| Hotline: 0983.970.780

Mở vòi nước công cộng, trữ 100 triệu m3 chống hạn mặn

Thứ Bảy 09/03/2024 , 08:31 (GMT+7)

Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang vừa cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm.

Tại cầu Phú Phong, xã Phú Phong, huyện Châu Thành (cách cửa sông 64km), đến ngày 4/3/2024 độ mặn đo được 0,13 g/l, cao hơn cùng kỳ các năm 2016, 2021, 2023 là 0,13 g/l. Ảnh: Minh Đảm.

Tại cầu Phú Phong, xã Phú Phong, huyện Châu Thành (cách cửa sông 64km), đến ngày 4/3/2024 độ mặn đo được 0,13 g/l, cao hơn cùng kỳ các năm 2016, 2021, 2023 là 0,13 g/l. Ảnh: Minh Đảm.

Độ mặn cao hơn năm 2016

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, hiện nay độ mặn trên sông Tiền đã cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023, nước mặn đã lấn sâu vào cách cửa sông khoảng 50 - 55km.

Cụ thể, đến ngày 4/3, tại cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo cách cửa sông 41 km) độ mặn đo được 5,54 g/l; so với cùng kỳ năm 2016 cao hơn 2,24 g/l, cao hơn năm 2021 là 3,36 g/l và cao hơn năm 2023 là 4,73 g/l.

Còn tại cầu Xoài Hột (xã Bình Đức, huyện Châu Thành cách cửa sông 51 km) độ mặn đo được 1,63 g/l, cao hơn năm 2016 là 1,23 g/l, cao hơn năm 2021 là 1,35 g/l và cao hơn năm 2023 là 1,63 g/l.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã chủ động vận hành đóng các cống ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng.

Hồ chứa nước thô của nhà máy nước BOO Đồng Tâm đang được bơm cấp bổ sung liên tục. Ảnh: Minh Đảm.

Hồ chứa nước thô của nhà máy nước BOO Đồng Tâm đang được bơm cấp bổ sung liên tục. Ảnh: Minh Đảm.

Tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công, cống Xuân Hòa và cống Rạch Chợ đã vận hành lấy gạn và đóng cống ngăn mặn. Tổng lượng nước trữ trong vùng dự án khoảng 90 đến 100 triệu m3.

Tại các huyện phía tây, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã đưa vào vận hành 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho người dân các huyện phía tây, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh.

Ngoài ra, hiện nay nước mặn trên sông Tiền tại khu vực cầu Kênh Xáng (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cách cửa sông 56km độ mặn đo được 1,02g/l có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Do đó, từ chiều 1/3, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) đóng cống Nguyễn Tấn Thành trên kênh Xáng khi dự án này đang còn thi công (đạt khoảng 80%).

Cống Xuân Hòa đã đóng để ngăn mặn, trữ nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Xuân Hòa đã đóng để ngăn mặn, trữ nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Mở 28 vòi nước công cộng

Về nước sinh hoạt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân các huyện phía đông cơ bản đảm bảo. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang là đơn vị chủ công trong việc quản lý, vận hành, cung ứng nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đáng quan tâm là ở các huyện, thị phía Đông và cù lao Tân Phú Đông do gần biển nên trong mùa khô hạn, nhu cầu nước sinh hoạt tăng rất cao. Do có dự án “Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công” nên công tác cấp nước cho khu vực thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông có nhiều thuận lợi và chuyển biến tích cực so với trước đây. Hiện những khu vực nguồn nước sinh hoạt yếu đã được Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang mở các vòi nước công cộng để người dân đến lấy sử dụng miễn phí.

Cụ thể, công ty đã mở 28 vòi công cộng cấp cho người dân huyện Gò Công Đông (21 vòi) và huyện Tân Phú Đông (7 vòi). Đồng thời công ty đã vận hành mở 6 giếng khoan dự phòng khu vực thành phố Mỹ Tho, 6 giếng khoan dự phòng tại Nhà máy nước Bình Đức và hệ thống bơm bổ cấp nước thô trên kênh Sáu Ầu - Xoài Hột. Riêng Công ty Cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm những ngày qua đã vận hành Trạm bơm bổ cấp nước thô trên kênh Sáu Ầu - Xoài Hột.

Tại cù lao Tân Phú Đông, các ao chứa nước rộng khoảng 6 ha tại xã Tân Thới đang còn khoảng 120.000 m3 nước thô. Hiện nay, độ mặn trên sông Tiền đang giảm nên Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đang tích cực bơm nước thô vào ao để tích trữ. Riêng ao trữ nước Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) hiện còn khoảng 14.000 m3 nước thô. Tuy nhiên, do độ mặn tăng cao nên không có nguồn để bổ cấp nước thô cho ao này.

Còn đối với địa bàn huyện Gò Công Đông, hiện nguồn nước thô trữ tại các ao Tân Thành (xã Tân Thành), Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng) vẫn còn đảm bảo để sản xuất nước sinh hoạt. Nguồn nước trên các kênh, rạch trong khu vực vẫn còn nên vẫn đảm bảo nguồn cung cấp nước thô cho các ao.

Ông Trương Văn Phúc, người dân xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông nói: "Hiện tại, khu vực gia đình tôi sinh sống vẫn được cấp nước sinh hoạt bình thường. Nước máy chưa xảy ra tình trạng khan hiếm như các năm trước. Kênh rạch thì cạn nhiều rồi, hai ngày nay thời tiết rất oi bức”.

Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, hiện nay, nhu cầu nước sinh hoạt tại các huyện phía đông đang tăng cao (khoảng 85.000 m3/ngày đêm). Những ngày qua, công ty tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân. Trong đó, đã mở 28 vòi nước công cộng để phục vụ người dân đến lấy sử dụng miễn phí.

Do nguồn nước hiện vẫn còn đảm bảo nên người dân đến lấy nước tại các vòi nước công cộng chưa nhiều. Nhìn chung, hiện nguồn nước sinh hoạt cơ bản đảm bảo phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết: “Trước và sau Tết Nguyên đán địa phương bị thiếu nước cục bộ, nhất là ở khu vực Pháo Đài nhưng công ty cấp nước đã điều tiết nguồn cung và mở các vòi nước công cộng, nguồn nước cơ bản đảm bảo, ổn định. Nếu hạn mặn kéo kéo dài thì phải đề xuất tỉnh chở nước bằng sà lan”.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (phải), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra các vòi nước công cộng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (phải), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra các vòi nước công cộng. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà máy nước BOO Đồng Tâm là đơn vị chuyên phân phối nước sạch cho các nhà máy nước trong tỉnh Tiền Giang. Bà Ngô Thị Còn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà máy nước BOO Đồng Tâm chia sẻ: Nhà máy có ao trữ nước rộng 10ha, trữ được 450.000m3, công suất cấp nước 60.000m3/ngày đêm. Từ Tết Nguyên đán đến nay có thời điểm nhà máy hoạt động vượt công suất. Những ngày hạn mặn tăng cao, công ty tranh thủ bơm nước cấp dự trữ nguồn nước thô.

“Nguồn nước thô ở đây được lấy từ kênh Sáu Ầu. Cứ 30 phút nhân viên sẽ đo mặn tại trạm bơm một lần, độ mặn dưới 250mg/l là mình lấy nước, cấp bổ sung cho hồ nước thường xuyên. Trường hợp nguồn nước thô nhiễm mặn cao không lấy được sẽ lấy từ nguồn nước giếng khoan và chở sà lan”, bà Ngô Thị Còn nói.

Lãnh đạo Chi cục thủy lợi Tiền Giang kiểm tra chất lượng nước sạch tại các vòi nước ở các huyện phía đông. Ảnh: Minh Đảm.

Lãnh đạo Chi cục thủy lợi Tiền Giang kiểm tra chất lượng nước sạch tại các vòi nước ở các huyện phía đông. Ảnh: Minh Đảm.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, trong tháng 3/2024, tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền trên địa bàn tỉnh có khả năng sâu hơn. Trên sông Tiền biên mặn 1 g/l sẽ lấn sâu vào nội đồng 52 - 56km, từ bến đò Bình Đức (cầu Xoài Hột) đến cầu kênh Xáng (vàm kênh Nguyễn Tấn Thành). Trên sông Hàm Luông, mặn lấn qua sông Tiền làm cho độ mặn ở phía Nam của cù lao Ngũ Hiệp tăng cao, dự báo độ mặn cao nhất ở khu vực phía Nam cù lao Ngũ Hiệp (vàm Hàm Luông và sông Tiền) ở mức 0,5 -1,5 g/l.

Để chủ động phòng chống xâm nhập mặn thời gian tới, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai phương án phòng chống hạn, mặn và đảm bảo cung cấp nước trên địa bàn. Trong đó, thường xuyên theo dõi diễn biến mặn, mực nước thượng nguồn, mực nước nội đồng các vùng dự án của tỉnh, vận hành tốt các công trình phục vụ sản xuất ở các vùng dự án. Đồng thời phối hợp với các địa phương thông báo tình hình diễn biến xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động sản xuất.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cảnh báo tình trạng xả nước thải ao tôm ra môi trường

Bạc Liêu cảnh báo tình trạng xả nước thải liên tục từ các ao nuôi tôm ra môi trường, nhất là các hộ nuôi tôm siêu thâm canh.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đón nhận danh hiệu Di sản thế giới

HẢI PHÒNG Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao quyết định công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới cho TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm