| Hotline: 0983.970.780

Một dự án nước sạch bất thường ở xã nông thôn mới

Thứ Năm 12/07/2018 , 13:30 (GMT+7)

Tại xã nông thôn mới (NTM) Đồng Tuyển, TP Lào Cai (Lào Cai) có một dự án nước sạch tiền tỷ, sau 3 năm vẫn dở dang. Lạ ở chỗ, dù công trình chưa bàn giao, nhà thầu xây dựng vẫn nhận thanh toán 95% tổng vốn đầu tư. 

Liệu có sự móc ngoặc giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công?
 

Chờ nước chán rồi

Theo quyết định chỉ định thầu của UBND TP Lào Cai ngày 12/8/2014, UBND xã Đồng Tuyển được giao làm đại diện chủ đầu tư ký hợp đồng với Cty CP Nguyễn Phan (địa chỉ tại 062A Trần Đăng Ninh, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai) thi công xây lắp công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm xã Đồng Tuyển, giá trị hợp đồng 2,445 tỷ đồng.

10-55-48_1
Bể nước sạch 200m3 rêu rác phủ kín sau 3 năm dở dang. Ảnh: KT

Tiếp đó, cũng theo quyết định chỉ định thầu khác, ngày 6/1/2015, UBND xã Đồng Tuyển tiếp tục ký hợp đồng với Cty CP Nguyễn Phan thi công công trình cấp nước sinh hoạt thôn 4 và 5 xã Đồng Tuyển, giá trị hợp đồng trên 850 triệu đồng. Nguồn vốn 2 công trình này từ Chương trình MTQG xây dựng NTM, ngân sách TP Lào Cai và người dân đóng góp.

Công trình cấp nước sinh hoạt cho một số thôn của xã Đồng Tuyển, UBND xã, nhà văn hóa trung tâm và 3 trường học. Thời hạn hoàn thành và bàn giao theo hợp đồng lần lượt là là ngày 12/4/2015 và 30/6/2015. Tuy nhiên, tới tháng 7/2018, các dự án vẫn còn dang dở, chưa đâu vào đâu.

Ông Lưu Văn Phẩm, thôn Củm Thượng 1 dẫn chúng tôi đi xem hệ thống đường ống dẫn nước. Những chiếc ống nhựa đen được chôn ngay dưới mương nước thải chừng 20cm. Nhiều đoạn, do người dân nạo vét mương nên đánh bật cả ống nước, quẳng lên đường.

10-55-48_2
Hệ thống phân cấp, chia nước biến thành hố nước thải. Ảnh: ĐT

“Đã 3 năm, 3 – 4 gia đình chúng tôi phải đào giếng khơi để lấy nước sinh hoạt. Chúng tôi kiến nghị quá nhiều rồi. Người dân đã hết kiên nhẫn, vậy nhưng khi hỏi thì xã cho rằng là do nhà thầu thiếu năng lực, trong khi UBND TP trả lời trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư”, ông Phẩm bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Liên cùng thôn Củm Thượng 1 ngao ngán bảo, trông mong gì công trình nước sạch đó. Gia đình chị đã phải đi tìm nguồn nước trên đỉnh đồi cách nhà 1km, thuê đất xây bể lọc dẫn nước về nhà. Trước đây, chị cũng thử khoan giếng sâu hơn 10m nhưng nước đục, có mùi tanh nên bỏ. “Chúng tôi chờ nước chán rồi. Giờ phải tự vận động thôi", chị Liên thở dài.
 

Sai phạm và bất thường

Trong một biên bản làm việc gần đây, UBND xã Đồng Tuyển (chủ đầu tư) có ý kiến nên chuyển hồ sơ dự án tới cơ quan thanh tra và cơ quan công an điều tra để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan.

10-55-48_3
“Đường ống đều chôn dưới mương nước thải bị móc lên”, một người dân cho hay. Ảnh: KT

Qua tìm hiểu, dự án có nhiều dấu hiệu sai phạm và bất thường. Cụ thể, ban đầu đơn vị thi công xây một bể chứa tạo áp lực dung tích 200 m3 trên đỉnh đồi Nhạc Sơn. Vị trí này có độ chênh lệch với điểm thấp nhất của tuyến ống cấp nước đến các hộ dân là hơn 70m. Áp lực nước quá lớn đã gây ra hiện tượng bục, vỡ một số điểm trên tuyến ống ngay trong lần đầu tiên mở nước.

Để khắc phục, chủ đầu tư chấp nhận cho đơn vị thi công xây dựng thêm một bể giảm áp ở điểm thấp hơn trên đồi Nhạc Sơn, sau đó phát sinh những lỗi kỹ thuật, như chôn lại đường ống tại một số điểm. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ đồng hồ đo nước lắp bị phát hiện không đảm bảo chất lượng, chủng loại, mẫu mã như yêu cầu của Cty CP Cấp nước Lào Cai, đơn vị có trách nhiệm đấu nối, cấp nước cho công trình.

10-55-48_4
Hầu hết các gia đình phải lấy nước từ giếng đào để sinh hoạt. Ảnh: ĐT

Ông Hoàng Tân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tuyển cho biết, xã ít nhất 12 lần gửi giấy mời tới Cty CP Nguyễn Phan. Nhưng đa phần, họ né tránh, lâu lâu mới "ló mặt" ra. Lãnh đạo xã vô số lần gọi điện nhưng chủ DN không nghe. Gần đây nhất, ngày 18/5/2018, Cty mới chịu phối hợp làm việc, họ cam kết tới ngày 15/6/2018 sẽ hoàn thành việc khắc phục những tồn tại của công trình. Nhưng một lần nữa, chủ DN này lại mang “họ Hứa”.

Theo UBND xã Đồng Tuyển, tổng số tiền đã thanh toán cho 2 công trình là 3,520 tỷ đồng. Trong đó, đến năm 2016 đã giải ngân chi phí thi công xây dựng cho nhà thầu là 3,140 tỷ đồng (trị giá 2 hợp đồng là 3,297 tỷ đồng), chiếm 95,2% giá trị hợp đồng. Cũng theo xã Đồng Tuyển, năm 2017, UBND TP Lào Cai cấp kinh phí bổ sung cho công trình 328 triệu đồng nhưng đến thời điểm báo cáo (tháng 4/2018), đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện.

10-55-48_5
Đường ống nước của một gia đình cao hơn cả dây diện. Ảnh: ĐT
Câu hỏi đặt ra, vì sao DN thi công liên tục vi phạm hợp đồng nhưng vẫn được ưu ái? Và cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm khi sai phạm xảy ra và kéo dài đến như vậy?

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.