| Hotline: 0983.970.780

Mối duyên dài nhất của một cộng tác viên

Chủ Nhật 30/06/2024 , 07:00 (GMT+7)

Mỗi khi nhìn lại quá trình, ngay chính bản thân tôi cũng không thể ngờ mình đã cùng Kiến Thức Gia Đình có được một chặng đường lâu dài như thế.

Tranh của Đỗ Duy Tuấn.

Tranh của Đỗ Duy Tuấn.

Nói đến Kiến Thức Gia Đình là nhắc đến thời điểm năm 2005, khi lần đầu tiên tôi có duyên được gặp gỡ nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Gọi là “có duyên”, vì chỉ sau vài câu trao đổi ngắn vui vẻ cùng lời ngỏ của anh, tôi đã bắt đầu cộng tác bài vở và gắn bó với Kiến Thức Gia Đình kể từ ngày ấy cho mãi đến ngày nay.

Thật ra, trước đó khoảng sáu năm, tôi cũng đã từng cộng tác với Kiến Thức Gia Đình qua các mảng bài dịch thuật rồi. Lúc ấy Kiến Thức Gia Đình còn do nhà báo Chánh Trinh làm thư ký tòa soạn và khuôn khổ A5, như Kiến Thức Ngày Nay hay Thế Giới Mới. Tôi cộng tác được một năm rồi do bận công việc nên ngưng viết, mãi đến năm 2005 mới quay trở lại với báo lần nữa. Và bây giờ mỗi khi nhìn lại quá trình, ngay chính bản thân tôi cũng không thể ngờ mình đã cùng Kiến Thức Gia Đình có được một chặng đường lâu dài như thế.

Tôi đã từng cộng tác với một số các tờ báo và tạp chí. Có tờ mười năm, tờ mười hai năm, tờ bảy năm hoặc sáu năm… Nhưng tựu trung, chưa có nơi đâu tôi đã cộng tác trong một thời gian lâu bền trước sau đến hơn hai mươi năm, từ thuở mái tóc vẫn còn xanh cho đến khi mái tóc đen đã bắt đầu điểm sương, như Kiến Thức Gia Đình.

Thời gian đầu tôi chỉ chuyên phụ trách mảng dịch thuật, chỉ những khi viết bài cho các số báo Xuân thì tôi mới vừa viết bài vừa dịch bài. Nhưng từ năm 2015 trở đi, tôi được phân công viết bài cho mục “Sóng Gió Gia Đình”. Những bài viết không phải dưới hình thức các bài tâm lý được dịch từ tiếng Anh, mà là dưới hình thức một câu chuyện kể với các nhân vật và tình tiết hoàn toàn của người Việt Nam.

Thú thực lúc đầu tôi đã khá bỡ ngỡ với cách viết bài như thế. Nhưng tòa soạn đã giải thích đại loại như: “Một bài tâm lý tốt nhất là một bài viết người thật việc thật thì mới thuyết phục.” Tôi đã bắt đầu nhập cuộc như thế, mỗi tuần một bài viết, một câu chuyện để kể. Thời gian đầu khi viết được khoảng một chục bài, tôi bắt đầu bị “đuối” cốt truyện.

Tự nghĩ vốn sống của mình, những tác phẩm văn học, tiểu thuyết mình đã đọc qua cũng không thể gọi là ít. Nhưng giờ nhìn lại, có cảm giác như những gì mình biết vẫn còn ít ỏi nên mới bị tình trạng thiếu đề tài như thế. Thật ra, không phải vậy. Về sau tôi mới hiểu ra rằng, có cả một ngàn lẻ một truyện để viết miễn là phải nêu lên cho được một tình huống.

Có tựa đề trong tay rồi, phần còn lại có thể tùy theo đó mà viết, việc biến thể nội dung đi ít nhiều còn tùy vào mẫu nhân vật do mình chọn. Dĩ nhiên tác phẩm của tôi viết tuy có dựa trên thực tế xã hội nhưng vẫn là một tác phẩm hư cấu, không thể bê nguyên trạng những gì có thật ngoài đời thực vào được.

Các nhân vật tôi viết cũng đa dạng. Có người giàu, có kẻ nghèo, người có học thức, kẻ ít học… Tuy nhiên tất cả họ đều theo đuổi một mục đích chung, đó là mưu tìm hạnh phúc viên mãn, điều mà mọi người ai ai cũng đều mong muốn trong cuộc sống, đó là một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua tìm kiếm danh vọng, sự nghiệp và hạnh phúc đó, không phải rốt cuộc ai cũng đều đi tới đích với một kết cục mỹ mãn. Có người trở nên giàu có, có gia đình hẳn hoi nhưng lại không hẳn có hạnh phúc như họ mong muốn chỉ vì hai vợ chồng đã không hoặc chưa thể tìm được tiếng nói chung, hoặc có người thực sự có một mái ấm thuận vợ thuận chồng nhưng không giàu, chỉ có thể gọi là đủ sống, nếu biết liệu cơm gắp mắm.

Cũng có người cuối cùng chán ngán chuyện yêu đương, cam lòng sống độc thân một mình hoặc làm mẹ, làm bố đơn thân. Trong những trường hợp đó, họ có thể tìm niềm vui sống trong nghề nghiệp, hoặc dồn hết yêu thương cho con cái hoặc giúp đỡ người khác. Nói chung, có thể nói rằng cả tỷ con người hoặc cả tỷ đôi lứa thì sẽ là cả tỷ cảnh ngộ, không ai giống ai hoặc có điểm trùng lắp. Vì thế những người viết về những cảnh đời như vậy chẳng bao giờ phải lo rằng không có đề tài để mà viết.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây sau một thời gian dài viết về những mảng đời sống gia đình hoặc lứa đôi, đó là những đối tượng nào sẽ có cái kết tìm được hạnh phúc viên mãn? 

Nói ra thật ngạc nhiên vì yếu tố để tìm được hạnh phúc gia đình không hẳn là tùy ở sự giàu có, hay học thức, hay vẻ đẹp ngoại hình, mà chính là vẻ đẹp tâm hồn của những người sẵn sàng sống hy sinh cho người mình yêu. Chính những tâm hồn trung hậu, giàu lòng yêu thương và lòng chung thủy cuối cùng thường sẽ tìm được hạnh phúc thực sự.

Còn có những người đi tìm cả đời vẫn không thể tìm được một tình yêu thực sự hay một nửa kia cho đời mình thì sao? Như đã nói ở trên, nếu họ vẫn tiếp tục sống vì những đối tượng thân thiết khác trong đời mình hoặc tìm niềm vui sống trong sự cống hiến cho cộng đồng, xã hội, tôi tin rằng họ cũng sẽ tìm được sự bình yên trong tâm hồn và một hạnh phúc viên mãn.

Hàng tuần tôi vẫn đến chi nhánh báo Nông Nghiệp Việt Nam ở số 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM, để gửi bài cộng tác với Kiến Thức Gia Đình. Tôi có thể gửi bài online cho tiện nhưng tôi vẫn thích đến tòa soạn để gặp gỡ anh em tòa soạn, cùng hàn huyên các thứ chuyện. Nơi đây dần trở thành một địa chỉ quen thuộc, thân mật và ấm áp như ngôi nhà thứ hai của tôi.

Rồi thì các năm tháng cứ trôi qua, đánh dấu bằng các cột mốc đáng nhớ chẳng hạn như ngày nhà báo, liên hoan tất niên. v.v… Thoáng chốc có những phút nhẩm tính lại mới chợt kinh ngạc, tự nhủ: “Thời gian không ngờ đã kéo dài đến như thế!” Tính cho đến nay, chưa có một tờ báo hay tạp chí nào mà tôi đã cộng tác bài vở đến mức kỷ lục như tôi đã cộng tác với Kiến Thức Gia Đình.

Có những khuôn mặt thân thương vẫn tưởng rằng sẽ còn gặp gỡ về lâu về dài, đến một ngày chợt hay tin đã thành người thiên cổ như nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, nhà thơ Thanh Tùng… chợt nhớ đến câu nói của nhân vật Pierre Bezukhov trong tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình" của văn hào Lev Tolstoy: “Cái gì cũng qua, cái gì cũng hết. Chỉ có kỷ niệm là tồn tại.”

Những mất mát rồi cũng theo thời gian qua đi, hay nói đúng hơn những sự kiện đó lại càng vun đắp cho kỷ niệm những ký ức khó quên và vẫn sẽ còn lưu lại mãi trong tâm hồn ta sau những chặng đường của thời gian. Lại nhớ đến lời bài hát “Trở về mái nhà xưa” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Về đây nhé, cắm xong chiếc thuyền hồn. Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đàn”.

Logo Kiến Thức Gia Đình đã trở thành một biểu tượng và một chặng đường khó quên, đi sâu vào lòng các thế hệ độc giả. Trở thành một dấu ấn với những chặng hành trình, là công sức của một tập thể những nhân sự thuộc báo Nông Nghiệp Việt Nam nói chung và tuần san Kiến Thức Gia Đình nói riêng. Những nỗ lực ấy, rất xứng đáng để trân trọng và gìn giữ trong trái tim tôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?