Tăng thông báo, giảm cảnh báo
Tổng kết công tác năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) của thành viên WTO, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022. Trong đó, 821 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 343 thông báo bổ sung về dự thảo có hiệu lực hoặc thay đổi thông tin.
Nếu tính riêng dự thảo thông báo thay đổi biện pháp SPS, Nhật Bản có thông báo nhiều nhất: 142 (khoảng 12%), tiếp theo là EU: 121 (10%), Hoa Kỳ: 90 (8%), Trung Quốc: 34 (3%).
Xét theo từng lĩnh vực, các thành viên WTO quan tâm nhiều nhất đến việc thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc BVTV (MRL) khi có trên 600 thông báo (khoảng 55%), tiếp đến là thay đổi dư lượng kháng sinh với trên 400 thông báo (35%), số còn lại các biện pháp SPS liên quan đến thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, việc số lượng thông báo SPS ngày càng tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất quan tâm tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như ngày càng đòi hỏi cao hơn về vấn đề này cũng như các yếu tố liên quan tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn...
Điều đáng mừng, mặc dù nhận nhiều thông báo hơn, số lượng cảnh báo dành cho Việt Nam lại giảm trong năm vừa qua.
Cụ thể, Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã phát đi 4.681 cảnh báo đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU.
Việt Nam nhận 67 cảnh báo (khoảng 1,4%) trong số này, giảm 5 cảnh báo (4%) so với cùng kỳ năm 2022 (72 cảnh báo). Theo lĩnh vực, rau quả và gia vị nhận nhiều cảnh báo nhất: 27 (chiếm 40%), thủy sản: 24 (36%), thực phẩm khác: 16 (chiếm 24%).
Cũng trong năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định của Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Đến nay, phía bạn đã phê duyệt hơn 3.000 mã sản phẩm nông sản làm thực phẩm cho khoảng gần 3.000 doanh nghiệp của Việt Nam được phép nhập khẩu, trong đó khoảng 1.500 mã thuộc 18 nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm.
Triển khai đề án nâng cao năng lực SPS về địa phương
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Văn phòng SPS Việt Nam tập trung xây dựng năm 2024 là trình lãnh đạo Bộ NN-PTNT kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”, sau khi được Thủ tướng phê duyệt.
4 nội dung chính được ưu tiên thực hiện trong đề án. Đầu tiên, là rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh xem có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không.
Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ hài hòa các quy định trong thương mại nông sản, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời tiến tới ban hành các tiêu chuẩn tương đương với thị trường quốc gia nhập khẩu.
Vấn đề thứ hai là nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, HTX, các bên liên quan tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản. Năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ trì tổ chức 11 hội nghị, hội thảo liên quan tới vấn đề này, đồng thời cam kết mở rộng đối tượng thông tin, tuyên truyền và sử dụng nhiều hình thức trực quan hơn như video, tiểu phẩm, cuộc thi tìm hiểu trong thời gian tới.
Trong thời đại chuyển đổi số đang vận hành như vũ bão, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng Cổng thông tin quốc gia về SPS, với mục tiêu cập nhật một cách nhanh nhất, đồng thời cung cấp kịp thời các giải pháp cho người sản xuất để thích ứng với thay đổi của thị trường.
"Những quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh là bắt buộc phải áp dụng. Nó giống như việc khi tham gia giao thông, thấy đèn đỏ là phải dừng lại. Nếu vượt đèn đỏ, đồng nghĩa với vi phạm, chúng ta sẽ bị phạt và ảnh hưởng tới những người đi cùng", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Ngô Xuân Nam nói.
Cuối cùng, là công tác phối hợp với địa phương, chuỗi ngành hàng. Hiện một số địa phương đề xuất thí điểm xây dựng hệ thống SPS ngay tại địa bàn. Riêng tỉnh Lào Cai, cửa ngõ giao thương với Trung Quốc, đã xin ý kiến thành lập bộ phận chuyên trách.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, SPS là "chìa khóa" để mở cửa thị trường. Làm thế nào để trao "chìa khóa" này cho người nông dân để họ chủ động hơn nữa khi giao thương với toàn cầu, sẽ là câu hỏi cho Văn phòng SPS Việt Nam trong năm 2024.
Mỗi nước thành viên WTO phải có một điểm hỏi đáp SPS/TBT, một văn phòng hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý các bình luận về các biện pháp đã thông báo, trả lời các câu hỏi và cung cấp thông tin và tài liệu liên quan.
Đồng thời, thành viên WTO có trách nhiệm thông báo cho các thành viên khác trước khi ban hành một biện pháp mới nếu những yêu cầu này có khả năng ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Họ thực hiện điều này thông qua các "thông báo" về SPS (vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) và TBT (hàng rào kỹ thuật đối với thương mại).