Mở mang kiến thức chăn nuôi
74 hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Văn Yên, Bình Thuận, Phú Lạc (huyện Đại Từ) và Tân Khánh, Tân Kim (huyện Phú Bình) vừa được hỗ trợ 74 con bò cái lai Sind sinh sản, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng từ Tiểu dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Là hộ nghèo, thiếu tư liệu sản xuất, ông Nguyễn Văn Thạch trú tại xóm Đầm Mụ, xã Bình Thuận (huyện Đại Từ) kỳ vọng, bò sinh sản sẽ là kế sinh nhai bền vững giúp gia đình thoát nghèo.
“Cái hay của dự án hỗ trợ bò cái sinh sản là chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật chăn nuôi. Trước kia tôi chỉ biết cho bò ăn đủ bữa, nay đã biết cách ủ chua, phối trộn thức ăn, thụ tinh, phòng bệnh… cho vật nuôi. Nếu không được cán bộ khuyến nông tập huấn, tôi vẫn sẽ mãi mù mờ”, ông Thạch chia sẻ.
Ông Hoàng Công Hợp, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho hay, trước khi chuyển giao bò sinh sản tới các hộ dân, đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, làm chuồng trại…
Bò giống được lựa chọn với lý lịch rõ ràng, ngoại hình cân đối, lông da bóng mượt, trọng lượng từ 180kg trở lên, khỏe mạnh, đi lại tự nhiên... Ngoài hướng dẫn người dân trồng cỏ làm thức ăn thô xanh, trung tâm còn triển khai quy trình 4 bước ủ chua thức ăn từ nguyên liệu xanh (thân, lá lạc; cỏ voi...), tinh bột (bột ngô, sắn...), rỉ mật và muối ăn.
Kỹ thuật phối giống và đỡ đẻ
Để quá trình nuôi bò sinh sản đạt hiệu quả kinh tế cao, bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) đề nghị người dân cần đặc biệt lưu ý tới kỹ thuật phối giống.
“Kỹ thuật phối giống đóng vai trò then chốt trong quy trình chăn nuôi bò sinh sản. Phối giống sai cách, bò sẽ khó có thai và không sinh được bê con. Theo đó, bò nuôi được 16-18 tháng có trọng lượng 180kg trở lên mới cho phối.
Bò cái phải có biểu hiện động dục mạnh, rõ ràng như: kêu rống, nhảy lên lưng con khác, âm hộ đỏ, ướt có dịch nhờn tiết ra, đuôi vắt sang một bên. Thời điểm phối giống thích hợp từ 12 đến 18 giờ sau khi bắt đầu động dục. Lưu ý, lần phối đời sau nên đổi tinh bò đực để tránh đồng huyết”, bà Lương cho hay.
Ngoài ra, bò khi gần đến ngày đẻ có biểu hiện rõ nhất là bụng sệ xuống, âm hộ sưng và có niêm dịch chảy ra. Bầu vú căng, con cao sản có thể có sữa đầu chảy ra, đuôi thường cong lên. Bò tìm chỗ rộng rãi hoặc kín đáo để tránh những con khác.
Bò cũng có biểu hiện đứng nằm không yên, kèm theo phạn xạ rặn đẻ, càng gần lúc đẻ thì tần số rặn càng tăng, con vật hay đi tiểu vặt, lưng cong ở tư thế rặn. Quá trình rặn đẻ có thể kéo dài 30 phút đến 1 giờ, thường sau khi vỡ ối thì thai được đẩy ra.
Ngay sau khi bê vừa đẻ ra, bà con cần nhanh chóng dùng tay móc sạch nhớt ở miệng và hai lỗ mũi để tránh cho bê ngạt thở. Dùng rơm, khăn sạch lau qua nhớt bẩn, bóc móng cho bê. Để cho con mẹ liếm sạch bê con. Cắt rốn và sát trùng cuống rốn. Trường hợp bò mẹ liếm chưa sạch hoặc không liếm thì dùng khăn lau sạch.
Với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, sau gần 3 tháng dự án được triển khai, đến nay, đàn bò được hỗ trợ đều phát triển tốt, không có con bò nào bị nhiễm bệnh, trung bình mỗi con tăng từ 30-50kg, nhiều con bò hiện đã mang thai. Việc hỗ trợ các hộ nghèo ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất đã bước đầu cho thấy hiệu quả so với phương thức sản xuất truyền thống.