| Hotline: 0983.970.780

Một huyện chỉ có gần 300 con lợn nhiễm dịch

Thứ Sáu 11/10/2019 , 09:14 (GMT+7)

Đến hết tháng 4/2019, tổng đàn lợn nuôi thường xuyên của huyện Lạc Sơn, Hòa Bình đạt trên 81.000 con, nhưng sau hơn 5 tháng xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn, địa phương này mới chỉ có gần 300 con lợn nhiễm dịch phải tiêu hủy.

08-24-56_dn_lon_cu_ho_ong_bui_vn_cu
Nhiều hộ ở Lạc Sơn vẫn duy trì được đàn lợn.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạc Sơn, từ khi có DTLCP xảy ra trên địa bàn (tháng 5/2019) đến nay, toàn huyện chỉ có 299 con lợn nhiễm dịch phải tiêu hủy (chiếm 0,37% tổng đàn), được coi là một trong những địa phương bị DTLCP thấp nhất miền Bắc.

Đạt được kết quả nói trên là do: Sau khi nắm bắt được thông tin DTLCP phát sinh và gây hại nặng ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, UBND huyện Lạc Sơn đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, tăng cường kiểm tra giám sát việc giết mổ, chế biến và kinh doanh thịt động vật, các sản phẩm chế biến từ thịt động vật, trọng tâm là thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Đồng thời phân công thêm cán bộ về cơ sở, hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia tăng biện pháp phòng dịch, bao gồm: Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại hàng ngày; Chỉ mua cám công nghiệp từ các doanh nghiệp sản xuất có uy tín; Không cho lợn ăn thực phẩm thừa từ các nhà hàng dịch vụ ăn uống; Không mua thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn từ bên ngoài về sử dụng trong gia đình; Không cho người lạ ra vào trại chăn nuôi; Không bán chạy lợn khi có dịch xảy ra; Báo ngay cho cơ quan thú y khi đàn lợn có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, khó thở, sốt cao, nôn mửa, da bừng đỏ, chảy máu mũi, chảy rãi lẫn máu và kêu đau liên tục...

Ngay khi có dịch xảy ra, huyện đã khoanh vùng dập dịch kịp thời, tổ chức nhanh các chốt kiểm soát dịch tại các nút giao thông xóm, xã và thị trấn, tiêu hủy triệt để số lợn bị nhiễm dịch, động viên bà con nông dân bình tĩnh trước dịch, không bán chạy lợn đang nuôi tại gia đình, để tránh bị tư thương ép giá và lây truyền dịch bệnh sang các địa phương khác.

Hiện DTLCP đã tạm thời lắng dịu, có 9 xã đã công bố hết dịch, giá lợn thịt bắt đầu tăng nhanh, các nhà nông vẫn duy trì được đàn lợn nuôi khoảng 65.000 con. UBND huyện vẫn khuyến cáo, người chăn nuôi chưa nên tái đàn, không được chủ quan với dịch, tiếp tục tăng nhanh số lượng đàn trâu, bò và các loại gia cầm bản địa khác.

“Tỷ lệ lây nhiễm DTLCP ở đây thấp còn do, địa bàn huyện thuộc khu vực miền núi sâu, mật dân cư thưa, qui mô chăn nuôi nhỏ, ít lạm dụng thức ăn công nghiệp, chủ yếu tận dụng thức ăn có sẵn tại chỗ như cám ngô, cám gạo và rau xanh các loại. Có thể coi lợn Lạc Sơn là thực phẩm sạch”, ông Bùi Thế Chiêu – Phó Phòng NN-PTNT huyện Lạc Sơn cho biết.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.