiêm xanh uống nước là 15.865 ha, chiếm khoảng 20%.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, để chuẩn bị cho việc xuất khẩu dừa tươi ra các nước, ngành đã tập trung các giải pháp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dừa nhằm tạo vùng nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng trồng và chuẩn bị các hồ sơ có liên quan theo quy định. Đến nay, qua rà soát tỉnh Bến Tre có 113 vùng trồng với diện tích gần 8.380ha, hơn 12.800 hộ tham gia vào vùng sản xuất.

“Việc mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào đăng ký xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra tương lai rất tươi sáng cho ngành dừa của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết.

Ông Trần Thanh Lâm (giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre làm 'hướng dẫn viên' giới thiệu cho các doanh nghiệp, nhà khoa học về vùng nguyên liệu dừa mà tỉnh Bến Tre đang xây dựng trong khuôn khổ Hội thảo khoa học ngành dừa tỉnh Bến Tre vừa diễn ra từ ngày 15-16/8. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Thanh Lâm (giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre làm “hướng dẫn viên” giới thiệu cho các doanh nghiệp, nhà khoa học về vùng nguyên liệu dừa mà tỉnh Bến Tre đang xây dựng trong khuôn khổ Hội thảo khoa học ngành dừa tỉnh Bến Tre vừa diễn ra từ ngày 15-16/8. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây MEKONG (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu dừa tươi chia sẻ rất phấn khởi vì có thêm một khách hàng lớn. Vì vậy, được sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Bến Tre doanh nghiệp đã liên kết với bà con nông dân địa phương xây dựng vùng trồng với diện tích 50ha. Hiện hồ sơ đã được nộp về Cục Bảo vệ thực vật.

“Doanh nghiệp và bà con chuẩn bị mọi thứ để đón tiếp đoàn kiểm tra đến làm việc, xem xét cấp mã số cho chúng tôi”, ông Thuật nói.

Tuân thủ quy định trồng dừa đạt chuẩn

Tại Tiền Giang, những năm qua diện tích trồng dừa, đặc biệt là dừa uống nước không ngừng tăng. Hiện nay, dừa là một trong những loại cây trồng có diện tích lớn của tỉnh, trong đó dừa uống nước chiếm khoảng 60%. Cây dừa được trồng chủ yếu tại các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phú Đông và Gò Công Tây.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 47 mã số vùng trồng với gần 3.500ha dừa tươi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Diện tích này đã được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với nông dân. Hiện các hồ sơ đã được gửi ra Cục Bảo vệ thực vật chờ kiểm tra, cấp mã số.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang, chia sẻ thêm: "Để xuất khẩu trái dừa tươi bền vững, chúng tôi nhận thấy cần phải làm tốt khâu quản lý đối tượng dịch hại mà phía Trung Quốc đang quan tâm".

Nông dân tuân thủ các hướng dẫn trồng dừa đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân tuân thủ các hướng dẫn trồng dừa đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Hồ Thảo.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh thông tin, hiện Trà Vinh có 9 vùng trồng với diện tích khoảng 1.242 ha đang được đề xuất cấp mã số vùng trồng dừa xuất sang thị trường Trung Quốc, trong số này có dừa uống nước. Chi cục Trồng trọt và BVTV Trà Vinh đã thực hiện thủ tục đề nghị Cục BVTV xem xét, tổng hợp và đàm phán để cấp mã số xuất khẩu. Song song đó, hỗ trợ người dân trồng mới, cải tạo vườn dừa hiện có. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với HTX, tổ hợp tác đăng ký chứng nhận, đánh giá, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch thông tin trong giao dịch, mua bán.

Tại HTX Nông nghiệp Thành Chí xã Huyền Hội, huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh), gần đây HTX đã phổ biến cho bà con quy trình kỹ thuật trồng dừa theo sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Hiện, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu có diện tích 112ha, với sự tham gia của 246 hộ nông dân. HTX sản xuất hai loại dừa phổ biến là dừa xiêm xanh và dừa dâu với sản lượng khoảng 6.000 tấn dừa mỗi năm.

Để kiểm soát hiệu quả sâu bệnh hại, các thành viên HTX thường xuyên vệ sinh vườn, quản lý cỏ dại. Khi có sâu bệnh gây hại, bà con tìm đến sự hỗ trợ từ Trạm BVTV của huyện. Bà con ghi chép nhật ký sản xuất, thu hoạch cẩn thận để tổng hợp thông tin cho Ủy ban nhân dân xã.

Ngành dừa đối mặt thách thức gì?

Đến cuối năm 2023, tổng diện tích dừa vùng ĐBSCL đạt khoảng 171.000ha. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là Bến Tre hơn 79.000 ha (40%), Trà Vinh gần 27.500ha, Tiền Giang gần 22.500 ha, Vĩnh Long gần 11.000 ha. Gồm hai nhóm dừa chủ yếu là dừa uống nước và lấy dầu. Nhóm dừa uống nước gồm các giống dừa lùn, ra hoa sớm sau 2,5-3 năm, trái kích thước nhỏ, nước ngọt (độ Brix lớn hơn 7), năng suất bình quân hàng năm từ 100-159 trái/cây, gồm một số giống dừa chủ yếu như xiêm xanh, xiêm đỏ, dừa dứa…

Phân tích tài chính về hiệu quả tài chính của các cây công nghiệp Việt Nam của Bộ NN-PTNT vào năm 2023 cho thấy, hàng năm năng suất dừa tươi đạt 30,5 tấn/ha, doanh thu 244 triệu đồng/ha, lãi 210 triệu đồng/ha.

Với việc mở cửa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, quả dừa tươi được kỳ vọng mang lại tương lai tươi sáng hơn cho nông dân trồng dừa cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ngành hàng dừa tươi còn đối mặt với những thử thách.

Đáng quan tâm nhất, thị trường dừa tươi Trung Quốc mang tính thời vụ, chỉ hút hàng vào mùa hè, thường ế ẩm vào mùa đông gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu phải liên kết thu mua “trọn gói” với nông dân vì khi đó sẽ khó khăn để điều tiết thị trường.

Hơn nữa, diện tích trồng manh mún, chỉ tính riêng Bến Tre, diện tích dừa bình quân mỗi hộ chỉ có 0,4ha. Mặc dù tỉnh Bến Tre đã nhìn thấy trước điều này, đã có quy hoạch vùng nguyên liệu dừa tươi nhưng diện tích vẫn còn khiêm tốn.

Điều quan trọng, như đã nêu ở trên, diện tích manh mún nhưng người dân trồng nhiều loại dừa nên không đồng dạng sản phẩm. Khi nhà nhập khẩu yêu cầu về chất lượng đồng đều thì sẽ khó có đủ sản lượng để đáp ứng.

“Giải quyết những vấn đề trên cần thiết phải có những quyết sách để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, để từ đó phát huy hiệu quả cao, bền vững chuỗi giá trị ngành dừa tươi cho thị trường vừa mới được mở cửa này. Đồng thời, cần “gõ cửa” thêm nhiều thị trường khác nữa”, ông Trần Văn Đức chia sẻ ý kiến.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.